| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 13/09/2016 , 08:23 (GMT+7)

08:23 - 13/09/2016

'Mấy giờ tàu sẽ tới nơi?', ngành đường sắt vẫn chưa trả lời được!

Trên vé chỉ ghi giờ chạy mà không ghi giờ tàu tới Vinh. Chúng tôi hỏi nhân viên soát vé nhưng chỉ nhận được câu trả lời là không biết chính xác được đâu, áng chừng khoảng 6 giờ sáng...

Lên con tàu của các vị, hành khách không biết chính xác khi nào tàu sẽ đến đích. Nó gây hoang mang, chắc tương tự như cảm giác lo lắng những lúc các vị hỏi con cái các vị: “Tối nay mấy giờ con về nhà?”, mà chỉ nhận được câu trả lời: “Chịu, không biết được ạ”.

Công ty anh bạn tôi vừa có chuyến đi du lịch Cửa Lò (Nghệ An). Chuyến tàu khởi hành từ ga Hà Nội lúc 11h đêm và chúng tôi cần biết chính xác mấy giờ thì tàu đến ga Vinh, để hẹn một xe du lịch khác sẽ chở chúng tôi từ Vinh về Cửa Lò.

Trên vé chỉ ghi giờ chạy mà không ghi giờ tàu tới Vinh. Chúng tôi hỏi nhân viên soát vé nhưng chỉ nhận được câu trả lời là không biết chính xác được đâu, áng chừng khoảng 6 giờ sáng. Và lần đấy, tàu tới Vinh lúc 5h30. Nửa tiếng đồng hồ sai lệch, rõ ràng là quá nhiều với một lộ trình đã được lên lịch trình, lại còn được chạy trên một tuyến đường riêng, như tàu hỏa.

Nếu lộ trình dài hơn, như là từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh, hành khách thậm chí sẽ phải chịu một sự “cao su” lớn hơn, có thể là tới vài tiếng đồng hồ.

So với máy bay hay ô tô, tôi hầu như không tìm thấy ưu thế của tàu hỏa, ngoại trừ việc có thể được ngả lưng chợp mắt trên chiếc giường rộng rãi hơn giường nằm xe khách, do thời gian đi đường dài hơn. Về cả tốc độ lẫn chi phí, tàu hỏa rõ ràng không phải là một lựa chọn tốt hiện nay.

Sau 2 năm thanh tra, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận ngày 26/8/2016 về những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại TCty Đường sắt Việt Nam: "TCty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp".

Chưa đề cập tới những sai phạm cụ thể ở tầm vĩ mô, tôi nhận thấy một trong những hoạt động “nhộn nhịp” nhất của ngành đường sắt là tổ chức tới 188 chuyến đi học tập kinh nghiệm ở nước ngoài chỉ trong vòng 4 năm.
Con số 188 chuyến đi là nhiều hay ít thì không bàn. Nhưng với tư cách một hành khách, tôi chưa thấy những chuyến đi nước ngoài ấy có nhiều tác dụng. Vì tôi đã từng thấy ở Pháp, ngành đường sắt hoạt động rất khác.

Ví dụ, bạn muốn đi từ Toulon tới Monaco, bạn sẽ bắt chuyến tàu từ Toulon lúc 7h sáng, tàu sẽ dừng tại Nice lúc 9h15, ở Nice bạn đợi 10 phút để 9h25 bạn bắt một chuyến tàu khác tới Monaco. Các chuyến tàu đan xen nhau giữa các tỉnh và các ga cách nhau hàng trăm cây số nhưng thời gian chính xác tới hàng phút.

Từ 2014 tới nay, sau tái cơ cấu, ngành đường sắt đã có nhiều đổi thay từ bộ máy tổ chức, tới đầu tư đầu máy toa xe, cải tạo nhà ga đến việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý lịch trình tàu, vé tàu điện tử.

Tuy nhiên, những thứ quan trọng nhất như tốc độ và tương quan giá cả so với ô tô, máy bay, thì lại vẫn đang được giữ nguyên. Bởi vậy mà, dù có nỗ lực đến mấy, thì đường sắt cũng mới chỉ vận chuyển được 5% tổng lượng hành khách và khoảng 2% hàng hóa so với các loại hình vận tải khác, theo các con số thống kê.

Sau hàng chục năm đổi mới, “con tàu đường sắt Việt Nam” vẫn giữ nguyên tốc độ rùa bò, không biết khi nào tới đích.

Và ngành đường sắt chưa coi thời gian là tiền bạc.

Bình luận mới nhất