| Hotline: 0983.970.780

Hải Dương: Phá đê để xây nhà máy thép!

Mải miết quy trách nhiệm cho người, quên của ta

Thứ Tư 23/07/2014 , 08:25 (GMT+7)

Sự cố vỡ đê hữu sông Kinh Môn là rất nghiêm trọng, song Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (QLĐĐ&PCLB), Hạt QLĐĐ Kim Thành chỉ một mực “đổ lỗi” cho DN./ Nắn cong, ăn thẳng

Họ quên rằng chính mình mới là lực lượng chuyên trách quản lý và bảo vệ đê điều tại địa phương, đồng thời vụ việc này cần phải báo cáo Cục QLĐĐ&PCLB.

Sau khi sự cố vỡ đê xảy ra, ông Bùi Đình Hoan - Phó Giám đốc sở NN-PTNT, kiêm Chi Cục trưởng Chi cục QLĐĐ&PCLB tỉnh Hải Dương cho biết ngành đã phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xác định nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục, đồng thời báo cáo lên UBND tỉnh Hải Dương.

Tuy nhiên, về việc UBND tỉnh cho phép doanh nghiệp đầu tư cầu cảng gây sự cố vỡ đê và BCĐ PCLB chấp thuận phương án “nắn” đê thì Sở NN-PTNT chưa đưa ra được văn bản chỉ đạo nào của các cấp có thẩm quyền. Liệu các cơ quan chức năng của tỉnh Hải Dương đã làm hết trách nhiệm của mình?

Theo ghi nhận của phóng viên, dự án của Cty Việt Phát qui mô lớn ngay chân đê. Vị trí đê bị vỡ cũng là công trường thi công cầu cảng chỉ cách điếm canh đê một đoạn ngắn và cách trụ sở Hạt QLĐĐ huyện Kim Thành chưa đầy 1 km.

Vậy cơ quan chính quyền địa phương ở đâu, làm gì trước khi đê vỡ? Trong khi đó, tất cả các biên bản, công văn của các cấp chính quyền, ngành NN-PTNT đến các cơ quan quản lý đê điều, phòng chống lụt bão của tỉnh Hải Dương liên quan đến sự cố vỡ đê rất nghiêm trọng này chỉ mải miết quy trách nhiệm cho Cty Việt Phát mà tuyệt nhiên không đề cập đến trách nhiệm của mình.

Từ tháng 9/2013, khi Cty Việt Phát bắt đầu tổ chức thi công công trình tường chắn đất ngoài bãi sông, vi phạm Pháp luật Đê điều thì ông Trương Đức Tốn, Hạt trưởng Hạt QLĐĐ Kim Thành đã có Báo cáo số 14/BC-QLĐ gửi UBND huyện Kim Thành, kiến nghị lãnh đạo huyện cho dừng ngay mọi hoạt động của công ty ở ngoài bãi sông và tiến hành xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm.

Dù vậy, chính quyền địa phương vẫn làm ngơ để công ty tiếp tục thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Đến ngày 18/02/2014, Hạt QLĐĐ Kim Thành tiếp tục có báo cáo số 01 phản ánh những vi phạm của công ty trong suốt thời gian dài, lúc này UBND huyện mới làm việc với công ty và yêu cầu phải san tản toàn bộ cát chất chứa quá độ cao khu vực trong và ngoài đê, khắc phục hoàn trả lại mặt đê hư hỏng, đồng thời đề nghị công ty tạm dừng thi công các công trình chưa được cấp phép.

Như vậy, văn bản của Hạt QLĐĐ Kim Thành đã khẳng định các công trình liên quan đến đê điều của Cty Việt Phát chưa đầy đủ thủ tục cấp phép nhưng đã tiến hành thi công nên mới dẫn tới sự cố sạt lở đê vừa qua.

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất khung thép tiền chế và gia công thép định hình, phân loại và kinh doanh quặng sắt tại xã Kim Xuyên của Cty Việt Phát gồm nhiều hạng mục trong đó các hạng mục phía trong đồng, ngoài hành lang bảo vệ đê đã được thực hiện từ nhiều năm trước, riêng hạng mục xây dựng cảng thủy nội địa bốc xếp hàng hóa ngoài bãi sông đến ngày 20/1/2014 mới được Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông - Vận tải) chấp thuận cho phép xây dựng và đến thời điểm sự cố vỡ đê xảy ra vào ngày 27/5/2014, DN này vẫn chưa được cơ quan hưu quan cấp phép xây dựng liên quan đến đê điều.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn dưới luật, đặc biệt là Thông tư 46/2011/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định về trình tự thực hiện việc chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều, thì hạng mục xây dựng cảng thủy nội địa của Cty Việt Phát buộc phải có sự chấp thuận của Bộ NN-PTNT trước khi triển khai xây dựng.

Rõ ràng hơn, trong văn bản số 78/SNN-ĐĐ ngày 06/02/2014 của Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương về việc “Thỏa thuận phần liên quan đến đê điều, PCLB cảng thủy nội địa để trình UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án của Công ty Việt Phát” do Phó Giám đốc Bùi Đình Hoan ký gửi Cty Việt Phát đã yêu cầu: “Sau khi được chấp thuận đầu tư, cấp đất, công ty phải lập hồ sơ xin phép, kèm theo thiết kế bản vẽ thi công chi tiết các hạng mục công trình trên trình Sở NN-PTNT thẩm định, trình UBND tỉnh và Bộ NN-PTNT thỏa thuận làm cơ sở để UBND tỉnh cấp phép theo Luật Đê điều”.

Quy định đã rõ, thế nhưng không hiểu vì lý do gì các hoạt động thi công tại khu vực đê Kinh Môn vẫn diễn ra và dẫn đến sự cố vỡ đê nghiêm trọng ngày 27/5/2014. Việc Cty Việt Phát khắc phục sự cố vỡ đê chỉ là giải pháp tạm thời, để đảm bảo an toàn đê thì toàn bộ thiết kế, phương án thi công, đặc biệt việc “nắn” cong thân đê sẽ ảnh hưởng thế nào đến dòng chảy đều cần có ý kiến của Bộ NN-PTNT.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.