| Hotline: 0983.970.780

Mẹ già nuôi con tàn tật, cháu ung thư

Thứ Sáu 14/04/2017 , 06:40 (GMT+7)

Họa vô đơn chí, đứa cháu ngoại vừa phát hiện bệnh ung thì cô con gái tàn tật cũng bị tai nạn phải nằm liệt giường...

Khó khăn chồng chất khó khăn đè nặng lên vai người bà già yếu.

Trước khi đến thăm em Nguyễn Thành Trung (12 tuổi) tại khoa Nhi Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội), chúng tôi đã ấn tượng mạnh với bức ảnh cậu bé có nụ cười hồn nhiên, tươi rói. Khi gặp mặt rồi, điều khiến chúng tôi không khỏi xót xa đó là sắc mặt cậu bé đã xấu đi rất nhiều và mái tóc đã rụng gần hết do truyền hóa chất.

16-14-20_nh-3
Bà Thanh đang chăm sóc cháu Trung

Chăm Trung trong viện chỉ có bà ngoại là Nguyễn Thị Thanh, năm nay cũng đã 64 tuổi. Hai bà cháu cùng với người mẹ tàn tật của Trung sống tại thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

Chồng bà Thanh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông trở về với đầy những vết thương chiến tranh và chất độc da cam đã ngấm sâu vào cơ thể.

Ông bà đã từng có với nhau 6 mặt con, nhưng 3 người con trai đầu đều mất ngay khi vừa mới lọt lòng. Còn 3 cô con gái thì 2 người lấy chồng xa, ít khi có dịp về nhà. Mẹ của Trung không may mắn khi bị di chứng từ chất độc của bố, chân đi tập tễnh nên từ nhỏ chỉ giúp được vài việc vặt trong nhà.

Cuộc sống của một gia đình nghèo sẽ cứ thế lặng lẽ trôi đi nếu như tai ương không cùng lúc ập đến với gia đình bà.

Cách đây vài tháng, chồng bà Thanh đột ngột qua đời chưa được bao lâu thì Trung được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư phần mềm, biểu thị ở bàng quang. Sau khi em được chuyển vào Bệnh viện K (Tân Triều) để điều trị ung thư thì mẹ của Trung cũng bị tai nạn dẫn đến tổn thương đốt sống cổ, phải nằm liệt giường, phải nằm ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị.

Gia cảnh neo người, mỗi ngày bà ngoại hơn 60 tuổi đều chạy qua chạy lại cả hai nơi để chăm con và cháu, thi thoảng mới có thêm sự trợ giúp từ họ hàng.

Nhà vốn đã chẳng có gì ngoài 4 sào ruộng với vài con gà thả vườn, bà Thanh giờ đây lại gánh thêm cả chi phí điều trị ung thư cho cháu và con gái. Theo bác sĩ điều trị, sau khi mổ Trung phải điều trị bằng hóa chất để ổn định bệnh. Liệu trình điều trị tiếp theo của cậu bé sẽ chia làm 6 đợt và chi phí cho mỗi đợt khoảng 15 triệu đồng. Phần chi phí bảo hiểm chính sách chi trả chỉ đỡ được một phần nhỏ, chỉ tính riêng danh mục những chi phí không được thanh toán cho mẹ con Trung đến nay cũng đã lên đến gần 100 triệu đồng.

Bán hết những gì có thể bán được, bà Thanh còn phải chạy vạy khắp nơi để vay mượn với hi vọng con, cháu sớm lành bệnh và trở về nhà.

Nguyễn Thành Trung tuy còn nhỏ nhưng em ý thức được tất cả những gì gia đình mình đang gặp phải, nhưng trước mặt bà và mọi người, cậu bé vẫn vui vẻ, lạc quan để bà an tâm. Trung chia sẻ với chúng tôi, ước mơ lớn nhất của em là trở thành bác sĩ để cứu được nhiều người, ngoài ra em cũng rất thích được trở thành 1 cầu thủ giỏi vì em say mê và chơi bóng đá rất cừ.

Nói đến đứa cháu tội nghiệp, bà Thanh không giấu nổi sự nghẹn ngào: “Cháu tôi là đứa ngoan ngoãn, từ khi ra đời cháu đã thiệt thòi khi không nhận được tình yêu thương của bố đẻ. Bố cháu bỏ mẹ con cháu khi cháu vừa mới lọt lòng. Đi học bị các bạn trêu hay có ai hỏi đến là nó khóc”.

Bà Thanh cũng cho biết, từ bé Trung lớn lên trong vòng tay yêu thương chăm sóc của ông bà ngoại là chủ yếu. Vì mẹ em ốm yếu nên từ khi sinh ra, Trung cũng chưa từng được mẹ vỗ về, bế ẵm hay được hưởng dòng sữa mẹ như bao đứa trẻ trên đời. Thế nhưng, ngoài ông bà, cậu bé vẫn rất yêu mẹ của mình.

Trung tâm sự: “Em mơ ước mình mau khỏi bệnh, được trở lại trường với các bạn. Sau này lớn lên em sẽ nuôi bà và mẹ”.

Ánh mắt lấp lánh và sự hồn nhiên của cậu bé khiến nhiều người có mặt trong phòng bệnh cảm động. Em đã vượt lên những nỗi đau bệnh tật, những đêm không ngủ do tác dụng phụ của hóa chất để tiếp tục sống, tiếp tục ước mơ, những ước mơ đầy hồn nhiên và thật đẹp.

Hoàn cảnh của bà Thanh rất mong nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Nguyễn Thị Thanh (thị trấn Vương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên); hoặc gửi về Văn phòng Báo NNVN tại ĐBSCL số 49 Lý Tự Trọng, TP. Cần Thơ, ĐT: 07103.835431, chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm