| Hotline: 0983.970.780

Mẹ già và giấc mơ lung linh tan vỡ, ôm nợ cho con học đại học

Thứ Hai 27/06/2016 , 09:01 (GMT+7)

“Nếu cho chọn lại tôi sẽ không bao giờ cho cháu nó đi đại học chú ạ!”. Mẹ bảo thế. Học đại học tựa như cái phao để cả nhà mẹ bám vào với hi vọng thoát nghèo, nào ngờ phao thủng...

Tốn bao nhiêu tiền để có được tấm bằng đại học? Cộng cơ học thì dễ dàng trả lời. Nhưng, sẽ không thể tính hết được bằng cả sức khỏe lụi tàn, hi vọng tan vỡ của bố mẹ, bằng lãng phí chất xám của cả xã hội khi hàng trăm ngàn cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc đi làm công nhân.

“Nếu cho chọn lại tôi sẽ không bao giờ cho cháu nó đi đại học chú ạ!”. Mẹ bảo thế. Học đại học tựa như cái phao để cả nhà mẹ bám vào với hi vọng thoát nghèo nào ngờ phao thủng, đang từ nghèo thành đáy của sự cùng kiệt.

Bám vào phao thủng

Mẹ ngồi đó, bên khung cửa sổ, tóc bạc da mồi, sức khỏe lụi tàn và mình đầy tật bệnh. Khung cửa tróc lở từng mảng, ngôi nhà tróc lở từng gian như chính niềm hi vọng của mẹ bị bong tróc theo ngày tháng. Niềm hi vọng về đứa con gái út Vũ Thị Vui học hành sáng láng, giỏi giang nhất nhà, tốt nghiệp bằng khá khoa kế toán Đại học Lao động Xã hội (điểm đỗ 20,5) bỗng chốc vỡ vụn.

Sau chuỗi ngày ra trường, thất nghiệp Vui giờ đây đang làm kiểm hàng ở Cty may mặc Tinh Lợi trong Khu công nghiệp Nam Sách (Hải Dương) với mức lương 4 triệu đồng/tháng.

“Cũng buồn lắm chú ạ! Cháu nó học xong muốn làm đúng nghề của nó nhưng không được đành phải chịu chứ biết làm sao?”. Mới nói đến đó thôi, giọng mẹ đã nghẹn lại, hai giọt nước mắt ứ ra, chảy thành giọt trên đôi gò má nhăn nheo như quả mơ ngâm.

Duyên muộn, hơn 40 tuổi mẹ mới lấy chồng, được hai đứa con thì chồng lâm bạo bệnh mất, một mình gánh vác vừa làm cha vừa làm mẹ. Ngày cái Vui báo tin đỗ đại học, mẹ như mở cờ ở trong lòng bởi những người ở quê vẫn thường ví: “Cổng trường đại học cao vời vợi/ Mười thằng leo đến chín thằng rơi”.

Đại học là ước mơ lung linh của gia đình, của dòng họ, đằng này cái Vui lại còn đỗ đạt điểm cao. Xã gọi lên thưởng cho nó một cái cặp, ông trưởng họ gọi nó đến thưởng cho 100.000đ. Mẹ như được trẻ lại. Làm quần quật cả ngày không hề biết mệt, nhịn đói, nhịn khát cả buổi mà vẫn tươi vui.

16-42-15_dsc_5035
Mẹ Miến bên con bò già

 

Lắm đêm mưa gió, một mình trong mái nhà xiêu vẹo, mẹ không ngủ được vì thương con. Nhớ lời nó dặn: “Mẹ ở nhà giữ gìn sức khỏe, ăn uống vào kẻo ốm” nhưng không mấy khi mẹ dám mua cho mình một thứ gì quá hai ba chục bạc.

Thức ăn đã có trứng của hai con vịt đẻ, rau dưa đã có sẵn trong vườn, không mấy khi mẹ phải đi chợ, trừ những lúc mua hai ba lạng thịt lúc con về chơi. Có tiền thì ăn, không có tiền thì nhịn chứ như độ trước chót mua chịu thịt vài lần, ba toa đến nhà, cộng sổ dồn thành một món làm mẹ ngẩn ngơ tiếc xót.

Nhiều bữa trên mâm cơm chỉ có độc một bát canh. Bát canh ốc bươu vàng mẹ bắt, con nhỏ để vịt ăn, con to đem nấu. Thứ ốc này nhiều người mới nhìn đã cả sợ chứ đừng nói đến ăn nhưng mẹ vẫn khều cái nhân cứng ở đầu ra rồi chế biến thành món. Được cái con nhà khó nên Vui học ở nơi phố phường mà vẫn không đua đòi. Nhiều bữa nó nhịn ăn sáng đến trường, nhiều buổi nó đi rửa bát đến tận khuya lấy tiền phụ mẹ.

Nuôi con ăn học 16 năm giời, lúc giật mình ngẩng lên đầu mẹ đã bạc, đã chạm ngưỡng “thất thập cổ lai hi”. Vất vả nhưng lòng mẹ vẫn tràn đầy hi vọng nên khi con Vui thất nghiệp mọi thứ bỗng nhiên vụn vỡ. “Nếu cho chọn lại tôi sẽ không bao giờ cho cháu nó đi đại học chú ạ!”. Mẹ bảo thế. Học đại học tựa như cái phao để cả nhà mẹ bám vào với hi vọng thoát nghèo nào ngờ phao thủng, đang từ nghèo thành đáy của sự cùng kiệt.

Đại học giờ bình dân đến mức bị đọc chệch thành... học đại. Người người đổ xô đi mở trường, nhà nhà đổ xô đi đăng ký học. Đại học chẳng khác gì một lĩnh vực kinh doanh béo bở trên chính ước mơ rất chính đáng của người dân quê nghèo.

Tổng chi phí cho 4 năm học của con hết chừng 150 triệu. Hiện mẹ vẫn nợ của chương trình vay sinh viên 40 triệu, nợ vay lãi bên ngoài gần 60 triệu. 100 triệu đó không biết 5 năm, 10 năm hay bao nhiêu năm nữa mới trả nổi?

Nợ kéo đến nhà

Mẹ nhẩm tính như những người đàn bà ở quê vẫn thường vậy. Tháng tám lợn đẻ, tháng mười năm nay bán được 5-7 triệu, tháng mười bò đẻ, tháng năm sang năm bán được 8-10 triệu. Đó là nếu mọi thứ nông gia yên ổn, giá cả được cao chứ nào dám nghĩ đến một phương án xấu. Vật nuôi trong gia đình mẹ gồm 2 con vịt, 5 con gà, 1 con lợn sề, 1 con bò, 1 con mèo và 1 con chó. Ngày hai buổi mẹ ra đồng cắt cỏ để chăm con bò chửa còn hơn cả chăm bản thân mình ốm.

Mẹ chưa biết mặt mũi cái sổ tiết kiệm nó thế nào còn cái nhẫn vàng thì chỉ nhìn thấy qua lớp cửa kính bóng loáng ở hàng vàng chợ Rồng nơi phố huyện. Mẹ đi xa nhất chỉ đến Hải Dương khi vẫn còn đang là thị xã còn Hà Nội chỉ biết qua cái ti vi dù từ làng ra đến đó chỉ mất 60.000đ tiền vé, xe khách đậu sẵn đón người gần cổng mỗi sáng.

Hễ có món gì sắp được bán là y như rằng nhà mẹ tựa như một cái… đồn giặc để đủ loại người đến trinh sát. Hôm trước chăn bò mà không thấy có bê theo là hôm sau người ta đã kéo đến đòi nợ. Hôm trước trong chuồng chỉ thấy ụt ịt tiếng lợn mẹ mà không thấy eng éc tiếng lợn con là hôm sau người ta đã kéo đến nhà. Người gần đến trước, người xa đến sau. Có thì mẹ trả, không có lại khất: “Các bác để cho em thư thư đến mùa, đến Tết”.

Đang ngồi nói chuyện với tôi bỗng nghe tiếng chó sủa khan, mẹ lại co rúm tấm thân còm. Lại thêm một người nữa đến đòi nợ. Anh là đại lý cám cò ở ngoài xã, nghe tin mùa màng đã xong định đến mở lời đòi nhưng mẹ đã chỉ đám thóc gặt xong còn chưa phơi, đắp đống nơi hiên nhà chưa bán được. Mà dù bán được cũng có được là bao?

Hạt thóc lấm lem mồ hôi và hi vọng nhưng cũng chỉ được 120.000đ/thúng 22 kg, tức chỉ trên 5.000đ/kg một tẹo, ngang giá một que kem. Thế mà sau khi phơi khô, rẻ mấy cũng phải bán. Nợ cám cò, nợ phân lân phân đạm, nợ thuốc sâu cỏ, nợ đám cười đám khóc…

16-42-15_dsc_4985
Một cử nhân đi làm công nhân ở khu công nghiệp Nam Sách

 

Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy một người mặc áo rách. Mẹ ngượng ngập phân bua chẳng phải rách chỉ là sổ chỉ ở đôi ống tay đâm ra tua dua thế này. Nhiều đêm mẹ không ngủ, nhiều lần bưng cơm lên chẳng muốn và bởi vì nghĩ chuyện con ra trường lại đi làm công nhân, công lao coi như đổ sông, đổ bể hết. Suy nghĩ quá đau đầu, đau dạ dày, đau khớp những chứng bệnh từ thủa trước giờ lại càng thêm hành hạ.

Giờ không còn cơ chế thủa bao cấp xin cho nữa nên gần như cũng chẳng mấy ai ở quê mẹ còn nói xin việc mà thay vào đó là từ "chạy việc", thậm chí từ "mua việc". Có người hứa bảo 300 triệu đồng việc con bà mới xong, mẹ nghe mà phát sốt, phát rét vì có bán cả đất, cả nhà đi cũng không đủ.

Bất lực, nhiều lần mẹ đã khóc trước mặt con mình. Nhiều lần mẹ cứ đi tìm chìa khóa, tìm ống bơ đong cám lợn, tìm bật lửa cả buổi mà không biết ruột gan đã để đâu hết. Giờ lòng mẹ lại càng thêm trống trải vì chuyện thế sự. Số là, mới đây mẹ bị cắt hộ nghèo dù cái nhà xộc xệch chẳng kém gì cái chuồng trâu, lót nylon bên dưới mà ngói xô từng mảng. Tài sản trong nhà chẳng đáng gì ngoài cái tivi màn hình cong của 20 năm trước và hai cái quạt điện. Thứ đáng giá nhất trong gia đình là cái xe máy trị giá 24 triệu thì phần vay mượn đã lên đến 15 triệu cũng để cho con cái đỡ tủi phận đi nhờ. Nghe mẹ thắc mắc, người ta ráo hoảnh rằng: “Nhà bà con đã ra trường rồi, đi làm rồi, có lương rồi thì cần gì đến chế hộ nghèo nữa?”…

Mẹ là Nguyễn Thị Miến - người làng Đa Đinh, xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giây phút kinh hoàng qua lời kể của nạn nhân sống sót ở Xi măng Yên Bái

Một đêm dài vừa trải qua với các nạn nhân sống sót sau vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, họ kể lại câu chuyện trong nỗi đau về cả thể xác và tinh thần.