| Hotline: 0983.970.780

Mía tím Cao Phong rớt giá

Thứ Hai 13/02/2012 , 10:29 (GMT+7)

Dù là cuối vụ thu hoạch xong các chủ vườn mía vẫn chưa hề bán được hàng, một số bán được ít thì giá lại rẻ...

Thời điểm này, mía tím (Cao Phong, Hòa Bình) đang là cuối vụ thu hoạch. Song trên toàn huyện mới chỉ bán được chưa đầy 1/3 diện tích, nguyên nhân là không người mua và giá quá thấp.

Mía tím được coi là cây chủ lực của huyện Cao Phong. Toàn huyện có gần 3.000 ha mía, trong đó chiếm 50% diện tích trồng mía tím. Thời điểm thu hoạch bắt đầu từ tháng 1 cho đến tháng 3. Tuy nhiên, đến thời điểm này các chủ vườn mía vẫn chưa hề bán được, một số bán được ít thì giá lại rẻ khiến người trồng mía đang rất hoang mang, lo lắng.

Như thời điểm này năm ngoái, dọc tuyến đường đến Cao Phong, xe ô tô đã xếp hàng dài chờ mua mía để chở đi tiêu thụ ở khắp nơi. Mía bán đắt như tôm tươi, kể cả loại mía xấu, cây cong queo cũng được cánh lái buôn gom hết với giá từ 4.500-5.000 đồng/cây. Nhà nào còn luống mía muộn thì bán với giá lên đến 6.000-7.000 đồng/cây. Cũng nhờ vậy mà nhiều gia đình trồng mía khấm khá lên rất nhiều. Có gia đình còn sắm được cả ô tô để phục vụ cho việc vận chuyển mía đi bán.

Năm nay thì ngược lại, đến thời điểm giữa vụ rồi mà chẳng thấy bóng dáng xe ô tô nào đến mua mía. Thỉnh thoảng có người hỏi thì chỉ trả cao nhất cho loại mía đẹp với giá 3.000 đồng/cây, loại trung bình và xấu thì giá chỉ 2.000-2.500 đồng/cây.

Nhà chị Bùi Thị Ngư (xóm Bảm, xã Tây Phong) có gần 2 mẫu mía, như mọi năm đến thời điểm này vườn mía nhà chị đã bán hết sạch. Năm nay chưa thấy có ai đến hỏi mua hay đặt hàng gì cả. Mới đây cũng có người hỏi nhưng chỉ trả với giá 2.500 đồng/cây nên chị quyết định không bán mà giữ lại chờ giá lên. Chị Ngư cho biết: “Với giá 2.500 đồng/cây, có bán hết cả vườn mía thì cũng chẳng đủ trả tiền phân, chưa nói đến tiền công và lãi”.

Với giá mía tím quá thấp như hiện nay, phần lớn người dân không muốn bán. Theo chị Ngư, sở dĩ như vậy là vì người dân Cao Phong sống chủ yếu vào trồng mía. Cả năm mới thu hoạch được một vụ mía, mỗi hécta phải đầu tư phân bón, thước trừ sâu, công… lên đến 30-40 triệu đồng, nếu bán mà không có lãi coi như đói.

Chỉ tay về luống mía nhà mình, anh Bùi Văn Lươm thở dài ngán ngẩm: "Nhà có hơn 2 mẫu mía nhưng chưa hề bán được cây nào. Chỉ cần từ nay đến cuối tháng mà không bán hết số mía này thì mía sẽ bị chuyển màu, chua và chết dần. Thời điểm đầu vụ cũng có vài người xuống hỏi mua, nhưng rẻ quá gia đình anh không bán. Đến bây giờ có muốn bán rẻ cũng chẳng ai nhòm ngó tới. Sang năm tôi phải trồng nửa mía nửa ngô để không thu được cái này còn có cái khác mà sống nữa chứ. Cứ trông chờ vào mía tím thì cả nhà chết đói mất”, anh Lươm cho biết.

Nhà anh Bùi Văn Lập (xã Tây Phong) có gần 1ha mía, từ đầu vụ đến nay chỉ mới bán được chưa đầy 1/3 diện tích. Thời gian trước tết lái buôn lên mua được một ít những cây đẹp nhưng giá thấp. Những năm mía tím được giá, trung bình 1ha gia đình anh thu về 100-120 triệu, năm nay với giá thấp như vậy căng lắm cũng chỉ bán được 40-50 triệu, như vậy cũng chỉ đủ trả tiền phân bón, thuốc BVTV.

Theo anh Lập, nguyên nhân dẫn đến mía năm nay không bán được là do thời tiết không thuận, trời rét đậm kéo dài nên nhu cầu người mua giảm. Anh Lập dự tính nếu từ đây đến cuối tháng mà không ai lên hỏi mua mía thì anh phải tính đến phương án thuê xe chở mía xuống xuôi bán may ra còn gỡ gạc được chút vốn.

Chị Nguyễn Thị Thơ, một người buôn mía từ Hà Nội lên cho biết, năm nay rét kéo dài nên thị trường tiêu thụ mía chậm. Những người như chị không dám lấy nhiều vì sợ lỗ. Vào thời điểm trời nắng ấm, một xe ô tô mía chị chỉ bán trong vòng hai ngày là hết. Nay cũng một xe như vậy mà bán cả tuần không hết.

Cũng như Cao Phong, các huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy… mía tím cũng không bán được. Anh Bùi Văn Tiến (xã Bình Chân, Lạc Sơn) cho biết, gia đình đã trồng mía hơn chục năm nay, nhưng chưa bao giờ anh thấy mía lại ế ẩm như năm nay. Bằng giờ mọi năm, các lái buôn dưới xuôi lên tranh nhau mua, còn năm nay thì chẳng ai nhòm ngó đến.

Khác với người dân trồng mía tím, ông Phạm Hồng Quân, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Cao Phong lại rất lạc quan: Thời điểm mía tím thu hoạch rộ vào quý một. Tính đến nay toàn huyện đã bán được khoảng 50% diện tích. Giá mía vẫn đang ở mức trung bình 4.500-5.000 đồng/cây, như vậy 1ha khoảng 4 vạn cây, người dân bán cũng được 180-200 triệu/ha, trừ mọi chi phí người dân cũng lãi được một nửa.

“Việc một số nơi giá mía có giảm là do ruộng xấu. 50% diện tích mía chưa tiêu thụ được nguyên nhân do thời tiết rét kéo dài. Đến cuối tháng 3 đầu tháng 4 khi nắng ấm lên chắc chắn sẽ bán hết. Năm nay với giá thế này vẫn là ổn định”, ông Quân cho biết.

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất