| Hotline: 0983.970.780

Máy phát điện bằng nước

Thứ Ba 07/02/2012 , 12:31 (GMT+7)

Máy có thể cho phép người sử dụng ổn định được các thiết bị điện như quạt, đèn, tủ lạnh và nhiều thiết bị điện khác chỉ với nhiên liệu chính là nước...

TS Khê giới thiệu về quy trình hoạt động của máy phát điện bằng nước

Khó có thể tin được, chỉ cần vài bình đựng nước lắp vào một số thiết bị đặc thù, TS. Nguyễn Chánh Khê- Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và triển khai (Khu công nghệ cao TP. HCM) và một số cộng sự đã phát minh thành công máy phát điện 220V chạy bằng… nước với công suất lên tới 2kW.

Máy có thể cho phép người sử dụng ổn định được các thiết bị điện như quạt, đèn, tủ lạnh, nồi cơm điện và nhiều thiết bị điện khác… Không những thế, do chạy bằng nước và sử dụng những thiết bị khá rẻ nên máy phát điện của TS Khê sắp tung ra thị trường với giá chừng vài triệu/máy… TS Khê hồ hởi: “Với chiếc máy này, bà con nông dân ở vùng sâu, vùng xa sẽ không còn phải dùng đèn dầu buổi tối... Sắp tới chúng tôi còn có thể tặng miễn phí cho những hộ đặc biệt khó khăn…”

Chiếc máy kỳ diệu

Lâu nay người dân ở khu vực nông thôn thường tận dụng các dòng chảy của kênh rạch, hay khe nước suối để đặt tua-bin làm máy phát điện. Tuy nhiên, cách này vừa tốn kém, nguồn điện lại không ổn định vì lượng điện phát ra phụ thuộc vào lực của dòng chảy. Ngoài ra, không phải nhà ai cũng có khe suối, kênh rạch để mà lắp đặt máy phát điện. Thế nên, mới nghe nói việc TS Khê (Việt kiều Mỹ) phát minh ra máy phát điện bằng nước và chuẩn bị tung ra thị trường chúng tôi đã tìm cách để tiếp cận.

Một buổi sáng đầu năm, chúng tôi được TS Khê hẹn gặp tại nhà máy ở Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (Quận 9, TP. HCM). Mới gặp chúng tôi, TS Khê vui vẻ cho biết, đây là công trình mà ông đã “thai nghén” tới 3 năm trời và để thực hiện nó cũng ngốn thêm gần 2 năm. Hiện nay ông đang làm hồ sơ đăng ký bảo hộ độc quyền “Máy phát điện bằng nước” tại Mỹ và trên thế giới trước khi tung ra sản phẩm.

Không tự giới thiệu về chiếc máy, TS Khê cùng 2 người cộng sự dẫn chúng tôi thẳng xuống phòng thí nghiệm, nơi đang nghiên cứu máy phát điện. Thoạt nhìn những linh kiện để làm ra mát phát điện được đặt trong phòng thí nghiệm chúng tôi không khỏi bất ngờ vì chúng hết sức đơn giản: Chỉ 3 chiếc bình đựng nước được lắp vào những đường ống có đặt van khoá, sau đó đấu nối với một chiếc máy nhỏ tạm gọi là biến áp. Để khởi động máy phát điện, TS Khê cho vào một ít bột hay gọi là chất xúc tác để tạo phản ứng và một vài thao tác đơn giản khác, chiếc máy đã làm cho chiếc bóng đèn 220W được đấu nối bật sáng.

TS Khê cho biết, tuỳ theo nhu cầu sử dụng mà có thể lắp đặt máy to hay nhỏ bằng cách rất đơn giản là cho bình chứa nước lớn hay bé…Tuy nhiên, để chuẩn bị tung ra thị trường máy phát điện bằng nước, ông đã ký hợp đồng sản xuất linh kiện đại trà với một nhà máy để có thể cung ứng hàng triệu máy. Thật ngạc nhiên, do máy chạy bằng nước nên khi khởi động chỉ nghe tiếng của phản ứng trong bình nước nên không hề có tiếng động.

Cơ hội cho người tiêu dùng nông thôn

Đèn, quạt… hoạt động nhờ máy phát điện bằng nước

Dẫn chúng tôi qua phòng trưng bày sản phẩm hoàn thiện, TS Khê và cộng sự đã giới thiệu chiếc máy phát điện bằng nước khá gọn gàng có chiều dài khoảng 80cm rộng 50cm và cao chừng 60cm. Theo TS Khê, chiếc máy có thể cho phép sử dụng được quạt, tivi, đầu máy, tủ lạnh, nồi cơm điện… Ngay sau khi bật công tắc, các thiết bị điện đã đồng loạt hoạt động. Chiếc quạt quay mạnh và đều, còn bóng đèn rất sáng.

TS Khê phấn khởi khoe: Sắp tới chúng tôi sẽ sản xuất đại trà cho từng vùng miền để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Tuy nhiên sẽ đặc biệt quan tâm đến người tiêu dùng nông thôn, ở những nơi người dân còn chưa có điện lưới quốc gia phủ đến. Theo đó, sẽ sản xuất loại máy phát điện dành riêng cho người dân khó khăn như chỉ dùng quạt điện, bóng đèn, tủ lạnh…. với giá rẻ. TS Khê còn nói, có thể sẽ dành tặng máy phát điện cho những gia đình đặc biệt khó khăn.

TS Khê cho biết, ưu điểm nổi trội nhất của máy là máy nhỏ gọn, sử dụng ổn định, giá rẻ chỉ vài triệu đồng/chiếc (loại công suất lớn có thể hơn 30 triệu đồng). Đặc biệt, máy được ứng dụng công nghệ nano, công nghệ này được biết đến trên thế giới nhưng chưa có nhà khoa học nào chế tạo thành công máy phát điện kiểu này.

TS Khê cũng khẳng định, việc sử dụng máy phát điện chạy bằng nước là rất kinh tế, máy có thể tái sinh và tuổi thọ cao, có thể lên đến 5-6 năm mới phải thay thế. Vì thế, trong thời gian tới sẽ tung ra thị trường máy phát điện giá rẻ để phục vụ người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn…

TS Khê cho rằng, công nghệ được ứng dụng trong máy phát điện này không phải công nghệ điện phân, do đó không dùng năng lượng từ bên ngoài. Đây cũng không phải là công nghệ của bình ăc-quy phải sử dụng những chất độc hại như chì hay axit sulfuric đậm đặc... Nó cũng khác với pin năng lượng ở nhiều quốc gia trên thế giới đang sử dụng nhiệt độ rất cao để hoạt động. Đặc biệt hơn, máy phát điện của TS Khê chỉ cần nhiên liệu chính là các loại nước, kể cả nước muối, nước sông, nước biển…

TS Khê cho biết: Dù nước có bẩn đến bao nhiêu, khi đưa vào trong thiết bị này và sau chuỗi phản ứng sẽ tạo thành nước sạch. Sau khi chuyển qua khử khuẩn có thể dùng để uống, sinh hoạt... Do đó, máy phát điện này rất hữu ích cho những vùng vừa thiếu điện vừa thiếu nước ngọt.

Trong năm 2012, ông và các cộng sự sẽ nghiên cứu để hoàn thiện hơn về công nghệ và thiết bị sử dụng trong máy phát điện nhằm nâng cao công suất của máy để phục vụ trong hoạt động công nghiệp. Ngoài ra, ông và các cộng sự cũng đang nghiên cứu sản xuất những máy phát điện để gắn vào ôtô, xe máy và các máy móc sử dụng điện…

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất