| Hotline: 0983.970.780

Người nông thôn đọc gì?

Mấy ai có thời gian đọc sách

Thứ Ba 18/11/2014 , 09:11 (GMT+7)

Ngày mùa, 21-22 giờ, nhiều gia đình nông dân vẫn còn làm quần quật, không có thời gian nghỉ ngơi thì việc đọc sách lại càng... không tưởng./ Người nông thôn đọc gì?

Xa xỉ phẩm

“Trước đây, trường có thư viện nhưng gần như không hoạt động. Một năm học, hơn 300 học sinh (HS) mà được mượn khoảng 180 đầu sách. Chia tỉ lệ bình quân 2 HS đọc mới được đọc 1 đầu sách/năm. Giáo viên như tôi vào mượn còn khó. HS lên thư viện mượn sách càng khó hơn. Phải là những em học đội tuyển văn may ra được mượn”. Cô giáo Phạm Thị Hải, giáo viên dạy toán Trường THCS An Dục (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) chia sẻ.

Từ khi trường THCS An Dục lập được tủ sách phụ huynh học sinh (PHHS), nguồn sách như những dòng nước mát được dẫn về tưới tắm trên cánh đồng tri thức. Nhiều đầu sách phong phú về thể loại như văn học, khoa học, rèn kỹ năng, khám phá... là niềm yêu thích của học sinh từ lớp nhỏ đến lớp lớn.

Không chỉ HS đọc, nhiều em còn đăng ký mượn về nhà để bố mẹ cũng được đọc.

Đến nay, khi tủ sách dòng họ, tủ sách PHHS, tủ sách cựu chiến binh... được phổ biến đại trà khắp huyện Quỳnh Phụ, việc đọc của các bậc phụ huynh vẫn là một thứ xa xỉ phẩm. Trò chuyện với PV, nhiều bậc phụ huynh chia sẻ: Ngày mùa, 21-22 giờ, nhiều gia đình nông dân vẫn còn làm quần quật, không có thời gian nghỉ ngơi thì việc đọc sách lại càng... không tưởng.

Chẳng riêng huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, nhiều vị phụ huynh thẳng thắn thừa nhận ngoài nhà giáo ra thì chẳng mấy người có thời gian đọc sách.

Lý do là vì nguồn sách cũng chẳng có cho họ đọc. Thứ hai là mượn ở đâu, ai cho họ mượn? Các thầy cô giáo dù sao cũng phải đọc nhưng không nhiều, họ đọc sách chuyên môn là chính, còn các sách khác mấy khi đọc đến.

“Như tôi, một tháng giỏi lắm đọc được một cuốn sách gọi là quá xuất sắc”, cô giáo Phạm Thị Hải cười vui.

Tủ sách công nhân

Đến thôn Cổ Đẳng, xã Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, hỏi về Tủ sách họ Đỗ nhiều người biết đến ông Đỗ Văn Anh, Giám đốc công CP Xuất nhập khẩu Thương mại và Dịch vụ may Tuấn Anh (MTA) chuyên về may mặc, tham gia xây dựng tủ sách dòng họ từ năm 2008.

Sau 6 năm hoạt động, việc đọc sách có hiệu quả, không chỉ với bà con trong dòng họ, với anh chị em công nhân may, điều ông vui hơn nữa là cậu con trai thi đỗ đại học, trở thành sinh viên trường Đại học FPT.

Đến nay, xưởng may của ông Đỗ Văn Anh đã có 200 công nhân. Dự định sắp tới, ông sẽ khai trương Tủ sách công nhân để phục vụ chính những người làm công ăn lương cho Cty này.

Có lẽ ông chủ nào cũng tham lam giờ lao động của công nhân. Cho nên khi nghe nói chủ doanh nghiệp lại mở tủ sách để công nhân đọc, hẳn nhiều người cho là “ngớ ngẩn”. Chủ doanh nghiệp cũng như công nhân còn mài miệt làm việc lấy đâu thời gian đọc sách.

Ông Đỗ Văn Anh lại nghĩ khác. Ông cho những người có suy nghĩ như vậy là chỉ biết tham lam giờ giấc của công nhân để tăng ca mà thôi.

“Tôi cho đọc sách cũng là kiếm tiền đấy chứ. Tôi kiếm tiền bằng cách tư duy. Một phút hăng say bằng ngày chiếu lệ”, ông Đỗ Văn Anh chia sẻ.

Ông diễn giải thêm: “Khi có tư duy rồi chỉ cần nói qua người công nhân của tôi tự giác làm việc mà không phải nhắc nhở nhiều. Công nhân của tôi chỉ cần biết bảo quản máy móc, không để hỏng hóc, không để xảy ra sự cố, đó đã là cách tôi kiếm tiền rồi. Khi họ hiểu biết rồi không nhất thiết phải làm ở đây, họ đi làm ở nơi khác cũng là con người hiểu biết trong xã hội thì đất nước này hẳn sẽ tiến bộ khác đi”.

Chính thầy cô còn thờ ơ

Trò chuyện về việc xây dựng tủ sách PHHS, thầy giáo Uông Minh Thành, Phó Hiệu trưởng trường THCS An Lễ, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THCS An Dục cởi mở: “Việc xây dựng tủ sách PHHS nói chung cái khó nhất theo tôi nghĩ đó là sự vào cuộc của các thầy cô giáo.

tu-sch-phhs163208896Tủ sách PHHS trong lớp

“Cháu mong muốn đưa sách khoa học đến trường để cho học sinh đọc và sáng tạo như robot, ô tô chạy bằng năng lượng mặt trời... là những loại cháu mới chỉ nghe nói mà vẫn chưa được đọc”. - Uông Nhật Nam, học sinh lớp 7A, THCS An Dục.

Nếu nói về lý thuyết thì đó là mắt xích dễ nhất. Bởi vì thầy cô mà nói về việc đọc sách thì phải ủng hộ rồi. Nhưng trên thực tế diễn ra thì đấy là mắt xích khó nhất”.

Ban đầu, thầy cô giáo nhà trường bàn bạc tính toán thì nghĩ vấn đề khó nhất là vận động PHHS đóng góp kinh phí tài chính để mua sách. Một xã vùng nông thôn như An Dục, thu thêm 20.000 đồng cũng là điều không dễ dàng.

Thầy hiệu trưởng Lưu Thanh Thụ (nay nghỉ hưu) đã phân tích trước các bậc PHHS: “Bây giờ mỗi HS có 50.000 đồng thì chỉ mua được 1-2 cuốn sách để đọc. Nếu cả lớp 40 HS góp vào, con các bác sẽ đọc được ít nhất 40-80 cuốn sách”.

Việc tưởng khó, nhưng khi triển khai đó lại là vấn đề dễ nhất. PHHS ủng hộ ngay. Thậm chí vượt qua mức 20.000 đồng nhà trường đề ra, PHHS đã đóng góp 50.000 đồng xây dựng tủ sách đầu tiên.

Ngược lại, vấn đề tưởng dễ nhất lại khó nhất đó là các thầy cô giáo. Có những thầy cô không quan tâm, không ủng hộ, thậm chí thờ ơ với việc xây dựng tủ sách. Thầy cô giáo không quý sách thì đương nhiên không tạo điều kiện cho học trò đọc sách, càng không nói đến việc động viên và khuyến khích học trò đọc sách.

“Khai hóa cái đầu của các thầy cô giáo còn khó hơn cái đầu phụ huynh. Phụ huynh dù họ không đọc sách nhưng họ biết sách rất quan trọng. Còn thầy cô biết thừa sách rất quan trọng nhưng vì các thầy cô không đọc nên nghĩ mọi người cũng không đọc như mình”, thầy giáo Uông Minh Thành bình luận.

Trường THCS An Lễ có 364 học sinh với 11 tủ sách phụ huynh, mỗi tủ mới có trên 30 đầu sách. Một số học sinh cho biết, bình quân các em đã đọc 1 cuốn sách/tuần, một số em đọc 1 cuốn sách/tháng.

Hai năm đầu tiên (2012-2014) tủ sách hoạt động hiệu quả so với thư viện nhà trường trước đây nhưng kết quả chưa đạt 30 đầu sách/năm/HS. Vì vậy, nhà trường đã lên kế hoạch cải thiện hoạt động đọc sách của học sinh trong toàn trường.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất