| Hotline: 0983.970.780

Mất cả chì lẫn chài

Thứ Tư 29/11/2017 , 08:35 (GMT+7)

Từ nhà gái trở về sau buổi lễ xin cưới, đoàn nhà trai của Hòa ai cũng mặt nặng như chì. Gieo mình xuống ghế, ông bác của Hòa thở dài:

Minh họa: Trọng Toàn

- Tôi cứ tưởng ông ta thách thế là để cho oai, rồi sau khi nhà trai cất lời xin, thì giảm dần, còn cùng lắm là một vài chục triệu. Ai ngờ ông ta cứ khăng khăng, nhất định không giảm.

Mỗi người một câu, chuyện cứ thế ồn ào dần lên, ai cũng nói rất to, như thể muốn tống cái cục tức ra khỏi lồng ngực. Bà cô của Hòa ra hiệu cho mọi người im lặng, rồi gần như gào lên:

- Đến cả họ nhà mình góp lại, cũng không đủ năm trăm triệu đồng. Thôi, chẳng cưới cheo gì nữa hết. Thiên hạ thiếu gì con gái. Đàn ông như cái nơm, chụp chỗ nào mà chả được vợ. Ông ấy đã thế, thì cứ để cho con gái ông ấy thành bà cô tổ bóp cổ con cháu.

Hòa van xin:

- Thôi, con xin mọi người. Để mai con sang thuyết phục ông ấy một lần nữa xem sao đã.

Tối hôm sau, Hòa sang nhà gặp bố mẹ Mai, người yêu của anh:

- Thưa bố mẹ, con xin bố mẹ nghĩ lại...

Nhưng anh chưa nói hết câu, thì ông Thừa, bố Mai, đã ngắt lời:

- Không nghĩ đi nghĩ lại gì hết. Tôi nói cho anh biết. Chín tháng mang thai, ba năm bú mớm. Rồi thì nào sài đẹn, nào ôm đau, nào học hành... Hai mươi năm trời tôi nuôi nấng, chăm bẵm, cả núi vàng núi bạc, mới được đứa con gái xinh đẹp như thế. Năm trăm triệu đồng tiền cưới, anh thấy có đáng không? Số tiền đó, thì tôi cũng sắm sửa phần lớn vào nó, để nó lấy chồng, chứ tôi có hưởng cả đâu?

Nói đi nói lại vẫn không thấy bố vợ tương lai đổi ý, Hòa cáu:

- Thưa bố, dân gian vẫn có câu “có con gái lớn thì lo gả bán”. Vậy bố gả Mai cho con, hay là bán Mai cho con?

- Anh muốn nghĩ thế nào thì nghĩ. Không có năm trăm triệu đồng, thì đừng có cưới.

Hòa ra về. Mai đã chờ anh ở ngõ, cô ôm chầm lấy anh:

- Anh ơi, em khổ lắm...

- Em khổ một thì anh khổ mười. Cả đại gia đình anh có gom góp lại cũng không đủ số tiền đó. Chẳng qua chỉ tại anh nghèo, nên chúng mình có duyên mà không có phận. Đã đến nước này, thì đành chia tay vậy...

- Không anh ơi. Cả đời này kiếp này em chỉ yêu mình anh thôi. Không phải là anh, em nhất định không chấp nhận người con trai nào hết.

Nghe Mai nói vậy, ruột gan Hòa như xát muối. Hai đứa có cảm tình với nhau ngay từ năm học lớp mười. Ngày tốt nghiệp phổ thông trung học, cũng là ngày Hòa ngỏ lời, và anh vô cùng sung sướng thấy Mai gật đầu. Vì nhà nghèo, cả hai quyết định không thi đại học mà ở nhà làm ăn. Hai năm trời, tình nghĩa biết bao nhiêu là sâu đậm, khăng khít. Thế mà khi chuẩn bị về chung một nhà, thì trước số tiền thách cưới khổng lồ của bố Mai, mà hai đứa cảm thấy như mỗi đứa đang ở một bờ của con sông rộng mênh mông, sóng gió cuồn cuộn, nhưng lại không cầu không đò, không có cách nào sang được.

- Phải xa em, anh như người đã chết vậy. Nhưng... anh bất lực rồi, em ơi?

Lặng yên một lúc, rồi mắt Mai chợt sáng lên. Cô nắm chặt lấy tay Hòa, quả quyết:

- Hay là chúng mình cứ ra ủy ban đăng ký kết hôn đi anh. Rồi vợ chồng mình bỏ đi thật xa, vào Tây Nguyên làm thuê chẳng hạn. Em có mấy đứa bạn đang làm trong ấy. Sáng nay em đã điện cho chúng nó rồi. Chúng nó bảo trong ấy sẵn việc lắm. Vợ chồng có sức khỏe, lại siêng năng, chịu thương chịu khó, chẳng lo gì đói. Chờ bố em nguôi nguôi đi rồi, thì mình về mình cưới cũng được. Anh thấy thế nào?

Hòa ôm chặt lấy Mai, xúc động không nói nên lời.

Mấy hôm sau, thấy Mai xách túi quần áo, dắt xe ra ngõ, ông Thừa hỏi:

- Mày đi đâu?

- Thưa bố, con bây giờ là gái đã có chồng. Chồng con đi đâu thì con theo đi đấy.

- Vợ nào, chồng nào?

- Con với anh Hòa đã đăng ký kết hôn ở ủy ban rồi. Như thế là về phương diện pháp luật, chúng con đã chính thức là vợ chồng. Nay con chào bố con đi theo chồng.

- Mày...

Ông Thừa chồm lên toan giữ con gái lại. Nhưng Mai đã nổ máy xe, vút đi. Như người điện, ông Thừa chạy thẳng ra ủy ban xã, vặc ông chủ tịch:

- Ai cho các ông đăng ký kết hôn cho con Mai nhà tôi?

- Thưa bác. Anh Hòa và cô Mai là công dân, đã đủ tuổi kết hôn, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Nên kết hôn là quyền chính đáng của họ, được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Thế nên khi họ đề nghị được đăng ký kết hôn, thì chúng tôi phải thực hiện chứ không thể ngăn cản.

Không biết con gái theo chồng đi đâu. Sau mấy tháng trời biệt tăm biệt tích, ông Thừa đổ bệnh.

Ba năm sau. Vào đúng ngày mùng một Tết, vợ chồng Hào - Mai bồng một thằng cu mũm mĩm, đẹp như tranh, và lỉnh kỉnh những gói to gói nhỏ, bước vào. Hòa cất tiếng ngay từ ngoài ngõ :

- Chào bố mẹ. Năm mới, vợ chồng con chúc bố mẹ mạnh khỏe, làm ăn phát đạt bằng năm bằng mười năm ngoái. Con, chạy lại chào ông ngoại đi con.

Hòa thả con xuống đất. Như đã được huấn luyện từ trước, thằng bé chạy lại sà vào lòng ông Thừa, miệng bập bẹ gọi “ông ngai... ông ngại...”.

Bà Thừa, mặt sáng bừng, ôm chầm lấy thằng bé, rối rít hôn hít, nựng nịu, trong khi ông Thừa ngẩn mặt. Hơn mười phút sau ông mới chỉ mặt Hòa:

- Chúng mày láo, dám qua mặt ông. Đáng lẽ ông từ mặt chúng mày. Nhưng vì thương thằng cháu, nên ông tha cho. Thằng Hòa kia, vào thắp hương xin lỗi các cụ đi.

Hòa cười như chưa bao giờ được cười:

- Vâng, thưa bố. Xin lỗi các cụ thì con xin bao nhiêu lần cũng được ạ.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất