| Hotline: 0983.970.780

Mất rừng, mất cả tôm cá và cơm áo

Thứ Ba 09/05/2017 , 07:45 (GMT+7)

 Có một thời, người dân tìm cách chặt phá rừng phòng hộ để có chỗ nuôi thủy sản. Nhưng khi không còn rừng, tôm, cá cũng chẳng giữ được, bị sóng đánh trôi hết ra biển.

Nay nhờ chính sách giao khoán đất rừng, người dân nuôi trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Dưới tán rừng giờ đây là tôm cá, cơm áo, gạo tiền, là cuộc sống của họ.
 

Bám lấy rừng

Kiên Giang nằm trải mình bên vịnh Thái Lan thuộc vùng biển Tây, với hơn 200 km bờ biển. Để giữ đất liền trước cuồng phong của biển cả, thiên nhiên ban tặng cho Kiên Giang những cánh rừng phòng hộ, với 2 loại cây chủ lực là đước và mắm. Thông thường, rừng phòng hộ lấn ra biển khoảng 100 mét, còn ở những bãi bồi, dễ có đến vài trăm mét. Rừng không chỉ chắn sóng, mà còn là nơi tôm, cá trú ngụ, sinh sản.

Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, cuộc sống nghèo khó, người dân bám riết vào rừng để tồn tại. Khai thác tôm, cá tự nhiên dưới tán rừng có, chặt phá cây rừng hầm than, bán gỗ cũng có. Vì vậy, rừng cứ mỏng dần dưới bàn tay con người.

Tôi theo chân cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ An Biên – An Minh ra tận mép biển. Ông Quách Văn Kin, ấp Xẻo Quao, xã Thuận Hòa, huyện An Minh, năm nay 70 tuổi nhưng đã có hơn 50 năm sống dưới tán rừng. Năm 18 tuổi, từ nông dân chuyên làm ruộng ở Xẻo Bần, anh Kin lập gia đình rồi tìm về vùng Xẻo Quao sinh sống. 

09-11-18_2-ong-quch-vn-kin-chm-soc-rung-duoc-hon-20-nm-tuoi-trong-dien-tich-nhn-khon
Ông Kin chăm sóc rừng đước hơn 20 năm tuổi
09-11-18_3-ong-kin-pht-don-chm-soc-rung-cy-mm-ven-bien
Ông Kin phát dọn, chăm sóc rừng cây mắm ven biển

“Hồi đó, rừng xanh bao phủ, tôm, tép, cá biển rất nhiều. Chỉ cần chọn chỗ bãi bồi, phát dọn cây rừng rồi lên vuông, chờ con nước lên, mở đập cho tôm cá theo vào, khi nước rút ra thì chặn bắt. Cứ vậy, ở đây ai cũng bám lấy rừng để sống”, ông Kin nhớ lại.

Tương tự, ông Hai Bảo, 65 tuổi cũng chọn vùng rừng ngập mặn ven biển ở Xẻo Quao để sống mấy chục năm qua. Trước đây người dân nghèo lắm. Sống dựa vào rừng, khai thác tôm, tép tự nhiên nên thu nhập không đáng là bao. “Mỗi tháng bắt được hai đợt tôm cá theo con nước lớn dịp rằm và 30, chỉ việc mở đập cho tôm, cá từ biển vào vuông, khi nước rút ra dùng đó, đục để chặn bắt. Ít thì để ăn, nhiều đem bán”, ông Hai Bảo chia sẻ cuộc sống trước kia.

Đến khi thực hiện mô hình kinh tế tập thể theo tập đoàn, rừng mắm, đước ven biển bị chặt phá rất nhiều. Ông Hai Bảo cho biết: “Phá rừng có hai nhóm người. Một là dân địa phương, họ thường chặt cây làm nhà, đốt than hoặc lấy chà chất bắt cá ngoài biển, số lượng không nhiều. Hai là dân nơi khác đến, mang theo ghe lớn, mỗi lần chặt phá rất nhiều. Chẳng bao lâu những vạt rừng đước, mắm loại lớn, dùng làm cột nhà bị san phẳng”.

Mất rừng phòng hộ che chắn phía ngoài, mùa mưa bão sóng đánh thẳng vào bờ gây sạt lở. Đời sống người dân vốn khó khăn ngày càng túng quẫn hơn. Không còn rừng che chắn nên đến mùa gió bấc (khoảng tháng 9 đến tháng Giêng, tháng 2 năm sau), mưa bão, sóng đánh bể nát bờ vuông, tôm, cá trôi hết ra biển. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa này dân phải di cư nơi khác tìm kế sinh nhai”, ông Hai Bảo nhớ lại.
 

Rừng thủy sản

Thấy được những bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, năm 1997, UBND tỉnh Kiên Giang triển khai việc giao khoán đất rừng cho các tổ chức, cá nhân quản lý theo Nghị định 01/CP, ngày 4 tháng 1 năm 1995 của Chính phủ. Và sau này, áp dụng Quyết định 178/2001/QĐ –TTg ngày 12/11/2001 giúp dân có nguồn thu nhập từ rừng ổn định cuộc sống.

Theo đó, đối với rừng sản xuất, khi đã trồng đạt 100% diện tích và đến tuổi khai thác, hộ nhận khoán sẽ được khai thác từ 10-15%/năm. Còn đối với rừng phòng hộ, người nhận khoán phải đảm bảo trồng và phát triển đạt 70% diện tích rừng, còn lại 30% thu từ nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng.

09-11-18_5-ong-hi-bo-dng-kiem-tr-so-nuoi-duoi-tn-rung-trong-dien-tich-nhn-khon
Ông Hai Bảo đang kiểm tra sò nuôi dưới tán rừng

Nhờ chính sách này mà nhiều vạt rừng bị chặt phá nay được người dân trồng lại. Khi giao khoán, hộ ông Quách Văn Kin được nhận 15 ha. “Gọi là đất rừng nhưng gần như là bãi trống, cán bộ quản lý yêu cầu phải tiến hành trồng rừng lại, khi nào đạt 70% diện tích mới được múc vuông nuôi thủy sản. Thấm thoát giờ đã thành rừng đước trên 20 năm tuổi.

Với 15 ha đất rừng nhận khoán, gia đình ông Kin có gần 5 ha mặt nước nuôi thủy sản. Từ năm 2.000 trở lại đây, ông Kin tập trung nuôi sò huyết dưới tán rừng. Ngoài ra, còn nuôi ghép thêm tôm sú, cua biển, lấy ngắn nuôi dài. Mỗi năm, mô hình này mang lại cho gia đình ông hằng trăm triệu đồng, cuộc sống ngày càng phát triển.

“Sò huyết nuôi phải từ 10 – 12 tháng mới cho thu hoạch, mỗi năm thu vài tấn sò (giá bán khoảng 80 – 95 triệu đồng/tấn, tùy lớn nhỏ) là sống khỏe. Còn tôm, cua thả xen thì chỉ 3 – 4 tháng là có thu hoạch, bắt lai rai lấy tiền trang trải cuộc sống hàng ngày”, ông Kin chia sẻ.

Tương tự, hộ ông Hai Bảo nhận khoán 6 ha đất rừng. Sau thời gian ra sức trồng lại rừng đước, ông bắt đầu lên vuông để nuôi sò huyết, tôm, cua... Sò huyết giống (sò cám – nhỏ như hạt cám) bắt từ biển về, được người dân nơi đây ương dèo trước mặt nhà. Khi đạt trọng lượng 1.000 con/kg bắt đầu thả vào vuông nuôi dưới tán rừng. Nếu không tự dèo giống được thì mua lại với giá 130.000 đồng/kg 1.000 con để thả nuôi.

Vừa lội xuống xúc sò, ông Hai Bảo vừa chia sẻ: “Nuôi sò nặng vốn đầu tư ban đầu (mua giống, xử lý môi trường nước), công chăm sóc nhưng bù lại không lo thức ăn. Nếu nuôi đạt tỷ lệ sống 50 – 60% thôi là “1 vốn 3, 4 lời” rồi. Cứ mỗi tấn sò thương phẩm là bỏ túi vài chục triệu. Vậy nên ai cũng ra sức giữ rừng để che chắn, bảo vệ nồi cơm nhà mình”.

Đời sống người dân sống bám nhờ rừng nay đã khá lên nhiều. Bộ mặt nông thôn thay đổi, có điện lưới, đường bê tông xe ô tô về đến tận nhà, điều mà chỉ cách đây hơn chục năm không ai dám nghĩ. Nguyện vọng của người dân là được vay vốn ngân hàng. Vì là đất rừng nhận khoán, không có sổ đỏ nên không có gì thế chấp. “Nếu có vốn vay ngân hàng đầu tư làm ăn, chắc chắn đời sống sẽ nâng cao hơn chứ không phải chỉ ở mức khá như hiện nay”, ông Hai Bảo khẳng định.

+ Diện tích rừng BQL Rừng phòng hộ An Biên – An Minh được giao gần 7.000 ha, trong đó rừng phòng hộ ven biển 3.730 ha, rừng mới trồng ngoài bãi bồi 280 ha, còn lại là rừng tràm sản xuất.

Đến nay, rừng phòng hộ đã giao khoán 2.985 ha, cho 867 hộ dân, còn lại quản lý tập trung. Bình quân mỗi hộ nhận khoán khoảng 5 ha (thấp nhất 1 ha, nhiều trên 10 ha). Rừng tràm đã được quy hoạch thành 192 lô (4-5 ha/lô), trong đó đã giao 144 lô cho dân, còn lại có 1 công ty và 3 DNTN nhận khoán.

+ Ông Trần Phi Hải, Giám đốc BQL Rừng phòng hộ An Biên – An Minh: "Được giao khoán, người dân làm chủ trên mảnh rừng đó. Đối với rừng phòng hộ ven biển, họ được khai thác 30% mặt nước dưới tán rừng nuôi ò huyết, cua biển và tôm sú, nguồn thu khá ổn định. Tùy vốn đầu tư nhiều hay ít mà mỗi hộ thu nhập từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu/năm. Đời sống khá lên, ý thức giữ rừng cũng tốt hơn. Nhiều hộ sẵn sàng đăng ký trồng rừng hoặc tự trồng mới trên các bãi bồi lấn ra biển".

 

Xem thêm
Cà phê có thể bị tiêu hủy nếu vi phạm quy định kiểm dịch của Mexico

Thông báo ngày 21/3 của Mexico sửa đổi các yêu cầu kiểm dịch thực vật hạt cà phê Arabica và Robusta nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.