| Hotline: 0983.970.780

Mất đầm tích nước, dân khốn khổ

Thứ Tư 08/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Từ khi đầm Thanh Vân bị thôn tính, người dân thôn Thanh Vân, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh (TP. Hà Nội) gặp vô vàn khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và đi liền đó là tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thôn Thanh Vân có trên 100 ha diện tích cấy lúa. Vì nằm cách xa hệ thống thủy lợi nên việc tưới tiêu gặp nhiều khó khăn. Sau nhiều lần bàn bạc, HTX Thanh Vân đã quyết định quây gần 20 ha diện tích đất ruộng chiêm trũng “đánh đắm” thành đầm Thanh Vân.

Ông Đỗ Văn Thiết, Trưởng thôn kiêm Chủ nhiệm HTX Thanh Vân cho biết: HTX đã phải bán hơn 7 tấn thóc thuê máy xúc, máy ủi làm đập ngăn nước. Đồng thời huy động đại diện hơn 600 hộ xã viên làm khoảng 10 ngày mới có được cái đầm tích nước.

Từ đó, đầm Thanh Vân do HTX quản lý hoạt động ổn định. Tuy nhiên, đến năm 2008, thời điểm giao thời khi Mê Linh nhập về Hà Nội, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hồi khu đầm này giao cho Cty TNHH xây dựng và vận tải Mạnh Đoan (Cty Mạnh Đoan) để làm dự án chăn nuôi lợn giống, lợn thịt sạch và nuôi trồng thủy sản. Kể từ khi khu đầm rơi vào tay Cty Mạnh Đoan, hàng trăm hộ dân đã bị ảnh hưởng lớn về sản xuất và môi trường.

Đưa PV ra đầm, ông Thiết cho biết thêm, hiện nay, những người dân ở Thanh Vân rất bức xúc vì khi họ muốn lấy nước trong đầm phải xin phép Cty Mạnh Đoan. Trong khi đó, phía Cty vì lợi ích của mình đã không ít lần gây khó khăn. Hơn nữa, phần diện tích màu mỡ và tiện sản xuất đã chìm trong nước nên một số hộ gia đình đành phải... quây lại chăn vịt.

Tìm hiểu quá trình đầm Thanh Vân bị thâu tóm, PV đã được bà Lê Thị Vững, phó trưởng thôn kiêm Phó chủ nhiệm HTX Thanh Vân cho biết:

Sau khi hình thành đầm Thanh Vân để tích nước phục vụ sản xuất, năm 1991, HTX đã nhất trí chủ trương cho thuê diện tích mặt nước. Tuy nhiên việc cho thuê này được quản lý rất ngặt nghèo.

Trong biên bản hợp đồng thầu khoán ngày 13/12/1991 của HTX Thanh Vân và ông Lê Văn Đoan (tên gọi khác: Lê Văn Nhỡ) có quy định rõ là HTX chỉ cho ông Đoan thuê diện tích mặt nước để nuôi và đánh bắt cá.

Bên thuê đầm không được cấy lúa, không được làm ảnh hưởng đến hoa màu của xã viên. Nước trong đầm do HTX tự điều chỉnh. Bên thuê không được cho nước, bán nước. Thời hạn của hợp đồng này từ 1991 – 1998.

Sau khi hết hạn hợp đồng, HTX tiếp tục cho Hội Cựu chiến binh thuê đến năm 2003 với những điều khoản tương tự. Đến khi Hội CCB hết hạn hợp đồng, HTX thanh lý và cho ông Lê Văn Đoan thầu lại giai đoạn 2003 đến 2010. Nửa chừng, vào ngày 25/8/2007, ông Trần Hải Toại khi đó là Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm đã ra quyết định số 102b/QĐ – UBND hủy bỏ hợp đồng thầu khoán đầm Thanh Vân.

Ông Đỗ Như Khang, một người dân thôn Thanh Vân phản ánh: “Mùa mưa, nước không thoát được vì đầm bị ngăn, đã dồn lên ngập giữa làng. Chúng tôi lội nước lên đến ngang đùi. Có nhà nước vào tận sân, mực nước cao tới 40cm, gây ô nhiễm môi trường”.

Ngay sau đó, ông Toại cũng thay mặt UBND xã ký hợp đồng kinh tế với ông Lê Văn Đoan (số 01/HĐKT) ngày 26/9/2007. Theo bản hợp đồng này thì phía ông Đoan được triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích đất được giao từ thời gian cho thuê 30/9/2007 đến ngày 1/10/2012.

Tiếp đó đến năm 2008, khi huyện Mê Linh chuẩn bị về Hà Nội, thì phần diện tích này được tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch thành dự án xây dựng lợn giống, thịt lợn sạch và nuôi trồng thủy hải sản.

Ngày 27/5/2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành quyết định số 1657/QĐ – UBND về việc phê duyệt địa điểm xây khu chăn nuôi lợn giống lợn thịt sạch và nuôi trồng thủy sản của Cty Mạnh Đoan (do ông Lê Văn Đoan làm giám đốc) với diện tích là gần 180.000m2.

Đến ngày 18/7/2008 (trước khi huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội 13 ngày), UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định số 2517/QĐ – UBND về việc giao đất cho Cty Mạnh Đoan để thực hiện dự án trên.

Một điều đáng nói là quá trình thu hồi đầm Thanh Vân cũng như việc giao đầm cho Cty Mạnh Đoan người dân địa phương không hề được biết, được bàn.

Ông Đỗ Văn Thiết cho biết, quá trình UBND xã ra văn bản chấm dứt hợp đồng của HTX Thanh Vân năm 2007 rồi đến việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất cho Cty Mạnh Đoan người dân chỉ được biết khi “mọi sự đã rồi”.

Ông Nguyễn Đức Vy, nguyên là Bí thư Đảng ủy xã Thanh Lâm thời kỳ 2007 - 2012 cho biết thêm, việc UBND xã hủy bỏ hợp đồng của HTX Thanh Vân và cho ông Lê Văn Đoan thuê đất năm 2007 bản thân ông cũng không được biết, trong Nghị quyết của Đảng ủy, của Hội đồng nhân dân xã đều không có.

Việc Cty Mạnh Đoan được giao quyền sử dụng đất tại khu đầm Thanh Vân có nhiều điều khuất tất. Hàng trăm hộ dân thôn Thanh Vân cử đại diện đội đơn đi nhiều cơ quan khiếu nại đòi lại khu đầm. Sự việc kéo dài chưa được giải quyết khiến cho cuộc sống của họ gặp vô vàn khó khăn.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất