| Hotline: 0983.970.780

Mercedes chăm sóc khách hàng quá kém?

Thứ Năm 27/03/2014 , 11:02 (GMT+7)

Báo NNVN nhận được thư của bạn đọc Phan Mỹ phản ánh việc cung cấp dịch vụ khách hàng của Mercedes Việt Nam khiến bà nhiều lần bức xúc.

Bà Phan Mỹ (phố Hoài Thanh, Hà Nội) có đơn gửi Báo NNVN phản ánh về “những lỗi kỹ thuật cũng như sự vô cùng kém cỏi trong việc chăm sóc khách hàng của một thương hiệu xe uy tín hàng đầu thế giới là Mercedes”.

Theo phản ánh, bà Mỹ là khách hàng lâu năm của thương hiệu Mercedes. Đến nay, bà đã dùng 11 chiếc xe mang nhãn hiệu này.

Đầu năm 2014, bà Mỹ mua một chiếc S500 (loạt xe lắp ráp đầu tiên tại Việt Nam bằng dây chuyền được đưa về từ Đức và là một trong những khách hàng đầu tiên) từ Cty Ngôi Sao - đại lý cấp 1 của Mercedes tại TP Hồ Chí Minh.

Ngày mùng 3 Tết Giáp Ngọ (tức ngày 2/2/2014), bà Mỹ đi xe công tác từ TP Hồ Chí Minh về Hà Nội.

Khi đến địa phận TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, thì hai chiếc lốp xe (một bánh trước, một bánh sau) gặp sự cố khiến không thể di chuyển được.

Bà Mỹ đã gọi số đường dây nóng của Hãng Mercedes tại Việt Nam để yêu cầu trợ giúp thì nhân viên trực tổng đài xác định bà Mỹ đang ở khu vực miền Trung và lập tức “đẩy” trách nhiệm trợ giúp khách hàng thuộc về đại diện của Mercedes tại miền Trung và yêu cầu bà phải tự gọi điện đến số di động đó.

Bà Mỹ liền gọi cho đại diện Mercedes miền Trung, sau khi nghe trình bày, nhân viên này hứa sẽ kiểm tra và gọi lại ngay. Tuy nhiên bà Mỹ đã chờ rất lâu nhưng không hề có ai gọi lại.

Cuối cùng, bà Mỹ đã phải gọi điện nhờ một người bạn ở TP Hồ Chí Minh tìm mua 2 chiếc lốp tương thích với S500 và đi ô tô suốt đêm mùng 3 Tết, đến trưa mùng 4 mới tới Phú Yên thay lốp cho bà vì khu vực này không có gara nào được Mercedes ký hợp tác hỗ trợ khách hàng cũng như không có phụ tùng của Mercedes để thay thế.

Đáng tiếc là, từ hôm đó cho đến nay, đã 2 tháng trôi qua, bà Mỹ không hề nhận được bất cứ cuộc điện thoại nào của Mercedes hỏi thăm về tình trạng xe, dù chiếc xe đã gặp phải sự cố chỉ ngay sau 1 tuần vận hành.

Sự việc đó khiến bà Mỹ chưa hết bức xúc thì ngày 19/3 vừa qua, khi đang đi trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội), chiếc xe S500 của bà Mỹ lại đột ngột bị chết máy, báo động toàn bộ và phải dừng lại giữa đường.

Vì xe vẫn trong thời hạn được hỗ trợ và bảo hành nên bà Mỹ đã gọi điện đến đường dây nóng của Mercedes tại Việt Nam đề nghị trợ giúp thì một lần nữa “được” cung cấp số điện thoại của một nhân viên thuộc đại lý Mercedes phía Bắc (Hà Nội) và yêu cầu bà Mỹ gọi cho số này.

Sau gần 2 tiếng đồng hồ đứng giữa đường, với rất nhiều cuộc gọi tới Mercedes, một xe cứu hộ công cộng mới tới để đưa xe của bà Mỹ về gara.

“Bất ngờ và thất vọng hơn khi xe của tôi đã được đưa về gara thì tôi lại nhận được điện thoại của một nữ nhân viên chăm sóc khách hàng của Mercedes, với những câu hỏi lại “bắt đầu lại từ đầu” về tình trạng xe của tôi khiến tôi vô cùng ức chế bởi đây là lần thứ 3 tôi phải trình bày một vấn đề cho cái gọi là nhân viên hỗ trợ khách hàng.

Chán nản hơn, khi xe của tôi được kiểm tra, nhân viên kỹ thuật xe đã “lạnh lùng” cho biết: “Xe không bị sao đâu, vẫn nổ máy được”.

Không đồng ý với cách “khám bệnh” của nhân viên kỹ thuật này và mong muốn tìm ra nguyên nhân xe chết máy giữa đường nên tôi đã yêu cầu để xe lại”, bà Mỹ búc xúc.

Thật lạ lùng, ba ngày sau, ngày 22/3/2014, bà Mỹ được thông báo là xe bị lỗi bộ cảm ứng nhiên liệu (trong khi đưa xe vào gara thì bình xăng của xe còn 20%).

Nhân viên kỹ thuật của đại lý Mercedes cho biết, sẽ thay bình xăng và bộ cảm ứng nhiên liệu, tuy nhiên ít nhất phải 15 ngày sau mới có phụ tùng thay thế vì phụ tùng vẫn đang ở nước ngoài chờ vận chuyển về Việt Nam.

Điều này khiến bà Mỹ rất băn khoăn, bởi lẽ vì sao Mercedes lại sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng để thay thế phụ tùng cho bà khi trước đó đã trả lời “xe không hề gì”?

Bà Mỹ cho biết thêm, đã nhờ người quen liên hệ đến lãnh đạo Mercedes Vietnam và đã nhận được lời hứa sớm liên hệ trả lời từ cấp cao nhất, nhưng một tuần trôi qua, bà Mỹ vẫn không nhận được cuộc điện thoại nào!

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm