| Hotline: 0983.970.780

Mảnh đất của những kỳ tích

Thứ Năm 23/07/2015 , 06:10 (GMT+7)

Sau mấy năm nỗ lực xây dựng NTM, niềm vui của người dân đã đến khi ngày 24/7, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang sẽ chính thức được công nhận đạt chuẩn. 

Vùng đất lửa năm xưa với bao mất mát nay đã trở thành vùng đất NTM với điểm sáng mới.

Bứt phá mạnh mẽ

Trường Long xưa nay là xã Trường Long Tây  được nhiều người biết đến với lịch sử hào hùng: Trận Vàm Bi “tay không cướp đồn giặc”, trận Ông Hào lừng lẫy chiến công, trận trực thăng trên không góp phần đập tan chiến lược, chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ. Những chiến công vang dội của quân và dân xã Trường Long Tây được Đảng, Nhà nước ghi nhận và phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 20/4/1994.

Sau ngày thống nhất, mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách, toàn Đảng, toàn dân Trường Long Tây tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh để khắc phục hậu quả chiến tranh, đầu tư phát triển SX.

Và sau thời gian phấn đấu bằng nhiều cách làm sáng tạo, Trường Long Tây đang có sự bứt phá mạnh mẽ, cụ thể là đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân được nâng lên thông qua phong trào xây dựng NTM.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Trường Long Tây, “nông dân chính là chủ thể trong phong trào xây dựng NTM. Họ đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng, với ý chí vươn lên không chịu đói nghèo, lạc hậu, nông dân xã Trường Long Tây đang từng ngày khẳng định vai trò vị thế của mình”.

Ông Võ Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Trường Long Tây cho biết: “Với tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm hăng say lao động nên ngày càng nhiều nông dân trong xã đạt danh hiệu nông dân SX kinh doanh giỏi. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình cho lợi nhuận cao”.

Biến sỏi đá thành cơm

Là xã thuần nông cách trung tâm huyện hơn 10 km. Từ bao đời nay, cuộc sống của gần 2.000 hộ dân chủ yếu dựa vào cây lúa, nuôi trồng thủy sản và cây màu. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào SX, đưa năng suất sản lượng lúa lên gấp đôi, gấp ba so với trước.

Thế nhưng, số phận hạt lúa cũng luẩn quẩn như cuộc sống của người nông dân trên đồng khi được mùa mất giá, được giá lại mất mùa. Để các sản phẩm của người dân làm ra khỏi cảnh “kêu cứu”, các cấp chính quyền đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả.

Đến nay, trên địa bàn xã có rất nhiều nông dân thoát cảnh đói nghèo vươn lên khá giàu với các mô hình do địa phương phát động như: mô hình xoài cát Hòa Lộc bao trái; mô hình nuôi ba ba; mô hình nuôi rắn và mô hình trồng thanh long ruột đỏ… hầu hết đều SX theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Nhận thấy vùng đất ở địa phương phù hợp với cây trồng có múi, anh Phạm Văn Trung ở ấp Trường Hòa mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng bưởi da xanh và cam mật. Lấy ngắn nuôi dài, diện tích mặt nước được anh tận dụng để nuôi cá. Nhờ chí thú làm ăn bằng những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp nên thu nhập hằng năm luôn ổn định. Hiện người nông dân ngoài 40 này có gần 5 ha đất vườn và là một điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Anh Trung chia sẻ: “Cũng nhờ địa phương vận động và hỗ trợ vốn nên mình mới có cơ hội làm ăn, hiện tại thu nhập hằng năm của gia đình cũng khá, cuộc sống thoải mái hơn trước rất nhiều. Đời sống ổn định, tôi cũng cố gắng chung tay cùng địa phương xây dựng NTM”.

Một trong những mô hình hiệu quả nhất của xã Trường Long Tây là xây dựng cánh đồng lớn (CĐL). Trong thời buổi giá cả nông sản hàng hóa đầu ra bấp bênh, người dân canh tác manh mún thì việc xây dựng CĐL có ý nghĩa lớn trong quá trình SX, góp phần hoàn thành các tiêu chí về thủy lợi, giao thông, thu nhập.

Theo đánh giá, CĐL của xã Trường Long Tây đạt hiệu quả nhất ở Hậu Giang. Thay thế những giống kém chất lượng bằng các giống cao sản, tăng cường mối liên kết 4 nhà, mô hình này hiện đã phát triển lên trên 400 ha, tăng gần 200 ha so với năm 2012.

Việc SX theo CĐL giúp người dân giảm chi phí đầu tư, năng suất và giá bán tăng góp phần nâng cao thu nhập. Hiện thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt trên 29 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ đó cũng giảm xuống còn 6%.

Ông Phạm Văn Beo, nông dân canh tác trong CĐL cho biết: “Mới đầu tham gia CĐL tôi rất lo lắng, kể cả xây dựng NTM. Nhưng bắt tay vào xây dựng mới thấy bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, chất lượng cuộc sống được cải thiện, lợi nhuận SX cũng tăng hơn so với trước, tôi thấy rất phấn khởi”.

Sức bật nông thôn mới

Về xã NTM Trường Long Tây hôm nay, tất cả đường làng, ngõ, xóm, xe 4 bánh đều chạy tới nơi. Nhiều ấp trước đây chỉ có thể đi lại bằng ghe xuồng, nay có đường ô tô hơn 35km chạy khắp các ấp.

Gắn bó với vùng đất này từ hồi còn gian khó chiến tranh nên ông Nguyễn Văn Quang ở ấp Trường Thọ A càng cảm nhận rõ hơn về sự phát triển của quê nhà. Năm 2010, Trường Long Tây được tỉnh chọn làm xã điểm xây dựng NTM. Con lộ 3,5 m được hoàn thành thay thế con đường đất lầy lội năm nào và nhiều công trình giao thông, thủy lợi được đầu tư càng làm ông thêm phấn khởi và nhiệt tình cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM.

Ông Quang cho biết: “Từ khi nghe nói làm con lộ này tôi liền đi xin cây về trồng để tuyến lộ đẹp hơn. Thấy mình trồng đẹp nên nhiều người làm theo, giờ đường làm xong cây kiểng cũng phát triển nhìn rất đẹp”.

Bên cạnh giao thông thì địa phương còn đột phá trong nhiều tiêu chí. Cũng như các địa phương khác, tiêu chí môi trường luôn khó thực hiện nhưng xã lại hoàn thành từ cuối năm 2014. Để thực hiện đạt chuẩn, xã đã vận động xây dựng 500 hố rác liên gia để xử lý rác thải sinh hoạt, trên 700 hố rác tự hoại và gần 20 điểm thu gom vỏ chai thuốc BVTV đã qua sử dụng.

Cùng với nâng cao thu nhập và tạo vẻ mĩ quan môi trường, xã còn chú trọng đến công tác xây dựng đời sống lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.