| Hotline: 0983.970.780

Khi DN bội tín

Mất hẳn niềm tin

Thứ Sáu 16/05/2014 , 06:54 (GMT+7)

Đã qua 3 vụ thu hoạch, hầu hết người trồng mía ở các xã Điền Quang, Điền Lư, Lương Trung… huyện Bá Thước vẫn chưa nhận được chính sách hỗ trợ do Lasuco ban hành.

Mặc dù Cty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco), đóng tại Thọ Xuân – Thanh Hóa ban hành hẳn một chính sách riêng dành cho vùng mía do Cty CP Đầu tư phát triển Lam Sơn – Bá Thước (Cty Lam Sơn – Bá Thước) quản lý. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, tất cả các chính sách nằm trong thông báo này họ đều không được hưởng.

Tiền hậu bất nhất

Thông báo số 663 TB/ĐLS-KH, ngày 22/8/2011 về “chính sách đầu tư phát triển mía vụ 2011/2012 đến 2014/2015 cho các Cty CP Đầu tư phát triển tại các huyện” do Chủ tịch HĐQT Lasuco Lê Văn Tam ký nêu rõ:

“Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho những diện tích chuyển đổi từ đất trồng sắn và các cây trồng khác sang trồng mía lâu dài; 2 triệu đồng/ha tiền khai hoang đối với diện tích đất trồng rừng chuyển sang trồng mía; hỗ trợ tiền cước vận chuyển giống mía cho những diện tích chuyển đổi lần đầu sang trồng mía lâu dài và diện tích mía phá gốc trồng lại theo thực tế. Diện tích khai hoang, mở rộng được thu nợ trong 2 năm, mỗi năm 50% bằng tiền bán mía cho Lasuco”.

Thế nhưng đã qua 3 vụ thu hoạch, hầu hết người trồng mía ở các xã Điền Quang, Điền Lư, Lương Trung… huyện Bá Thước vẫn chưa nhận được các chính sách hỗ trợ trên.

Anh Dương Đình Chung, thôn Trung Dương, xã Lương Trung bức xúc: “Ngày đầu đi vận động chúng tôi phá luồng, phá sắn trồng mía cán bộ địa bàn còn phô tô cả thông báo này (thông báo chính sách) nhấn mạnh chúng tôi nằm trong diện được hưởng. Nhưng đã mấy năm trôi qua chẳng có chính sách nào được thực hiện cả”.

Theo anh Chung, vì quá ấm ức, cuối vụ mía năm 2012 anh cùng một số chủ hợp đồng trên địa bàn đến Cty Lasuco hỏi về các chính sách thì ông Đặng Thế Giang, Phó giám đốc Cty cho biết: “Các chính sách trên đang triển khai”. Tuy nhiên, đến bây giờ người trồng mía khu vực này vẫn mòn mỏi chờ đợi chính sách hỗ trợ trong vô vọng.

Ngoài việc không thực hiện chính sách ban hành, Cty Lam Sơn – Bá Thước còn thu thêm khoản “quỹ rủi ro” mà theo người dân họ không biết quỹ này dùng để làm gì?

Niên vụ 2013 – 2014 hộ chị Nguyễn Thị Len, phố Điền Lư, xã Điền Lư (Bá Thước) bán được 263.731.373 đ (hơn 348 tấn mía) thì bị Cty trừ quỹ rủi ro mất 6.963.9600 đ (20.000 đ/tấn). “Chúng tôi không biết quỹ đó dùng để làm gì. Tôi nghĩ bụng chắc thu để hỗ trợ người trồng mía khi gặp thiên tai, mất mùa, nhưng cũng không đúng bởi năm ngoái gió bão làm nhiều diện tích mía của gia đình tôi bị đổ, tôi phải thuê người dựng lại hết gần 10 triệu mà có thấy Cty hỗ trợ đồng nào đâu”, chị Len băn khoăn.

Ông Bùi Văn Ngọ, thôn Quang Trung (xã Lương Trung) chuyển đổi 15 ha luồng sang trồng mía từ năm 2011 nhưng đến nay cũng chưa nhận được chính sách hỗ trợ nào từ Cty. “Giá phân bón cao, giá mía thấp, thanh toán chậm lại còn trừ mất 20.000 đ/tấn tiền quỹ rủi ro. Thử hỏi làm sao chúng tôi mặn mà với cây mía được”, ông Ngọ buồn rầu.

Được biết, theo giấy báo thanh toán Cty Lam Sơn – Bá Thước gửi về, niên vụ 2013 – 2014 ông Ngọ phải nộp quỹ hơn 12 triệu đồng/hơn 600 tấn mía.

Người trồng mía khó khăn tái sản xuất

Ông Hà Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Quang cho biết, ngoài thu mua và thanh toán tiền chậm, Cty Lam Sơn – Bá Thước còn trừ nợ chi phí ứng không đúng với lời hứa ban đầu là cho dân trả dần trong 2 năm nên bà con không có tiền tái đầu tư, có hộ phải bán cả trâu bò để thuê người chặt mía. Theo ông Đồng, vì thấy cây mía không hiệu quả nên nhiều hộ đã phá mía chuyển sang trồng sắn (17/55 ha toàn xã).

Cùng chung bức xúc, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Trung Trương Bá Dừa nhấn mạnh: "Khi về vận động bà con trồng mía Cty nói rất hay nhưng thực tế triển khai lại không đúng với tuyên truyền. Cụ thể, chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha diện tích chuyển đổi từ đất trồng sắn và cây trồng khác sang trồng mía; 2 triệu tiền cày sâu, bón vôi; hỗ trợ tiền cước vận chuyển giống mía…tất cả đều không được thực hiện.

Ngoài ra, thời gian thu hồi nợ theo chính sách kéo dài trong 2 năm (mỗi năm thu 50%) nhưng ngay năm đầu thu hoạch Cty thu hết toàn bộ. Cty làm như vậy khiến người trồng mía rất bức xúc và không mặn mà với cây mía nữa”.

Doanh nghiệp vào cuộc hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập là một việc làm có ý nghĩa, được tỉnh Thanh Hóa khuyến khích. Tuy nhiên, những chính sách ban hành nếu thực hiện không công khai, dân chủ e rằng sẽ gây mất lòng tin ở người dân, nguy cơ “vỡ” quy hoạch phát triển nông nghiệp trên địa bàn là rất lớn.

Trao đổi với PV, ông Lê Bá Chiều, Giám đốc Cty Lam Sơn – Bá Thước thừa nhận việc thu hồi 100% chi phí đầu tư ban đầu ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên đã gây khó khăn cho người dân trong việc tái chăm sóc. “Tuy nhiên khó khăn thì Đảng và chính quyền phải lo chứ Lam Sơn không thể lo hết”, ông Chiều đá quả bóng trách nhiệm sang chính quyền địa phương.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ, ông Chiều nói: “Khi chuyển đổi diện tích từ các cây trồng khác sang trồng mía Cty cho không không hoàn lại 2 triệu đồng/ha; 50% vôi bột; 50% tiền làm đất; 20% giống mới và đầu tư không tính lãi: phân bón; giống mía; khai hoang, làm đất; thuốc BVTV; cho ứng tiền sửa đường giao thông; ứng tiền đốn chặt, ăn tết… thời gian thực hiện từ 2010 đến 2013”.

PV hỏi, tại sao người trồng mía ở các xã Điền Trung, Điền Lư, Lương Trung… không nhận được các chính sách trên, ông Chiều viện lý do, diện tích hỗ trợ 2 triệu đồng phải liền vùng, liền khoảnh từ 1 ha trở lên còn thời gian thu nợ trong 2 năm chỉ áp dụng với tiền làm đất (?).

Đối với quỹ rủi ro, ông Chiều nói: “Tiền đấy không phải thu của người trồng mía mà hàng năm theo hạch toán của Cty phải ghi vào để chuyển cho Hiệp hội mía đường Lam Sơn”. PV hỏi tiếp, quỹ rủi ro dùng để làm gì, ông Chiều bảo: “Cái đấy em phải hỏi Hiệp hội”.

Ông Chiều lý giải tiếp, vụ thu hoạch năm 2013 - 2014 Cty Lasuco thông báo giá mía 10 CCS là 900 nghìn đồng/tấn; trong đó, trả cho người trồng mía 880 nghìn còn 20 nghìn nữa là của quỹ rủi ro.

Tuy nhiên, khi PV kiểm tra phiếu thanh toán mía của hộ dân thì lá phiếu ghi rõ “phải nộp quỹ rủi ro”. Vậy, quỹ rủi ro này có thực sự thu để hỗ trợ người trồng mía gặp thiên tai, mất mùa; Cty Lam Sơn – Bá Thước liệu có thực hiện đúng chính sách riêng Lasuco ưu đãi cho vùng trồng mía Bá Thước? Câu trả lời xin dành cho lãnh đạo Cty Lasuco và chính quyền các địa phương liên quan.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm