| Hotline: 0983.970.780

Mập mờ một “di chúc miệng”

Thứ Tư 24/08/2011 , 09:55 (GMT+7)

Hồ sơ giao đất cho ông Nguyễn Gia Cường có dấu hiệu bị làm giả. UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cần kiểm tra, xem xét lại chuyện này, nếu đúng là giả mạo, thì cần ra quyết định hủy sổ đỏ nói trên.

Hồ sơ giao đất cho ông Nguyễn Gia Cường có dấu hiệu bị làm giả. UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cần kiểm tra, xem xét lại chuyện này, nếu đúng là giả mạo, thì cần ra quyết định hủy sổ đỏ nói trên.

Năm 1971, do bố mẹ ở quê (thôn 5, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) già yếu nên ông Nguyễn Gia Cự đã cho vợ nghỉ việc, đưa các con về quê chăm sóc (vợ chồng ông đều công tác ở Ty Lâm nghiệp Nghĩa Lộ). Lúc đó anh và em trai ông Cự đều đi công tác, đã lập gia đình ở xa, hai chị em gái ông đã lấy chồng, nên gia đình ông ở với song thân trên thửa đất chừng 6 sào, gồm đất ở, đất trồng rau, đất vườn.

Năm 1988, nghỉ hưu, ông Cự cũng về ở đó. Năm 1990, thân sinh ông Cự mất (thân mẫu ông đã mất trước đó) không để lại di chúc, gia đình ông Cự tiếp tục ở và sử dụng diện tích đất trên mà không có bất cứ sự tranh chấp nào của 4 anh chị em ông. Năm 1991, xã lập bản đồ địa chính, thửa đất ông Cự đang ở và sử dụng mang số thửa 25, tờ bản đồ số 7. Năm 1997, ông Cự có đơn ra UBND xã, xin được làm sổ đỏ thửa đất trên, nhưng xã không trả lời.

Năm 2008, do một sự tình cờ, ông Cự phát hiện thửa đất ông đang ở đã bị cắt ra 541 m2 để giao cho em ông là Nguyễn Gia Cường (định cư ở TX Sơn Tây), và ông Cường đã được UBND huyện Phúc Thọ cấp sổ đỏ từ năm 2002. Ông Cự có đơn yêu cầu xã trả lời về việc này, thì được UBND xã cho xem một tờ “Đơn xin xác nhận phân chia tài sản”, đề ngày 4/7/1999, người viết đơn là Nguyễn Gia Cự, có nội dung “…Nay cha mẹ tôi đã chết, theo di chúc miệng của cha mẹ tôi có để lại cho em tôi là Nguyễn Gia Cường, thường trú tại phường Sơn Lộc. thị xã Sơn Tây số diện tích 485 m2 (trong diện tích đất mà song thân ông Cự để lại), phía tây 5,2 mét giáp hội trường HTXNN; phía nam 41 mét theo đường cái lớn; phía đông 25,7 mét giáp ông Nguyễn Gia Cự; phía bắc 28,3 mét giáp đường cái vào chợ”.

Cuối đơn có chữ ký của ông Nguyễn Gia Thiện là anh trai ông Cự, chữ ký của ông Nguyễn Gia Cường dưới chữ “người nhận đất”, còn chữ ký của ông Cự, không phải với tư cách người viết đơn mà là “anh hai”. Đơn có xác nhận của địa chính xã và UBND xã Hát Môn. UBND xã cho biết, căn cứ mà UBND xã lập hồ sơ đề nghị UBND huyện cấp sổ đỏ cho ông Cường chính là tờ đơn này. Ông Cự vô cùng bức xúc:

- Bản thân tôi không hề viết đơn từ gì về việc đất cát. Chữ ký trong đơn không phải chữ ký của tôi. Khi bố mẹ tôi còn sống, tôi cũng không bao giờ nghe hai cụ nói cho đất ông Cường. Tất cả đều là giả mạo.

Đặt chữ ký được cho là của ông Cự trong lá đơn trên cạnh một số chữ ký của ông cùng thời, chỉ bằng mắt thường chúng tôi cũng thấy chúng khác hẳn nhau. Ông Cự đã có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định chữ ký trên, nhưng không được đáp ứng. Thân sinh ông Nguyễn Gia Cự mất năm 1990, nên việc thừa kế di sản của hai cụ được thực hiện theo Pháp lệnh thừa kế của Hội đồng Nhà nước, do Chủ tịch nước Võ Chí Công công bố ngày 10/9/1990.

Theo điều 18 (di chúc miệng) của Pháp lệnh trên, thì công dân chỉ có thể lập di chúc miệng trong trường hợp “tính mạng bị đe dọa mà không thể lập di chúc viết được”. Và di chúc miệng chỉ hợp pháp khi “đúng là do người để lại di sản tự nguyện lập trong khi minh mẫn, không bị lừa dối và không trái pháp luật”.

Vấn đề đặt ra ở đây là trước lúc mất, song thân ông Nguyễn Gia Cự có bị “đe dọa về tính mạng” nên không thể viết được di chúc, buộc phải lập di chúc miệng hay không? Nếu bị đe dọa về tính mạng thì ai đe dọa? Và di chúc miệng đó có “đúng là do người để lại di sản (tức hai cụ) tự nguyện lập khi minh mẫn” hay không? Nếu đúng, thì di chúc miệng đó lập ngày tháng năm nào? Ai là người chứng kiến? Tại sao vợ chồng ông Cự là những người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc bố mẹ từ năm 1971 đến năm 1990 mà không một lần nghe thấy di chúc miệng đó?

Tất cả những câu hỏi đó đều chưa được làm sáng tỏ, mà UBND xã Hát Môn vẫn lập hồ sơ đề nghị UBND huyện cấp sổ đỏ cho ông Cường là chưa đúng với quy định của pháp luật. Một điều nữa cũng cần nói đến là tại sao trong “di chúc miệng” (nếu đó là thật), hai cụ chỉ cho ông Cường 485 m2, nhưng UBND huyện Phúc Thọ lại giao cho ông Cường 541 m2?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất