| Hotline: 0983.970.780

Mấy dòng tiễn biệt phóng viên Đinh Hữu Dư

Chủ Nhật 15/10/2017 , 13:31 (GMT+7)

Đinh Hữu Dư sinh năm 1988, nên gọi tôi là bác. Là một người trầm tĩnh, hiền lành và ít nói lại là PV trẻ nên Dư không khua môi múa mép như nhiều PV trẻ khác, trong các cuộc trò chuyện chỗ đông người Dư thường im lặng, lắng nghe.

Đó là một cách học. Trưởng Phân xã TTXVN tại Yên Bái Đinh Đức Tưởng cho biết: Gia đình Dư nghèo lắm, Dư mới đi làm, nên nhịn cả ăn sáng dành dụm tiền để giúp đỡ gia đình.

Dư không tham gia vào các cuộc rượu chè, đàn đúm. Bạn bè kéo đi hát Karaoke, Dư nhất định không vào mà đi bộ về nhà dù xa 3-4km...

Đinh Hữu Dư và nơi anh ngã xuống khi đang tác nghiệp- cầu Thia

Một lần tôi hỏi: Cháu không mang xe máy lên thì đi làm thế nào được? Dư bảo: Cháu chưa có tiền mua xe mới, cháu đang xem ai có xe cũ bán cháu mua lại... Phạm Thế Duyệt nhận xét: Về bài vở thì bạn ấy rất chắc, còn cuộc sống thì hơi ngơ ngác một chút. Chính vì thế Đinh Đức Tưởng thường giao cho Dư soạn thảo các loại báo cáo, anh bảo: Em tin cậu ấy, làm việc rất chắc chắn... Tôi có vài lần đi công tác với Dư, lần cuối cùng là ngày 30/9/2017 dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Văn Chấn. Chúng tôi vào từ chiều hôm trước, đến hơn 21h mới tới nơi, sau khi nhận phòng nghỉ chúng tôi đi ăn tối. Biết Dư khó khăn, nên tôi bảo Dư: Hôm nay bác trả tiền, cháu không phải trả đâu nhé...Khi tôi đang nói chuyện với Đức Tưởng thì Dư đã ăn xong vào trả tiền rồi lấy thêm 3 chai nước cho mỗi người. Tôi trách: Bác bảo rồi, bác nhiều tiền hơn để bác trả, bọn cháu làm sao nhiều tiền hơn các bác được. Dư chỉ cười không đáp. Sáng 11/10 tôi điện cho Đinh Đức Tưởng về tình hình mưa lũ tại Trạm Tấu, Văn Chấn, TX. Nghĩa Lộ. Tưởng bảo: Em đưa tin rồi và cử hai phóng viên vừa đi đi lúc nãy.

Dòng người đến tiễn đưa nhà báo trẻ Đinh Hữu Dư về nơi an nghỉ - Ảnh: HÀ THANH (tuoitre.vn)

Tôi không nghĩ là Dư đi... 12h51' Đinh Đức Tưởng điện, giọng rất gấp: Em vào Nghĩa Lộ ngay đây. Tôi bảo: Chú cử hai PV đi rồi còn vào làm gì nữa? Tưởng bảo: Duyệt vừa điện cho biết, Dư đứng trên cầu Thia quay cảnh nước lũ thì cầu sập... Nghe thế tôi dựng hết tóc gáy, nhớ lại mùa lũ năm ngoái tôi cũng đứng trên cầu Thia chụp ảnh lũ cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về. Khi một chiếc xe tải chạy qua, cầu cứ rung lên bần bật. Khiếp quá. Tôi bảo mọi người: Cầu Thia yếu quá rồi, đứng trên cầu sợ khiếp vía... Nay nghe tin cầu sập tôi tin ngay. Bởi trận lũ năm 2005 một nhịp cầu Thia cũng đã bị sập. Tôi bần thần đi ra đi vào, không biết phải làm gì, gọi cho Phạm Thế Duyệt, Duyệt bảo: Lúc đó hai đứa chúng cháu cùng đứng trên cầu quay cảnh nước lũ. Mưa quá, ống kính máy ảnh của cháu bị mờ cháu chạy vào nhà dân gần đó thay ống kính, khi quay ra thấy cầu sập rồi, không thấy Dư đâu.... Tôi bấm số gọi cho Dư, gọi mấy cuộc đều không được. Tôi gọi ngay về BBT Báo Nông nghiệp Việt Nam và quyết định vào ngay Nghĩa Lộ. Khoảng 4 giờ chiều tôi vào đến TX. Nghĩa Lộ, tôi nhờ xe của Kiểm lâm đi các điểm lũ chụp ảnh, lấy thông tin rồi ngồi vào viết bài ngay. Đến 18h 55' tôi gửi bài viết về tòa soạn.

Người thân khóc ngất trong giây phút tiễn biệt - Ảnh: HÀ THANH (tuoitre.vn)

Trong bài viết có đoạn viết về Dư như sau: Cầu Thia nối giữa huyện Văn Chấn và TX. Nghĩa Lộ bị sập một nhịp vào lúc 12h30’ ngày 11/10 đã hất 4 người đang đứng trên cầu xuống suối Thia, trong đó có PV TTXVN Đinh Hữu Dư đang quay cảnh hung dữ của dòng lũ." Cả đêm ấy mỗi lần chợp mắt tôi lại mơ thấy Dư. Thương Dư quá, nước mắt tôi cứ chảy chan hòa. Sáng hôm sau gặp Phạm Thị Thanh Trà, bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, khi nói về Dư, tôi không kìm được nước mắt, khóc như đứa trẻ. Phạm Thị Thanh Trà bảo: Thương cậu ấy quá anh ạ... Khi gặp những người thân của gia đình Dư, tôi cứ sụt sịt, nước mắt nước mũi giàn giụa.  Sáng 12/10 tôi theo đoàn cứu hộ đi dọc suối Thia xuống hồ thủy điện Văn Chấn, tôi cầu mong Dư nằm dưới lòng hồ, sau vài ngày thì nổi lên, nếu trôi qua cửa xả đáy cao mấy chục mét, nước đổ ầm ầm rồi trôi qua hang Coóng Kéng thì thịt xương có còn không?  Chiều nay (13/10) nghe tin đã tìm thấy Dư ở cầu Văn Phú cách nơi Dư ngã xuống hơn 100 km, tôi điện hỏi Phạm Thế Duyệt: Thân thể Dư có lành lặn không? Duyệt bảo: Vẫn còn nguyên, chỉ sứt sát và không còn quần áo thôi chú ạ...

Tôi điện cho Nguyễn Minh Tuấn- Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Yên Bái, Chủ tịch Hội Nhà báo: Nhà Dư nghèo lắm, chú vận động hội viên mỗi người vài trăm ngàn hỗ trợ gia đình. Trong lúc khó khăn rất cần sự giúp đỡ của đồng nghiệp... Nguyễn Minh Tuấn trả lời: Ý kiến của anh rất hay, em đưa Dư về Ninh Bình ngay đêm nay, khi về em có công văn gửi các hội viên anh ạ... Tôi viết lại mấy dòng kỷ niệm như một nén tâm nhang thắp cho Đinh Hữu Dư, đứa cháu và cũng là người đồng nghiệp của tôi đã hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.  Buồn và thương Dư quá!

Tiễn đưa phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư về nơi an nghỉ - Ảnh: HÀ THANH (tuoitre.vn)

 

Xem thêm
Ông Trần Thanh Lâm giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre

Ông Trần Thanh Lâm (51 tuổi, quê quán tỉnh Hà Nam), Phó Ban Tuyên giáo Trung ương, được điều động giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, nhiệm kỳ 2020-2025.

1.800ha lúa ở huyện Châu Thành được hỗ trợ phân bón hữu cơ mỗi năm

Sóc Trăng Gắn với chiến lược phát triển lúa đặc sản, hữu cơ của tỉnh Sóc Trăng, mỗi năm, huyện Châu Thành hỗ trợ nguồn phân bón hữu cơ cho khoảng 1.800ha sản xuất lúa.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Mùa hoa mộc miên

Mộc miên, loài cây chung thủy với tháng Ba, cứ độ sau xuân lại rạo rực tự đốt cháy mình thắp lửa những góc trời, từ vùng đồng rừng đến những miền quê yên ả…