| Hotline: 0983.970.780

Mấu chốt là khâu quản lý

Thứ Sáu 09/11/2012 , 14:32 (GMT+7)

Có lẽ trong hệ thống ngành nông nghiệp hiện nay, không có ngành nào đội ngũ cán bộ lại đông đảo như ngành thú y. Có điều, ngành thú y thì vẫn luôn kêu thiếu.

Có lẽ trong hệ thống ngành nông nghiệp hiện nay, không có ngành nào đội ngũ cán bộ lại đông đảo như ngành thú y. Có điều, ngành thú y thì vẫn luôn kêu thiếu. 

>> Tâm sự người 20 năm làm thú y xã

Cán bộ thú y, không ít! 

Một tỉnh bé như Hưng Yên, nhưng nếu thống kê chi tiết về đội ngũ cán bộ thú y của tỉnh này thì đông đảo bất ngờ. Cụ thể, Chi cục Thú y hiện có 10 người. Ở cấp huyện, hệ thống trạm thú y của Hưng Yên được tổ chức đầy đủ ở tất cả 10/10 huyện thị, với tổng số cán bộ cấp trạm 60 người. Trong đó, có 10 cán bộ thú y cấp trạm thuộc diện hợp đồng tự chi trả. Ở cấp xã, toàn tỉnh có 161 xã, phường, thị trấn thì, trong đó 141 xã có cán bộ thú y. Tổng cộng, lực lượng cán bộ thú y toàn tỉnh Hưng Yên hiện nay cũng lên tới hơn 200 người.

Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên, hiện toàn bộ lực lượng cán bộ thú y từ tỉnh cho tới cấp xã đều thuộc Chi cục Thú y quản lí về nhân sự và trực tiếp ký hợp đồng chi trả tiền lương. Với con số hơn 200 người, chỉ tính riêng tiền lương mỗi năm tỉnh đã phải chi trả không dưới 5 tỉ đồng. Cộng thêm trung bình mỗi năm, ngân sách tỉnh thường phải chi khoảng 10 – 20 triệu đồng/xã để chi trả tiền công cho công tác triển khai phòng chống dịch, tổng cộng tiền công – tiền lương mà tỉnh Hưng Yên phải chi cho đội ngũ cán bộ thú y là khoảng 7,5 tỉ đồng/năm.

Về vật tư khác như vacxin, hóa chất, trang thiết bị… phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, ông Tuấn cho biết trung bình mỗi năm, riêng kinh phí của tỉnh thường phải chi ít nhất khoảng 15 tỉ đồng (chưa kể nguồn hỗ trợ từ TƯ). Như vậy, tất tần tật một năm, mà cụ thể như dự toán năm 2013, ngân sách tỉnh phải chi ít nhất 22 – 23 tỉ đồng cho công tác thú y.

Chúng tôi đã thử tìm hiểu thì thấy, trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng giá trị SX chăn nuôi của tỉnh Hưng Yên là khoảng 735 tỷ đồng. Nghĩa là kinh phí chi cho công tác thú y toàn tỉnh hiện chiếm khoảng hơn 3% trên tổng giá trị SX chăn nuôi trong vòng nửa năm!

Ở tỉnh Hải Dương, số lượng cán bộ tại Chi cục Thú y là 19 người. Ở cấp huyện, tỉnh này hiện có 12 trạm thú y với tổng số cán bộ là 41 người (5 trạm có 4 người/trạm và 7 trạm có 3 người/trạm). Ngoài ra, Hải Dương có 256 xã phường, thị trấn, với ít nhất 1 cán bộ thú y/xã được trả mức phụ cấp với mức 1 triệu đồng/tháng. Từ năm 2011, Hải Dương đã quyết định phân loại và nâng số lượng cán bộ thú y cấp xã lên 2 người/xã đối với các xã xếp hạng loại I.


Mặc dù có đội ngũ cán bộ đông đảo nhưng ngành thú y luôn kêu thiếu người

Mặc dù Chi cục Thú y tỉnh Hải Dương không nắm được cụ thể có bao nhiêu xã đã được nâng lên xã cấp I, nhưng chắc chắn số lượng cán bộ thú y xã tăng thêm là không nhỏ. Đơn cử như tại huyện Cẩm Giàng hiện có 19 xã, thị trấn thì từ năm 2011 trở đi, đã có 14 xã được “nâng hạng” lên 2 cán bộ thú y/xã.

Theo ông Nguyễn Văn Quynh – Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Dương, riêng tiền lương chi trả cho tất cả cán bộ thú y ở Chi cục và các trạm thú y cấp huyện hiện khoảng trên 3,3 tỉ đồng/năm. Ở cấp xã, với mức phụ cấp 1 triệu đồng/tháng cho mỗi cán bộ thú y cấp xã, thì kinh phí phụ cấp mỗi năm cho hệ thống thú y cấp xã chắc chắn không dưới 7 tỉ đồng/năm. Tính ra, với tổng số cán bộ thú y toàn tỉnh xoay quanh mức 450 – 500 người, tổng tiền lương và phụ cấp hàng năm mà tỉnh Hải Dương phải chi cho đội ngũ cán bộ này lên tới hàng chục tỉ đồng mỗi năm.

Chúng tôi đã thử so sánh số lượng cán bộ thú y của tỉnh Hải Dương với một số đơn vị là Cục quản lí ngành dọc của Bộ NN-PTNT. Ví dụ như Cục Quản lí chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản hay Cục BVTV thuộc diện là đơn vị có số lượng cán bộ đông cỡ nhất nhì trong cấp Cục của Bộ NN-PTNT, trung bình mỗi Cục này cũng chỉ có tổng cộng khoảng 500 cán bộ, nghĩa là chỉ ngang ngửa với số lượng cán bộ Thú y của một tỉnh trung bình như Hải Dương.  

Còn như Cục Chăn nuôi – một đơn vị “thân cận” với thú y đảm nhiệm việc điều hành SX cho ngành chăn nuôi cả nước thì hiện chỉ có tổng cộng chưa đầy 50 cán bộ. Nghĩa là số lượng cán bộ của Cục Chăn nuôi cũng chỉ ngang ngửa với lực lượng cán bộ thú y của một huyện bình bình như huyện Cẩm Giàng của tỉnh Hải Dương.  

Tăng người hay tăng lương? 

Một lí do khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh, theo ông Nguyễn Văn Quynh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Dương thì lực lượng thú y vẫn còn quá mỏng. Theo vị này, hiện tại, mảng kiểm soát giết mổ và kiểm dịch, nhất là tại cơ sở vẫn đang thiếu cán bộ nghiêm trọng. Ông Quynh nói, riêng tại Chi cục, số lượng cán bộ nên tăng lên khoảng 25 người mới cơ bản đáp ứng công việc (so với 19 người như hiện tại). Ở cấp huyện, theo ông Quynh nên có tối thiểu 5 cán bộ thuộc diện biên chế/trạm.

Trước lý do cho rằng “lực lượng cán bộ thú y cơ sở mỏng”, năm 2011, UBND tỉnh Hải Dương đã phải quyết định tăng số lượng cán bộ thú y các xã loại I lên 2 người/xã, khiến cho số lượng cán bộ thú y tỉnh này “đồ sộ” như hiện nay. Tuy nhiên theo Chi cục Thú y tỉnh này, hiện chỉ có khoảng 50% số cán bộ thú y cấp xã đạt yêu cầu về trình độ chuyên môn.

Số lượng cán bộ thú y đông thế, nhưng trong một hội nghị về kiểm soát dịch bệnh do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương đã chán nản khi phát biểu, mấy năm nay, tỉnh nào có dịch gì thì Hải Dương luôn có dịch đó! Trong khi đó, một tỉnh “láng giềng” của Hải Dương là Hưng Yên, hầu như 2 – 3 năm trở lại đây rất hiếm khi xẩy ra dịch bệnh.

Ông Bùi Văn Liên, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) cho rằng, chỉ nên tăng cường thêm cán bộ thú y cấp trạm và cấp Chi cục ở mảng kiểm soát giết mổ và vệ sinh ATTP. Đối với cán bộ thú y xã, tốt nhất là chỉ nên có một cán bộ/xã. Thay vào đó, mỗi thôn trong xã nên có chế độ phụ cấp, dù là rất ít đối với thú y viên ở cấp thôn.

Về câu chuyện nhân sự, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hưng Yên lại cho rằng, công tác thú y yếu kém ở nhiều địa phương hiện nay không hẳn do lực lượng cán bộ thú y mỏng, mà mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ phương pháp quản lí, năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ thú y ra sao mà thôi!

Đối với cán bộ thú y cấp xã, theo ông Tuấn không nhất thiết phải tăng lên 2 người/xã như cách làm của Hải Dương, mà chỉ nên tăng lương gấp đôi, thậm chí đưa vào diện công chức cấp xã, đồng thời gắn trách nhiệm pháp lí cụ thể cho đội ngũ cán bộ này đi kèm với việc đổi mới và tăng cường điều hành kiểm soát công việc của họ. Một trong những cách làm mà Hưng Yên đã thực hiện từ năm 2008 đến nay, đó là Chi cục Thú y trực tiếp quản lí và ký hợp đồng lao động, chi trả lương cho cán bộ thú y các xã. 

“Việc để UBND các xã quản lí và trả lương cho cán bộ thú y xã khiến nhiều ông thú y xã lại trở thành chân sai vặt, “điếu đóm” cho Uỷ ban, thậm chí kiêm luôn cả chức cán bộ văn hóa xã. Khi để dịch xẩy ra, lơ là trong công việc cũng chẳng phải gắn trách nhiệm pháp lí nào. Từ khi giao thú y xã về cho Chi cục Thú y quản lí, chúng tôi gắn trách nhiệm thưởng phạt, thậm chí đuổi việc nếu không hoàn thành nhiệm vụ nên hiệu quả hoạt động của thú y cấp xã cải thiện rất nhiều”. (Hết)

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hậu Giang được phân bổ 200 tỷ đồng xử lý sạt lở bờ sông

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hai dự án xử lý sạt lở đất, làm kè chống sạt lở bờ sông với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng.