| Hotline: 0983.970.780

Méo mặt cà chua không quả

Thứ Sáu 17/10/2014 , 09:54 (GMT+7)

Hàng trăm hộ dân ở Hải Dương đang méo mặt bởi những ruộng cà chua bao công chăm bẵm, đổ tiền đầu tư nhưng cuối cùng thay vì cho thu hoạch quả, lại chỉ toàn... thân với lá! 

Cà chua gắn bó với nông dân xã Ái Quốc (TP Hải Dương) đã hơn 20 năm nên về kinh nghiệm SX, người dân ở đây tự tin rằng không ai hiểu cây trồng này bằng họ.

Kể từ khi bỏ một vụ lúa mùa chuyển sang trồng cà chua hè thu, đây đã trở thành vụ thu hoạch mang lại nguồn thu chính cho nông dân Ái Quốc. Thế nhưng vụ hè thu năm nay, hàng trăm nông dân ở vựa cà chua này bỗng nhiên trắng tay.

Bà Lưu Thị Ghi (khu Ngọc Trì, xã Ái Quốc) dẫn chúng tôi ra cánh đồng của thôn với ngổn ngang những thân cà chua mới nhổ còn chất đống, nhiều ruộng chưa kịp nhổ bỏ, đứng thẳng đơ, tịnh không thấy một quả nào.

Bà Ghi cho biết: Như mọi năm, khoảng 15 đến 20/6/2014, hộ của bà cũng như các hộ khác ở xã Ái Quốc bắt đầu xuống giống theo thời vụ. Giống cà chua mà đa số nông dân sử dụng trong vụ vừa qua là F1 Mongal, do Cty TNHH SX thương mại Xanh (có trụ sở tại D25-26 Nguyễn Duy Trinh, KDC Đông Thủ Thiên, Nguyễn Duy Trinh, P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM) NK và cung ứng.

Bà Ghi kể: Do thời tiết những tháng vừa qua thuận lợi nên cà chua phát triển rất tốt, lại không có nhiều sâu bệnh như mọi năm.

Tuy nhiên sau khi trồng hơn 1 tháng, cà chua không ra hoa như thường lệ, có chăng ra lác đác nhưng không thể thụ phấn và rụng. Không chỉ hộ bà Ghi mà hàng trăm hộ khác ở xã Ái Quốc trồng giống cà chua Mongal đều xảy ra tình trạng tương tự.

Chờ mãi chỉ thấy cà chua đứng thẳng đơ mà không ra quả, nhiều hộ đành phải nhổ bỏ để trồng các loại rau ngắn ngày. Một số hộ dân cố gắng chăm sóc, thậm chí thử thụ phấn trực tiếp nhưng mỗi gốc cà chua cũng chỉ đậu được 3-4 quả (bình thường mỗi gốc cà chua phải cho 4-5 kg quả).

Điều lạ là những quả cà chua hiếm hoi này khi lớn lên quả chổng ngược thẳng lên trời, lúc chín màu vàng khè, không đặc ruột và rất mềm, nứt nẻ toe toét nên chẳng ai thèm đoái hoài.

“Nhà tôi trồng hơn 4 sào, mỗi sào cà chua bây giờ đầu tư phải 3,5 triệu đồng. Do cà chua vụ hè thu rất đắt, như mọi năm, trừ chi phí, mỗi sào lãi ít cũng 10 triệu. Nhưng vụ này chẳng thu được quả nào, coi như mất đứt 40-50 triệu đồng”.

Ông Nguyễn Xuân Khanh, Bí thư chi bộ khu Ngọc Trì cho biết, cả thôn có tới hơn 120 hộ dân trồng cà chua, với diện tích gần 10 ha đều bị mất trắng. Theo ông Khanh, giống cà chua F1 Mongal đã được đưa vào trồng ở xã Ái Quốc khoảng 10 năm gần đây, nhưng chưa khi nào xảy ra tình trạng “điếc” như vụ vừa qua.

Ông Khanh phân tích: Bình thường, cứ sau Lập thu 10-15 ngày là nông dân xuống giống, năm nay cũng vậy. Thời tiết những tháng qua cũng rất đẹp, Lập thu xong là heo may ngay nên cà chua phát triển rất tốt. “Trong thôn có 2 hộ dân là Đinh Duy Huấn và Lê Đình Hoan trồng giống cà chua khác thì đều cho quả tốt hơn cả mọi năm. Vì vậy, cà chua không ra quả có thể do giống có vấn đề, chứ không phải do thời tiết” – ông Khanh nhận định.

Ông Đinh Duy Do – PCT UBND xã Ái Quốc cho biết, qua thống kê cho thấy, toàn xã vụ vừa qua trồng tới 40 ha cà chua, trong đó diện tích trồng giống F1 Mongal chiếm hơn 50%. Tuy nhiên trong khi các giống cà chua khác vẫn cho năng suất bình thường thì toàn bộ diện tích trồng giống Mongal đều bị mất trắng, thiệt hại ước lên tới 6 tỉ đồng.

Theo người dân xã Ái Quốc, giống cà chua F1 Mongal được họ mua từ nhiều nguồn. Một số hộ dân mua cây con từ các chủ vườn ươm tại địa bàn xã với giá 300 nghìn đồng/1.000 cây. Một số khác mua hạt giống ở các đại lí trên địa bàn về tự gieo, giá 115 nghìn đồng/gói.


Bao bì gói hạt giống cà chua Mongal

Anh Lê Đình Đà, một chủ vườn ươm tại xã Ái Quốc cho biết, đầu vụ cà chua hè thu vừa qua, anh có mua 200 gói hạt giống cà chua lai F1 Mongal ở đại lí cấp 1 tại chợ Hui (xã Thạch Khôi, huyện Gia Lộc) do ông Trần Trọng Mạc làm chủ về ươm để bán cho bà con.

Điều lạ là các gói hạt giống năm nay có số lượng nhiều hơn mọi năm. Cụ thể, cùng một gói hạt giống cà chua Mongal giá 115 nghìn đồng, mọi năm anh gieo chỉ được khoảng 1.000 đến 1.200 cây, nhưng năm nay thì tăng gấp đôi, mỗi gói gieo được tới hơn 2.000 cây giống.

Anh Đà tiết lộ thêm, hầu hết hạt giống cà chua F1 Mongal được phân phối rộng rãi tại Hải Dương đều thông qua đại lí cấp 1 của ông Trần Trọng Mạc.

Anh Đà kể: Cách đây gần 2 tháng, lúc phát hiện cà chua không ra hoa đậu quả, các chủ vườn ươm đã phản ánh với đại lí của ông Đà, theo đó ông Đà cũng đã liên hệ với Cty TNHH SX thương mại Xanh là doanh nghiệp cung cấp hạt giống cà chua Mongal.

Sau đó, Cty này đã cử nhân viên đại diện tại phía Bắc xuống kiểm tra thực địa, họp với các đại lí và chủ vườn ươm. Đại diện Cty khuyên các chủ vườn ươm về bảo nông dân nhổ bỏ cà chua không ra quả để trồng cây khác.

Đồng thời, họ cho biết sẽ hỗ trợ nông dân thông qua các đại lí mỗi sào 1 gói hạt giống cà chua và 100 nghìn đồng/sào. Tuy nhiên, đa số nông dân bị thiệt hại đều cho rằng mức hỗ trợ đó chẳng thấm tháp gì nên họ không chấp nhận.

“Mỗi sào cà chua chúng tôi đầu tư hết 3 – 3,5 triệu đồng, chăm sóc hơn 2 tháng, bây giờ cà chua trồng ra chẳng có quả nào, thiệt hại mỗi sào tính ra hàng chục triệu đồng, vậy mà họ chỉ hỗ trợ có một gói hạt giống và 100 nghìn đồng thì có ý nghĩa gì chứ” – ông Nguyễn Xuân Khanh, khu Ngọc Trì, xã Ái Quốc gay gắt.

Được biết ngoài xã Ái Quốc, các diện tích cà chua giống lai F1 Mongal được nông dân Hải Dương trồng ở các địa bàn khác trong vụ hè thu vừa qua đều không ra quả, trong khi các giống khác vẫn cho thu hoạch đạt năng suất bình thường.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm