| Hotline: 0983.970.780

Mao trúc - Cây đa tác dụng

Thứ Hai 01/11/2010 , 10:38 (GMT+7)

Mao trúc là loài cây đa tác dụng: có thể trồng thành rừng, để lấy măng, để làm nguyên liệu sản xuất giấy, ván sàn, chiếu trúc, đồ chơi, đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu rất có giá trị.

Từ nguồn nhập nội của Trung Quốc, trong nhiều năm qua Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc đã thành công trong việc nghiên cứu, nhân giống, trồng một số mô hình khảo nghiệm và xây dựng qui trình để chuyển giao cho các địa phương gây trồng giống Mao trúc, một giống cây lâm nghiệp đa tác dụng để bổ sung vào cơ cấu giống cây lâm nghiệp phục vụ chương trình 5 triệu ha rừng của Chính phủ.

- Đặc điểm thực vật và giá trị kinh tế: Mao trúc (Phyllostachys pubescens) thuộc nhóm trúc mọc tản, thân ngầm vừa sinh măng thân khí sinh vừa sinh măng thân ngầm. Mao trúc còn có các tên khác: Trúc sào, tre Xiêm, Trúc lông, Diệp vĩ lông, Nam trúc, Miêu đầu trúc (trúc đầu mèo), Mâu đầu trúc (trúc mũi mác), Mạnh tông trúc…

Cây cao 10-15m, cực đại tới 20m; đường kính từ 7-12cm, có khi tới 20cm, dày 5-10mm, đôi khi tới 15mm; lóng dài 20-40cm; thân thẳng và tròn đều. Mao trúc là loài cây đa tác dụng: có thể trồng thành rừng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, để lấy măng (ăn ngon, chất lượng tốt, sản lượng bình quân đạt từ 7,5-11,5 tấn/ha/năm) làm thực phẩm và trồng để lấy cây làm nguyên liệu sản xuất giấy, ván sàn, chiếu trúc, đồ chơi, đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu rất có giá trị.

- Yêu cầu sinh thái: Mao trúc yêu cầu nhiệt độ bình quân năm 15-19oC, lượng mưa 1.400-2.000mm/năm, độ cao thích hợp từ 700-800m, tốt nhất là 1.000-1.500m so với mực nước biển. Thân ngầm chủ yếu tập trung ở tầng đất 0-50cm do đó cần đất dày, giàu mùn, tơi xốp, ít đá lẫn, đất hơi chua (pH 4,5-7), ưa ẩm nhưng không chịu được úng ngập.

Theo các nhà khoa học, ở một số tỉnh vùng núi phía Bắc nước ta (bao gồm cả Việt Bắc và Tây Bắc) có nhiều loài trúc tản sinh phân bố, là tiền đề về sinh thái để gây trồng Mao trúc. Ngoài ra, nhiều vùng cao 1.000-2.000m trên dãy Trường Sơn cũng có thể phù hợp để phát triển Mao trúc nhưng cần lưu ý lựa chọn những nơi có mùa mưa ẩm ướt.

- Kỹ thuật trồng và chăm sóc: Có thể trồng bằng cây con 1-2 năm tuổi gieo từ hạt hoặc bằng thân ngầm 2-3 tuổi có thân khí sinh với 4-5 vòng cành. Thời vụ trồng tốt nhất từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau, tuy nhiên các mùa khác nếu có mưa liên tục cũng có thể gây trồng được. Đất dốc < 20o, trồng 4 x 4m (625 cây/ha), dốc > 20o trồng 4 x 5m (500 cây/ha).

Nếu sẵn giống và không có nhu cầu trồng xen cây lương thực hoặc cây ngắn ngày giữa hàng trúc ở những năm đầu thì có thể trồng 3 x 3m hay 3 x 2m (1.111 hay 1.600 cây/ha). Đào hố rộng 50 x 60cm, sâu 40-50cm, bón lót 5-10kg phân chuồng hoai mục + 0,2kg lân trộn với lớp đất mặt, lấp hố trước khi trồng 20 ngày. Cây giống gieo từ hạt (1-2 năm tuổi) chọn cây rễ trần, cao 20-30cm, đường kính thân ngầm 0,2cm trồng vào giữa hố, lấp sâu 10cm, lèn chặt.

 Vườn trúc mới trồng chưa khép tán, cuốc lật, làm cỏ 2 lần/năm (tháng 5-6 và tháng 8-9), khi khép tán làm cỏ mỗi năm 1 lần (tháng 7-8) kết hợp bón phân. Theo phân tích, để tạo ra 50kg măng Mao trúc cần lấy từ đất 250-300g N, 50-75g P2O5, 100-125g K2O. Nếu mỗi ha mỗi năm thu 15.000kg măng thì phải bón 75-105kg N, 22,5kg P2O5, 30-37,5kg K2O (tỷ lệ N:P:K là 5:1:2) và 15-25 tấn/ha phân chuồng hoặc phân hữu cơ hoai mục. Tháng 9-10 tiến hành tỉa ngọn (giữ lại 10-15 đốt cành lá là vừa) nhằm hạn chế tác động của gió đồng thời kích thích cho măng mọc và rễ ngầm sinh sản.

- Chặt tỉa và lấy măng: Tùy theo mục đích trồng (lấy măng hay thân cây là chính) mà chặt tỉa cây để lại mật độ cho thích hợp. Cần lấy hết măng điếc, một phần măng nhỏ đầu vụ và cuối vụ, chọn nuôi măng mập nhất giữa vụ để đảm bảo kích thước cây cho thế hệ sau.

 Theo kinh nghiệm, từ năm thứ 2 chọn giữ lại 1-2 chồi to, khỏe cách xa gốc để tạo cây mẹ mới, còn các cây khác thì tỉa bỏ. Qui tắc là: giữ cây xa đảo măng gần, giữ khỏe đảo yếu, giữ thưa đảo dày. Cây 3-4 năm tuổi có chất lượng tốt nhất và có vai trò nuôi dưỡng thế hệ sau quan trọng nhất cần giữ lại nuôi dưỡng, chặt bỏ cây già 6-7 tuổi, cây sâu bệnh, cây cụt ngọn. Công việc chặt tỉa nên làm vào mùa đông sau khi thu hoạch kết hợp bón phân, tủ gốc kỹ.

Để biết thêm thông tin chi tiết bà con liên hệ trực tiếp với Công ty CP Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc tại số 246 Trần Quang Khải, phường Chi Lăng, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; ĐT: 025. 3810264.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất