| Hotline: 0983.970.780

Mía trổ cờ, nông dân lao đao

Thứ Năm 20/02/2014 , 10:42 (GMT+7)

Nông dân vốn đã lao đao vì giá mía thấp, sản lượng, chữ đường giảm, năm nay họ lại phải “gánh” thêm khoản vòi vĩnh trắng trợn của cánh tài xế.

Theo đúng lịch thời vụ, đáng lẽ vựa mía xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) phải được thu hoạch từ tháng 11/2013 (ÂL). Tuy nhiên, do sự điều hành chậm của Xí nghiệp nguyên liệu (XNNL) Thọ Lâm (Cty CP Mía đường Lam Sơn) dẫn đến hơn 20 ha mía bị trổ cờ, nông dân lao đao vì sản lượng mía và chữ đường sụt giảm.

Thiệt đơn thiệt kép

Theo phản ánh của người dân xã Hạnh Phúc, 100% diện tích mía của bà con đã chín từ trong Tết nhưng do việc điều hành chậm, thiếu khoa học của XNNL Thọ Lâm dẫn đến mía chặt muộn gây thiệt đơn thiệt kép cho nông dân.

Ông Lê Khắc Vui, thôn 4, bức xúc: “Đã 22 năm trồng mía nhưng chưa bao giờ tôi thấy việc điều hành thu mua mía lại lộn xộn như năm nay. Diện tích mía chín trước thì thu hoạch sau trong khi mía chín sau lại được thu hoạch trước nên mới xảy ra tình trạng mía trổ cờ hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho chúng tôi”.

Theo tính toán của ông Vui, tổng mức đầu tư một sào mía xấp xỉ 3,5 triệu đồng (trong đó, tiền thuê đất 500 nghìn đồng; giống 400 nghìn; công cày 600 nghìn; tiền phân 1 triệu đồng; công làm lá, làm cỏ, thu hoạch 650 nghìn và thuốc diệt rệp 300 nghìn đồng).


Hàng chục ha mía của xã Hạnh Phúc trổ cờ, gây thiệt hại lớn

Tuy nhiên, sản lượng mía bình quân chỉ đạt 2,7 tấn/sào nhân với giá hiện tại 900 ngàn đồng/tấn/10CCS, thì tổng số tiền thu được chỉ đạt 2.430.000đ. Như vậy, nông dân còn lỗ trên dưới 1 triệu đồng.

“Nghề trồng mía bấp bênh lắm, như năm nay thì 95% nông dân lỗ đậm. Ngay như nhà tôi, thâm canh tốt, năng suất đạt 3,5 tấn vẫn lỗ hơn 300 nghìn đồng/sào. Dù biết lỗ nhưng vẫn phải làm vì đất Hạnh Phúc không biết trồng cây gì khác nữa”, ông Vui khẳng định.

Được biết, hộ ông Vui trồng 3 ha mía, đến nay mới chỉ chặt được 1 ha. Còn chị Hoàng Thị Ngãi, thôn 2, xã Hạnh Phúc cho biết, gia đình chị làm 3 mẫu mía, ngày 17/2 mới được nhận phiếu bắt đầu thu hoạch.

“Theo lịch thời vụ, đáng lẽ mía của Hạnh Phúc phải được chặt từ giữa tháng 11/2013 (ÂL). Nhưng không hiểu vì sao Cty CP Mía đường Lam Sơn lại thu mua chậm như vậy. Nay mía trổ cờ, ruột đã xốp gần nửa thân cây nên chắc chắn sản lượng và chữ đường sẽ giảm nhiều. Cộng với đó, giá mía thấp hơn năm ngoái nên chúng tôi lỗ rất nặng”, chị Ngãi nói.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Đặng Thế Giang, Phó Giám đốc Cty CP Mía đường Lam Sơn cho hay: “Việc các XNNL điều hành thu hoạch mía chậm dẫn đến mía ở xã Hạnh Phúc nói riêng, vùng trồng mía huyện Thọ Xuân nói chung bị trổ cờ là có thật. Tuy nhiên, mía trổ cờ một phần cũng do thời tiết mưa nhiều và người dân trồng lẫn phải giống mía chuyên trổ cờ nên mới xảy ra tình trạng trên”.

Theo ông Giang, diện tích mía đã bị trổ cờ thì sản lượng và trữ lượng đường sẽ bị giảm sút. Còn giá mía, năm nay thấp hơn năm ngoái 50 nghìn đồng/tấn. Được biết, đến thời điểm này toàn xã Hạnh Phúc mới chặt được trên dưới 15% diện tích; trong đó, số đã được vận chuyển đến nhà máy trên 6%, tương đương 1.600 tấn.


Nhiều hộ dân xót của, thu hoạch mía trước nhưng chờ cả chục ngày vẫn không thấy xe đến vận chuyển

Vòi tiền trắng trợn

Nông dân vốn đã lao đao vì giá mía thấp, sản lượng, chữ đường giảm, năm nay họ lại phải “gánh” thêm khoản vòi vĩnh trắng trợn của cánh tài xế.

Anh Lê Khắc Việt, thôn 4, bức xúc kể: Khoảng ngày 12/12/2013 (ÂL) vì thấy mía chín đã trổ cờ nên gia đình anh ra đồng thu hoạch, sau khi chặt xong 41 tấn mía, anh gọi điện nhiều lần nhưng không thấy xe Cty xuống. Phải đến 14 ngày sau (26 Tết), vì gia đình thúc giục nhiều quá nên XNNL Thọ Lâm mới điều 3 xe về bốc hàng.

“Trước khi bốc mía thường thì chúng tôi bồi dưỡng cho lái xe ít đồng động viên họ. Nhưng lần này một trong ba tài xế trên trắng trợn đòi thẳng chúng tôi 400 nghìn đồng/chuyến. Vì nghĩ ngày cận Tết tôi đưa cho anh ta 300 nghìn nhưng anh ta không chịu. Bức xúc quá, tôi nói anh ta không chở đi thì thôi, chúng tôi không cần thiết, lúc đó mọi việc mới yên ổn”, anh Việt nói.

Cũng theo anh Việt, ngoài việc ra giá cụ thể từ 200-500 nghìn đồng/xe, nhiều tài xế còn dựa vào sự “chăm sóc” tốt hay không tốt của hộ dân để thay đổi thời gian bốc hàng từ trước ra sau, từ sau lên trước, dẫn đến sự thiếu công bằng.

Về tình trạng vòi tiền của lái xe, ông Đặng Thế Giang khẳng định là có và Cty cũng đã xử lý một số trường hợp. “Mỗi xí nghiệp được giao quản lý một đội xe nên không thể tránh khỏi sai sót. Theo tôi thì việc tài xế lấy 50-100 ngàn đồng/xe chỉ theo kiểu người dân bồi dưỡng ăn uống hoặc xe bốc thiếu tải, quá tải nên dân “ép” tiền để lái xe chạy thôi?!”, ông Giang giải thích.

Để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía, thiết nghĩ Cty CP Mía đường Lam Sơn cần chấn chỉnh lại hoạt động của các đơn vị trực thuộc, nhất là đội xe, tránh gây thiệt thòi cho nông dân.

Tỉnh Thanh Hóa có 4 nông trường và 60 xã, thuộc 11 huyện với hơn 30 nghìn hộ dân hợp đồng trồng 16.500 ha mía cho Cty CP Mía đường Lam Sơn. Đến thời điểm này Cty đã thu mua được 640 ngàn/1,050 triệu tấn mía (trên 60%).

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm