| Hotline: 0983.970.780

Mãnh tướng Phan Đà

Thứ Tư 08/12/2010 , 11:03 (GMT+7)

Trong nhiều cuộc công đồn giặc, Phan Đà luôn được Lê Lợi cử làm tướng tiên phong. Ông mặc giáp phục trắng, cưỡi ngựa bạch, tả xung hữu đột, xông thẳng vào đồn giặc như chỗ không người...

Điện thờ Phan Đà tại đến Bạch Mã
Dân gian kể rằng: Năm 1425, nghĩa quân Lam Sơn, theo kế của tướng Nguyễn Chích tiến quân vào Nghệ An. Khi Lê Lợi từ Trà Lân (Con Cuông ngày nay) mở tuyến hành lang dọc xuống Lam Giang để mộ quân, Phan Đà liền cùng với nghĩa binh của mình gia nhập nghĩa quân Lam Sơn để đánh giặc.  

>> Huyền thoại về Phan Đà

Thấy Phan Đà thông minh, hay chữ, khỏe mạnh lại giỏi võ nghệ nên Lê Lợi rất quý mến. Thủa đó, phía hữu ngạn sông Lam (phủ Đức Thọ) có thành Lục Niên là đại bản doanh của Lê Lợi, do nghĩa quân Lam Sơn kiểm soát. Bên tả ngạn (phủ Thanh Chương) do giặc Minh kiểm soát. Trong nhiều cuộc công đồn giặc, Phan Đà luôn được Lê Lợi cử làm tướng tiên phong. Ông mặc giáp phục trắng, cưỡi ngựa bạch, tả xung hữu đột, xông thẳng vào đồn giặc như chỗ không người làm cho quân Minh bao phen kinh hồn bạt vía.

Biết Phan Đà là một người có trái tim đa cảm, mê xem hát tuồng nên nhân đợt đình chiến giữa 2 bên, tướng giặc Minh là Trương Phụ liền lập mưu để giết hại Phan Đà. Ngày 13/6/1426, Trương Phụ tổ chức đêm hát tuồng tại chợ Cồn (xã Thanh Dương ngày nay), Phan Đà cưỡi ngựa sang sông đi xem hát tuồng thì lọt vào ổ phục kích của giặc. Đơn thương độc mã, Phan Đà tìm cách phá thế bao vây của giặc. Ông đã trúng nhát đao rất nặng vào cổ và đã tử thương khi còn rất trẻ.

Con ngựa bạch trung thành cố mang xác chủ thoát khỏi vòng vây giặc chạy về đến Quảng Xá (chợ Rồng, xã Thanh Hà ngày nay) thì máu trên xác ngài mới đổ xuống ướt đẫm cả đất (mộ Ông), ngựa bạch chạy về đến xứ Công Trung (nay là cồn Chùa, xã Thanh Long) thì xác ngài rơi xuống đất (mộ Cả). Thấy ngựa bạch về doanh trại, trên mình đầy vết máu, nghĩa quân Lam Sơn theo ngựa đi tìm. Nhưng tại nơi máu ngài đổ xuống và nơi thi thể ngài rơi xuống đã được mối vùi kín. Bởi thế dân địa phương có câu: "Mộ Ông mả giả, mộ Cả mả thật".

Phan Đà mất, Lê Lợi như mất đi một cánh tay. Năm 1428, dẹp xong giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Lê Thái Tổ. Nhớ đến công lao của Phan Đà vua Lê bèn phong tặng cho ngài chức "Đại tướng quân", cấp 10 mẫu ruộng để làm giỗ, phong làm phúc thần sai dân Võ Liệt lập đền thờ phụng. Hàng năm đến 13/6 âm lịch là ngày giỗ của ngài, chức sắc tổng Võ Liệt đứng ra làm chủ tế.

Khoảng cuối năm Quảng Thuận (1470), vua Lê Thánh Tông thân chinh đem quân đi đánh giặc Chiêm Thành, đến thành Nghệ An vua nghỉ lại. Thế giặc lúc đó rất mạnh, đêm đến nhà vua lo lắng không ngủ được. Canh 2 vua vừa chợp mắt thì thấy một chàng trai trẻ mặc áo xanh, dắt ngựa bạch quỳ xuống trước mặt ngài và thưa rằng: "Bệ hạ đi đánh giặc Chiêm Thành lần này thế nào cũng thắng". Vua hỏi: "Nhà ngươi là người ở đâu?". Người thanh niên trả lời: "Muôn tâu! Thần quê ở tổng Võ Liệt, chỗ ở của thần trên có am Bạch Vân, dưới có một ao sen". Người thanh niên này xin tình nguyện dẫn đường cho vua đi đánh giặc. Vua tỉnh dậy hóa ra đó là một giấc chiêm bao...

Khoảng năm 1810, tổng Võ Liệt có ông Phan Hồng Nho, quê ở xóm Kim Hòa, đậu Cử nhân triều Nguyễn (quen gọi là ông Cống Cả Nghị) rất giỏi địa lý. Thấy ngài "gây họa" cho dân quá nhiều nên đã xin quan phủ cho đổi hướng đền 90 độ về phía sông Rộ để tránh họa cho dân. Vì thế bây giờ cổng đền một hướng, mặt đền lại quay sang hướng khác. Từ đó đền mất thiêng. Tuy nhiên, chỉ sau đó không lâu ông Cống Cả Nghị đã phải chết (?).
Trận đó, quân triều đình thắng lớn. Trên đường trở về Thăng Long, vua Lê Thánh Tông đích thân cùng tướng lĩnh đến thăm đền tại xã Võ Liệt, thấy cảnh sắc đúng như trong mộng. Vua liền cấp thêm đồ tế khí, sai dân Võ Liệt tôn tạo lại đền, cấp thêm một người thừa tự và 20 người sái phu, hàng năm miễn trừ tạp dịch.

Nhà vua phong cho Phan Đà là "Đô thiên đại đế, Long vương trợ thuận, hộ quốc bảo dân, thượng đẳng tối linh tôn thần". Đặc cách cho ngài 1 lễ "điển tế", giao cho Bộ Lễ cử quan triều đình vào làm chủ tế. Theo sử cũ ghi lại thì từ đó về sau những cuộc Nam chinh đi đánh giặc, hễ thấy thế giặc mạnh, quân ta khó thắng là các tướng lĩnh triều đình đều phi ngựa về đền Bạch Mã để cầu xin và đều thắng trận trở về. Bởi thế, riêng dưới triều Lê, đền Bạch Mã được các đời vua Lê phong tới 40 đạo sắc. Thời Nguyễn cũng được phong hàng chục đạo sắc như thế.

Thời Lê Mạt, đến đời vua Lê Duy Phường (1729 -1735) khi quân Tây Sơn từ trong Nam kéo quân ra Bắc phù Lê, diệt Trịnh, triều đình sợ nên không dám vào Nghệ An đành cho lập đền thờ ngài tại Thăng Long để tiện tế lễ. Lễ tế hàng năm tại đền Bạch Mã giao lại cho chức sắc địa phương làm chủ tế…

Ông Phan Tố Đức, 91 tuổi, người dịch cuốn thần phả đền Bạch Mã kể rằng: Đền Bạch Mã khi quay mặt về hướng Đông - Bắc tương truyền cả một thời gian dài rất thiêng, hễ phụ nữ ăn mặc đẹp, đội nón trắng đi qua trước cửa đền về tới nhà là bị ốm đau dặt dẹo. Dân gian cho rằng ngài bị chết oan khi đi xem hát tuồng nên dù đã xuống dưới suối vàng ngài vẫn rất ghét những người ăn mặc diêm dúa như phường tuồng nên dân Võ Liệt ăn mặc đẹp mỗi đi qua trước cửa đền thờ ngài cũng bị vạ lây (?!).

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.