| Hotline: 0983.970.780

Mây tre đan Phú Nghĩa cầm chừng

Thứ Năm 18/11/2010 , 10:44 (GMT+7)

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 – 2010 khiến Phú Nghĩa lao đao phải chuyển sang hoạt động cầm chừng.

Làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội những năm 2004 – 2007 doanh thu từ xuất khẩu luôn ở mức trên 80 tỷ đồng/năm. Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 – 2010 khiến Phú Nghĩa lao đao phải chuyển sang hoạt động cầm chừng. Doanh thu giảm 50%, đơn hàng giảm 60%, hàng trăm lao động mất việc phải chuyển sang nghề khác..

>> Ngã rẽ làng tranh Đông Hồ
>> ''Làng nghề hậu khủng hoảng''

Trăm dâu đổ đầu… làng nghề

Là một người rất trăn trở với làng nghề truyền thống của quê hương, Phó chủ tịch xã Phú Nghĩa Vương Văn Cần chia sẻ, xã có tất cả 10 thôn, xóm với 2.600 hộ, 11.000 nhân khẩu đều sống dựa vào nghề mây tre đan của cha ông truyền lại từ 400 năm qua. Toàn xã có 17 công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mây tre đan xuất khẩu và 85% số hộ theo nghề truyền thống này. Có thể nói, Phú Nghĩa là một làng nghề thủ công thuần túy.

“Ngày trước cả xã Phú Nghĩa như một đại công trường nườm nượp xe ô tô tải tranh nhau tìm chỗ để giao nhận hàng. Sản phẩm xuất khẩu được giá nên đời sống kinh tế của bà con không ngừng được nâng cao, các công trình công cộng, phúc lợi được xây dựng khang trang, sạch sẽ từ tiền thuế đóng góp của nhân dân và các doanh nghiệp. Chứng kiến làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa hoạt động mạnh mẽ như vậy chúng tôi không nghĩ chỉ một cơn bão khủng hoảng đã khiến làng nghề của chúng tôi chao đảo như hiện nay”. Ông Cần bàng hoàng kể lại.

Thăm xưởng sản xuất mây tre đan của gia đình chị Nguyễn Thị Biên ở xóm Thượng thì được chị cho hay, trước đây xưởng nhà chị mỗi tháng xuất được 4.000 – 5.000 sản phẩm, mang lại thu nhập trên dưới 10 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 10 nhân công với mức lương 1 – 2 triệu/tháng. Giờ mỗi tháng gia đình chỉ làm được không quá 2.000 sản phẩm như: làn, túi xách, hàng mỹ nghệ… với thu nhập vỏn vẹn 2 triệu đồng. Chị Biên cho biết, so với trước đây các nguyên vật liệu phục vụ cho nghề mây tre đan như sơn, mây, song và ngày công đều tăng nhưng giá bán lại giảm từ 20.000 – 50.000 đồng/sản phẩm. Chính vì thế mà gia đình chị chỉ tự túc làm chứ không dám thuê người vì sợ thua lỗ.

Theo ông Cần, nguyên nhân khiến doanh thu của làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa sụt giảm là do không xuất khẩu được hàng, nguồn vốn bị tồn đọng, lãi suất ngân hàng tăng cao đẩy các DN vừa và nhỏ vào thế chân tường. “Rất nhiều DN có hợp đồng ký với đối tác nước ngoài kèo dài tới 4 – 5 năm. Trong khi đối tác mỗi năm họ yêu cầu phía mình phải hạ giá sản phẩm xuống từ 3 – 5%. Chính vì vậy mà nhiều DN méo mặt biết chắc là thua lỗ nhưng vẫn phải cắn răng sản xuất để giao hàng cho đúng thời hạn. Nếu chậm trễ chỉ dù một ngày lập tức bị phía bạn trừ 10 – 20% giá trị hợp đồng, thậm chí là hủy luôn”.

"DN mình toàn nằm kèo dưới"

Tiến sĩ Lê Đức Thịnh  – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – IPSARD, đơn vị vừa tiến hành khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đến các làng nghề truyền thống ở nước ta, cho biết: Làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa là một trong những làng nghề chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi doanh thu từ 80 tỷ đồng/năm giảm xuống còn 40 tỷ đồng/năm, lao động từ 3.500 – 4.000 nay chỉ còn 2.000 – 2.500 người, các đơn hàng giảm trên 60%, giá bán cũng giảm rất nhiều do các DN cạnh tranh nhau nhằm cắt lỗ.

Theo phân tích của TS Lê Đức Thịnh, có ba nguyên nhân chính khiến làng mây tre đan Phú Nghĩa nói riêng và các làng nghề ở nước ta nói chung rơi vào khủng hoảng như hiện nay. Đầu tiên phải nói đến ảnh hưởng chung của cơn bão khủng hoảng KT toàn cầu khiến các DN nước ngoài buộc phải cắt giảm sản phẩm, mà các làng nghề truyền thống ở nước ta chủ yếu dựa vào xuất khẩu nên khi xảy ra khủng hoảng việc bị thiệt hại là không thể tránh khỏi. Thứ hai là giá cả nguyên vật liệu, phụ liệu, ngày công lao động tại các làng nghề tăng theo cấp số nhân nhưng giá sản phẩm bán ra lại không tăng dẫn tới đơn vị sản xuất bị thua lỗ, bị phá sản hoặc phải hoạt đồng cầm chừng. Thứ ba là gói kích cầu vốn của Chính phủ, các DN vừa và nhỏ không tiếp cận được; nguyên nhân do thời gian thẩm định, điều kiện thế chấp rất khắt khe phức tạp, nhiều khi chạy vạy mất hàng tháng trời, nếu DN có vay được vốn thì thời cơ cũng đã trôi qua, hoặc thời hạn giao hàng đã cận kề nên đẩy DN vào thế trở tay không kịp.

Tuy nhiên theo ông Vương Văn Cần, nguyên nhân chưa hẳn do toàn bộ là khủng hoảng KT gây ra. Ông Cần cho biết, sau khi tập hợp 17 DN tại xã Phú Nghĩa để tìm hiểu mới phát hiện, hầu hết ông chủ của các DN vừa và nhỏ hiện nay đều do làm ăn buôn bán gặp thời mà phất lên còn bản thân họ rất thiếu kinh nghiệm trong việc ký kết hợp đồng kinh tế với đối tác nước ngoài. Nếu DN trong nước may mắn gặp được đối tác tốt thì không nói làm gì, đằng này thương trường là chiến trường, hầu hết các ký kết DN của ta luôn bị thiệt bởi những điều khoản bất lợi về phía mình.

Đã thế một khi hợp đồng bị phá ngang hay bị hủy các DN nước ta không biết tìm ai đứng ra làm trọng tài phân xử giúp. Chính vì vậy bản thân giám đốc các DN ở làng mây tre đan Phú Nghĩa rất mong được học qua các khóa đào tạo trình độ chuyên môn điều hành quản lý kinh tế cho chủ các DN vừa và nhỏ, để từ đó họ tránh được nghịch cảnh bị đối tác nước ngoài qua mặt.

“Theo tôi Chính phủ mình nên có cơ chế chính sách, nguồn vốn riêng thông qua Ngân hàng chính sách xã hội hay Ngân hàng NN&PTNT để các DN vừa và nhỏ tiếp cận vốn được nhanh và giảm thủ tục nhất. Nhiều khi bây giờ tới các ngân hàng vay vài trăm triệu họ không buồn cho mình vay vì quá nhỏ ấy chứ. Nhưng với DN vừa và nhỏ, mấy trăm triệu họ có thể làm được rất nhiều việc và tạo công ăn việc làm cho cả trăm lao động rồi”. Ông Cần tâm sự.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.