| Hotline: 0983.970.780

Mất mỹ quan chăn nuôi

Thứ Hai 03/11/2014 , 08:12 (GMT+7)

Với dự án chuyển đổi diện tích 116,8 mẫu đất ở vùng cốt đất trũng sang chăn nuôi thủy sản và chăn nuôi, hy vọng rằng tình trạng chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư ở xã Mỹ Tiến sẽ được cải thiện. 

Chúng tôi đến xã Mỹ Tiến, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định vào giữa tháng 10/2014, đúng dịp lãnh đạo xã Mỹ Tiến, cùng lực lượng cảnh sát môi trường huyện Mỹ Lộc đang giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do trang trại lợn của ông Hà Danh Thảo (thôn Na Đồng) với quy mô 1.800 con gây ra.

Trước đó, trang trại này đã bị xử phạt 46 triệu đồng do hành vi xả thải chất thải chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường theo Kết luận số 62 của Chủ tịch UBND huyện Mỹ Lộc.

Mặc dù chủ trang trại đã đầu tư một hầm biogas cỡ lớn và phủ bạt để chứa và xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, do quá trình thi công không đúng với thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật nên không vận hành hiệu quả. Hằng ngày một lượng phân và nước thải chưa qua xử lý vẫn được tống xuống sông Chính Tây. Mùi hôi thối cộng với ô nhiễm nguồn nước đã khiến cho nhân dân quanh vùng rất bức xúc và kiến nghị lên chính quyền địa phương.

Ông Trần Văn Độ, Phó chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban Nông nghiệp xã Mỹ Tiến cho biết, toàn xã có 60 gia trại, trong đó có 13 hộ được cấp chứng nhận kinh tế trang trại và 1 trang trại quy mô lớn. Tổng số đàn lợn khoảng 4.000 con. Tuy nhiên, chỉ có 50% số trang trại, gia trại được đầu tư công trình xử lý chất thải bằng biogas.

“Các hộ dân chưa đầu tư hệ thống công trình khí sinh học thường xử lý chất thải bằng cách bán cho các chủ hồ nuôi cá hoặc ủ phân để bón cho cây cối. Tất nhiên cũng có những hộ xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm. Trước đây các hộ chăn nuôi trong xã đã làm hàng chục chiếc hầm biogas xây gạch, nhưng loại hầm này rất hay trục trặc. Phải có 4 - 5 công trình xảy ra tình trạng nứt bể, tắc gas, không lên hơi...”.

Với dự án chuyển đổi diện tích 116,8 mẫu đất ở vùng cốt đất trũng sang chăn nuôi thủy sản và chăn nuôi, hy vọng rằng tình trạng chăn nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu dân cư ở xã Mỹ Tiến sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, nếu quy hoạch vùng chăn nuôi mà không có hệ thống xử lý chất thải gia súc, gia cầm hiệu quả thì bài toán môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền bà con lắp đặt công trình khí sinh học bằng vật liệu composite trên loa phát thanh và các hội nghị tiếp xúc cử tri để nhân dân hiểu hơn về dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp. Do triển khai dự án chưa lâu nên tâm lý của bà con vẫn còn e ngại. Hiện tại đã có 7 hộ lắp đặt hầm biogas composite dung tích từ 5 - 9 m3. Kết quả nghiệm thu cho thấy, những công trình này vận hành rất tốt.

Bà Trần Thị Thư, cán bộ thú y xã Mỹ Tiến cho biết, hiện toàn xã có khoảng 25 hộ chăn nuôi đăng ký xây hầm biogas, nhưng không phải hộ nào cũng triển khai thi công trong năm 2014 mà thực hiện rải rác qua nhiều năm.

Một số hộ chăn nuôi đã đăng ký xây hầm biogas nhưng chưa thể xây dựng ngay như ông Trần Văn Nghĩa, Trần Văn Cường (thôn La Đồng)… do đang trong thời gian mở rộng chăn nuôi, cần nhiều vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, giống và vật tư đầu vào.

Một số hộ chăn nuôi đã xây dựng công trình khí sinh học nhưng dung tích chứa của hầm biogas quá nhỏ so với lượng phân thải. Cụ thể, trang trại của ông Trần Văn Duật (thôn La Đồng) có quy mô 700 - 800 lợn nhưng mới chỉ xây dựng được hầm biogas 13 m3; gia trại của hộ gia đình bà Trần Thị Mai (thôn La Đồng) có quy mô 70 - 80 con lợn nhưng mới lắp đặt hầm chứa nguyên liệu 13 m3.

“Tôi được biết, theo tiêu chuẩn kỹ thuật, để xử lý chất thải chăn nuôi của 80 con lợn thì dung tích của hầm chứa nguyên liệu khoảng 23 m3 mới đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường”, bà Thư chia sẻ.

Xem thêm
Mang Yang là nơi rất tốt để phát triển đàn bò sữa

Khí hậu mát mẻ quanh năm, không khí trong lành, nguồn nước sạch…, là những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển bò sữa ở Mang Yang, Gia Lai.

Huấn luyện kỹ năng phòng, chống bệnh dại

CẦN THƠ Ngày 16/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. Cần Thơ phối hợp với Sở Y tế, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) tập huấn phòng, chống bệnh dại trên động vật.

Tưới tiết kiệm: Khó khăn trước mắt, lợi ích dài lâu

Đầu tư cho hệ thống tưới tiết kiệm có thể tốn kém trước mắt cho nhà nông, song sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu.