| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 21/02/2017 , 08:33 (GMT+7)

08:33 - 21/02/2017

'Mẹ mìn' thời nay

Chừng vài năm trở lại đây, việc cô giáo đánh đập học sinh, ăn bớt tiền học phí của học sinh, nói dối học sinh...

Chừng vài năm trở lại đây, việc cô giáo đánh đập học sinh, ăn bớt tiền học phí của học sinh, nói dối học sinh, khi mà những học sinh này vẫn là trẻ con, thậm chí đang còn ẵm ngửa, đã không còn là các “sự kiện” mang tính cá biệt.

Báo chí, truyền thông, mạng xã hội thì lúc lúc lại đưa tin về những vụ việc kiểu đó bằng những cái tít bài gây hiệu ứng bàng hoàng, phẫn nộ và đau đớn như dao cứa vào tâm can của người xem, người nghe: “Bé 2 tuổi bị cô giáo mầm non đánh bầm hai đùi”; “Cô giáo mầm non dùng dép đánh vào mặt trẻ”; “Cô giáo mầm non dùng đũa đánh trẻ bầm tím”; “Hai cô giáo mầm non dùng dép đánh vào đầu trẻ”...”; “Phẫn nộ vụ cô giáo đánh trẻ tự kỷ giập sọ”; “Hiệu trưởng trường mầm non bớt xén gần 200 triệu tiền ăn của trẻ”; “Nữ hiệu trưởng o ép giáo viên, che giấu việc học sinh gãy chân” vv & vv… 

Đó là những hiện tượng thực tế diễn ra đau lòng. Là sự cảnh báo nghiêm khắc cho nguy cơ “vấn đề đạo đức xã hội bị đảo lộn, đã và đang xuống cấp”. Những cô giáo như thế không thể, không xứng đáng được gọi là “mẹ hiền ở trường”, mà cần được gọi cho đúng với bản chất của con người và sự việc – đó là những “mẹ mìn”.

Trong tiếng Việt có từ “mẹ mìn”. Sách cũ chép lại: “Ngày xưa, thời Pháp cai trị nước ta. Nạn mẹ mìn ghê sợ. Trẻ ra chơi bờ hè, nhất là con gái hay bị bắt đem bán ở Móng-Cái hay Hạ-Long. Nó dùng cả thuốc mê bắt phụ nữ". (Hoàng Đạo Thúy, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội, Hội Văn nghệ Hà Nội, 1971, tr.79).
Một học giả giải thích về nguồn gốc của từ “mẹ mìn”: “Ngáo Ộp (Ogre) là yêu tinh ăn thịt trẻ con. Yêu tinh chỉ đi bắt trẻ con nhưng không ăn thịt thì tiếng Pháp gọi là Croque-mitaine. Croque-mitaine được Việt hóa và rút gọn thành “mìn”. Đàn bà đi bắt trẻ con là “mẹ mìn”.

Thời nào yêu ma ấy. Thời Pháp, “mẹ mìn” bắt trẻ con, phụ nữ. Thời kinh tế thị trường hiện nay, ngoài ngữ nghĩa như cũ, người ta còn dùng từ “mẹ mìn” theo nghĩa rộng, để chỉ chung những phụ nữ không có tâm, thiếu tính nhân văn, không có lòng thương yêu trẻ, ăn cắp thức ăn, tiền nong, kinh phí dành cho trẻ, dối trá khi tiếp xúc với trẻ, vô cảm bắt lỗi, đánh đập dã man trẻ…

Môi trường sư phạm với những tiếng trẻ thanh thanh học bài, tiếng cô giáo giảng bài, từ xưa nay luôn được hình dung là một môi trường chuẩn chỉ về giáo dục, về văn hóa, những cư xử lễ nghĩa luôn được đắp bồi.
Dân tộc ta vốn có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, nhà giáo bao giờ cũng được xã hội tôn vinh, nhân dân yêu mến, kính trọng.

Không phải ngẫu nhiên mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta lúc sinh thời đã vô cùng quan tâm và yêu quí các thầy giáo, cô giáo. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Nghề dạy học là nghề cao quí nhất trong các nghề cao quí, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”. 

Nhưng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng chính là người đề ra yêu cầu “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”.

Tình trạng xuất hiện một số người tuy mang chức danh là những cô giáo ở trường học, nhưng lại chính là những nhân vật gian ác trong các vụ việc bạo hành, bớt xén tiền, dối trá với trẻ, với học sinh, thì rõ ràng nguyên nhân là do thực hiện chưa tốt việc “thày ra thày”.

Mà thành ra những “mẹ mìn” gian ác.

Bình luận mới nhất