| Hotline: 0983.970.780

Miền đất băng giá

Thứ Tư 25/01/2012 , 10:14 (GMT+7)

Có người ví: Sa Pa là cái "tủ lạnh" treo giữa lưng trời, thì Sâu Chua chính là "ngăn đá" cấp đông cho vùng đất Sa Pa (Lào Cai) kỳ ảo.

Với những gì mà tôi đã biết, thì chẳng nơi nào người dân cư trú lại cao hơn nơi này. Mảnh đất quanh năm giá lạnh, có người ví: Sa Pa là cái "tủ lạnh" treo giữa lưng trời, thì nơi đây là "ngăn đá" cấp đông cho vùng đất Sa Pa (Lào Cai) kỳ ảo. Đó là Sâu Chua, miền đất chênh vênh giữa mây trời…

Ký ức cây lúa không trổ bông

Tôi không thể hình dung nổi Sâu Chua lại cao đến thế, nếu không có dãy núi Hàm Rồng chắn ngang thì từ đây nhìn xuống thị trấn Sa Pa chỉ to hơn chiếc chiếu hoa trải giữa núi rừng mờ mịt mây giăng. Có lẽ đây là nơi người dân cư trú cao nhất Việt Nam mà tôi từng biết, với độ cao trên 1.700m so với mặt nước biển.  

Những ngôi nhà ở Sâu Chua khuất sau những bờ đá

Ông Châu A Dế là người cuối cùng còn sống trong số những người đầu tiên lên Sâu Chua khai phá miền đất băng giá. Thật khó mà đoán được năm nay ông 78 tuổi rồi, trông ông vạm vỡ như gốc cây lim cháy còn sót lại trên mảnh đất Sâu Chua như thách thức với mưa giông và bão tuyết. Ông là già bản có uy tín nhất vùng Sâu Chua, mọi nhà có việc quan trọng đều tới hỏi ông. Hôm nay ông tới giúp thằng Giàng A Giằng đục cột nhà dựng ngôi nhà gỗ cạnh con đường đang đổ bê tông qua đất Sâu Chua xuống Hầu Thào.

Ông Dế nhìn tôi, đôi mắt sáng quắc như đang nhìn vào quá khứ xa xăm mà ông vẫn còn nhớ như in cái ngày ông theo cha mẹ cầm chiếc đuôi ngựa từ Trung Chải lên đây mở đất. Con ngựa lông đỏ thồ theo chăn chiếu, quần áo và những chiếc xoong nồi đen nhẻm miệng méo dúm dó, ướt đẫm mồ hôi vì leo dốc. Ngày ấy ông mới 5 tuổi, trong cuộc phiêu du đi tìm vùng đất mới được cha giao vác một chiếc nỏ cánh dài hơn một mét, nghĩa là cao hơn cả người ông. Con đường dốc ngược lởm chởm đá tai mèo, ông phải bám vào chiếc đuôi ngựa mới leo nổi.  

Già bản Châu A Dế, người khai khẩn đất Sâu Chua còn sót lại

Mệt đâu nghỉ đấy, tối đâu ngủ đấy. Họ dựng vội vàng những chiếc lều lợp bằng lá chuối bên những hẻm núi để tránh những trận gió như bầy ngựa hoang gầm gào suốt đêm, lạnh như cắt da cắt thịt.  Nhiều chỗ phải vượt qua những làn đá dựng đứng nước chảy chan chan, hay tụt xuống thung sâu rồi lại ngoi lên trên những con đường của thú rừng đi dựng đứng như ngược lên trời. Ròng rã năm sáu ngày trời mới leo lên tới Sâu Chua. Điều mọi người không ngờ tới, Sâu Chua cao chất ngất trên chín tầng mây nhưng là vùng đất khá bằng phẳng. Sâu Chua cũng có nghĩa là vùng đất ngồi trên đá. Mảnh đất cao và chênh vênh lắm, chỉ cần cựa mạnh hay sểnh chân một bước là lăn xuống vực sâu thăm thẳm.

Trong ký ức mờ nhoà như mây giăng sương phủ, dẫu đã bước qua tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng ông vẫn còn nhớ cái vùng đất cách nay mấy chục năm trời, rừng bạt ngàn, lá xanh đen nhiều cây to bốn năm người ôm mới kín gốc. Sâu Chua ngày ấy chỉ có ba hộ lên khai mở đất hoang của hai dòng họ, đó là dòng họ Giàng và họ Châu, bao gồm gia đình các ông Giàng A Hù, Giàng A Chang và Châu A Lử.

Họ phát rừng khai khẩn ruộng nương, đất mùn dày cả mét, cây ngô to bằng cổ tay, bắp ngô to bằng bông hoa chuối rừng dài hơn một gang tay, không hiểu sao do đất ở đây cao hay lạnh quá mà ngô trồng 5-6 tháng mới được thu hoạch. Còn lúa nương và lúa ruộng thì không ra bông, năm nào ấm áp thì lúa trỗ bông nhưng không kết hạt, ông Dế cười: Chả biết có phải vì nước hồi ấy chảy từ trong núi ra lạnh quá hay sao mà cây lúa cứ xanh ngắt, cao vút, lúa ra bông nhưng không chín. Sau mùa đông sương tuyết phủ trắng xoá cây rũ xuống, ăn Tết xong thì cây vàng rượp, rạp xuống như cỏ… 

Băng giá trên những luống hoa hồng

Bởi không trồng được lúa, lương thực của người Sâu Chua khi đó chỉ là ngô. Ngô được xay nhỏ gọi là mèn mén đồ trong những chiếc hông lớn ăn quanh năm với canh rau cải nấu với thịt chuột hay thịt thú rừng. Theo đường chim bay Sâu Chua chỉ cách thị trấn Sa Pa độ chục con dao quăng, nhưng phải đi vòng hơn chục cây số. Mặc dù vậy, Sâu Chua mấy chục năm nay chả khác gì "ốc đảo" trên núi, ít bị cuộc sống hiện đại "xâm thực" vào nếp ăn nếp ở của mỗi nhà. Những phụ nữ trên ba mươi tuổi ở đây hầu như chả mấy người biết tiếng phổ thông, khi tôi hỏi họ chỉ cười và lắc đầu: Tri pâu à, tri pâu ớ…(không biết đâu). Họ vẫn xe lanh dệt vải, vẽ hoa văn bằng sáp ong rồi nhuộm chàm, thi thoảng mới có người xuống chợ Sa Pa xem ông Tây và ăn phở.

"Thủ phủ" hạt rau giống Sa Pa một thời hoàng kim

Sâu Chua được biết đến vào những năm 1971-1972 khi Sa Pa được quy hoạch thành vùng sản xuất hạt rau giống lớn nhất nước. Ba vùng trồng hạt giống rau su hào: Sâu Chua, thuộc xã Sa Pả, Séo Mỷ Tỷ thuộc xã Tả Van và Ô Quý Hồ thuộc thị trấn Sa Pa với diện tích hơn ba chục ha, trong đó Sâu Chua là vùng rau giống lớn nhất hơn chục ha và chất lượng hạt rau ở đây cũng tốt nhất. Người ta ví Sâu Chua là "thủ phủ" của vùng sản xuất hạt rau giống Sa Pa. Để có lao động huyện Sa Pa phải vận động nhân dân ở các xã: Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và Trung Chải đến Sâu Chua thành lập HTX trồng hạt rau giống.  

Trại trưởng Trại rau hoa Tam Đỉnh Ngô Kế Trị

Ban đầu chỉ có 3 hộ sau tách ra thành 5 hộ, khi hình thành khu vực chuyên canh hạt rau giống thì số hộ tăng lên 98 hộ, hơn 100 xã viên làm rau, trồng lê và chăn nuôi bò. Hạt rau giống trở thành mặt hàng quốc cấm, vùng trồng hạt rau giống thì nhân dân trong khu vực không trồng hay để giống bất cứ một loại rau gì, tránh sự lai tạo tự nhiên do ong bướm thụ phấn chéo. Hạt rau giống Sa Pa được Cty giống - hoa quả Trung ương thu mua rồi phân phối qua hệ thống cửa hàng quốc doanh bán khắp các tỉnh miền Bắc, sau năm 1975 miền Nam được giải phóng hạt rau Sa Pa cũng thực hiện sứ mệnh "Nam tiến" tới những vùng trồng rau lớn phía Nam. Hạt rau được coi là mặt hàng quốc cấm, nên người nào buôn bán hạt rau nếu bắt được thì bị xử như tội buôn bán thuốc phiện.

Tuy nhiên, do buôn bán hạt rau lợi nhuận cao nên nhiều người vẫn lao vào, bất chấp tù đày. Những người đi xe ca từ Sa Pa xuống Lào Cai đều bị kiểm tra rất ngặt nghèo. Ông Châu A Dế mỉm cười: Kiểm tra gắt gao quá thì người ta không đi xe ca nữa, mà thuê dân địa phương vận chuyển bằng đường bộ, họ cắt rừng mà đi, công an giăng khắp nơi nhưng cũng không bắt được hết.

Người trồng rau được cung cấp gạo, một cân hạt rau được nhà nước trả 30-40 kg gạo, dân Sâu Chua từ khi trồng rau giống mới biết đến hạt gạo. Vùng hạt rau giống Sâu Chua mỗi vụ cung cấp 15-16 tấn hạt rau, gia đình ông Châu A Dế khi đó mỗi năm thu 6-7 tạ hạt rau giống, gạo không chỉ đủ ăn quanh năm, mùa giáp hạt còn cứu đói cho anh em ở các xã. Các mặt hàng bách hoá, như: Vải vóc, giày dép, đèn pin, xà phòng…đều được ưu tiên bán cho người làm hạt rau. Người dân vùng trồng rau thời ấy dường như chẳng thiếu thứ gì.

Thời hoàng kim của vùng sản xuất hạt rau giống bắt đầu tàn lụi khi hạt rau của Trung Quốc, Nhật Bản…ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam, các HTX trồng hạt rau không còn độc quyền sản xuất và hạt rau họ làm ra không thể cạnh tranh nổi hạt rau ngoại, thế là các HTX sản xuất hạt rau tự giải thể, đó là vào năm 1981-1982, sau hơn 10 năm huy hoàng. Người dân Sâu Chua chạy tứ tán khắp nơi, người sang Than Uyên, người đến Lai Châu, Điện Biên có người đến tận Mường Nhé giáp đất nước Lào. Ông Dế lắc đầu: Sâu Chua có 98 hộ thì có tới 44 hộ bỏ đất này mà đi. Họ đi không một lần trở lại nên chẳng biết cuộc sống của họ thế nào. Sau mấy chục năm Sâu Chua phát triển lên 88 hộ với 8 dòng họ…Tôi hỏi ông: Bây giờ lúa cấy có chín không? Ông Dế cười: Hình như trời bây giờ ấm hơn, ít mưa tuyết hơn mấy chục năm trước, những giống lúa mới thời gian sinh trưởng ngắn nên đã kết hạt và chín được rồi. Người dân trên này chủ yếu cấy một vụ giống lúa VL20, lúa tốt lắm… 

Vườn rau bốn mùa của Cty Tam Đỉnh

Ông Châu A Dế dường như còn nuối tiếc cái thời hoàng kim Sâu Chua là "thủ phủ" vùng sản xuất hạt rau giống lớn nhất Sa Pa. Cùng với việc ra đi của hàng chục hộ dân, người Sâu Chua nản lắm, mùa đông không còn biết làm gì, buổi sáng người ta nhìn ra ngoài trời trắng xoá băng giá, giá lạnh kéo dài từ tháng mười năm nay cho tới tháng tư năm sau. Khi cơn lốc buôn bán pơ mu bùng phát, Sâu Chua trở thành vùng đất "quá cảnh", nơi tập kết gỗ pơ mu lậu bán sang Trung quốc vào những năm 1995-1997. Để tránh đường qua thị trấn Sa Pa, gỗ khai thác từ các xã Tả Van, Hầu Thào trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên vượt đường núi qua Sâu Chua để xuống Sa Pả hay Trung Chải. Trong đội quân vác gỗ thuê ấy không hiếm những người dân Sâu Chua.

Miền đất băng giá không bị lãng quên

Khi hạt rau giống Sa Pa không còn chỗ đứng thì Sâu Chua lại trở thành "ốc đảo" trên núi cao, một vùng đất dường như đã bị lãng quên. Ông Châu A Dế đã toan mấy lần theo chân đoàn người di cư tìm những vùng đất mới, nhưng rồi ông nghĩ lại: Cha ông mình đã nằm lại nơi này, con cái mình sinh ra ở đây sao mình bỏ đất này mà đi được? Thế là ông vận động những người anh em trong dòng họ ở lại. Đất Sâu Chua cấy lúa lai đã chín, chỗ nào dẫn được nước về là người dân vỡ ruộng, mấy chục ha lúa một vụ cũng đủ nuôi người Sâu Chua không còn thiếu đói. Riêng gia đình ông Dế mỗi vụ cấy 40 kg hạt giống lúa lai, thu 5-6 tấn thóc. Đấy là chưa kể thảo quả, mỗi năm thu 1 tấn quả khô, giá bán 120.000đ/kg, bản có nhiều hộ trồng thảo quả, năm nay mất mùa nhưng ước đạt 20- 25 tấn. Ông Dế lắc đầu: Người Sâu Chua không còn đói, nhưng còn nhiều hộ nghèo lắm…

Hoa đào nở trong băng giá

Mảnh đất Sâu Chua không bị lãng quên, ấy là năm 2004 Cty Tam Đỉnh đã lên Sâu Chua thuê hơn 20 ha đất của người dân để lập trang trại trồng rau và hoa hồng. Trại trưởng Ngô Kế Trị bảo tôi: Cty Tam Đỉnh mới trồng 2,6 ha rau cải bắp để bán cho các siêu thị ở Hà Nội, mỗi năm 3 vụ rau. Trung bình mỗi vụ thu hơn 20 tấn, làm ra bao nhiêu cũng hết. Đầu năm giá xuống chỉ được 5.000đ/kg, đến nay thì giá rau đã bán được 8.000-10.000đ/kg. Còn hoa hồng thì Cty mới trồng 1,5 ha, cháu chưa cộng sổ, nhưng với 6 vạn gốc thì năm nay cũng thu chừng 300 triệu tiền hoa. Đã cuối mùa hoa rồi, nên chỉ có mấy người làm thôi, vào chính vụ thì phải thuê khoảng 10 lao động. Thiên nhiên đã ban cho mảnh đất này không ở đâu có được, nhiệt độ trung bình năm chỉ 12-15 độ thôi, mùa đông rét tê tái, đầu năm nay thị trấn Sa Pa mưa tuyết chỉ kéo dài đến giữa trưa, còn ở đây tuyết phủ kín các luống rau, luống hoa đến mấy ngày sau mới tan. Buổi sáng nhìn mặt đất trắng xoá tuyết phủ, chả khác gì ở châu Âu chú ạ…

Những gốc lê địa phương mà người dân gọi là Mắc coọc tưởng đã tàn lụi khi HTX rau tan vỡ, còn cây nào sống sót thì cứ ngời xanh như bất chấp sương giá tuyết rơi. Sâu Chua còn mấy chục cây lê như vậy, mỗi năm người Sâu Chua thu hoạch gần chục tấn quả mang xuống thị trấn Sa Pa bán. Giá 15.000đ/kg chả kém các loại hoa quả khác. Phòng NN-PTNT huyện Sa Pa đang xây dựng đề án phục tráng giống lê da nâu Sa Pa, đây là giống lê quý đang được khách hàng ưa chuộng, bởi giống lê này ăn giòn, ngọt có đủ 5 vị. Cùng với việc phục tráng giống lê địa phương Phòng NN-PTNT Sa Pa đã đưa 200 cây lê Tai Nung có nguồn gốc từ Đài Loan lên trồng ở Sâu Chua. Ông Dế dẫn tôi về nhà xem cây lê Tai Nung mới trồng được một năm nhưng đã cao bằng đầu người, ông bảo: Chắc chắn là giống lê này phù hợp với khí hậu và đất ở đây, hai năm nữa khi cây ra quả là biết thôi…

Cây lê Tai Nung đã phát triển tốt ở Bắc Hà có số giờ lạnh ít hơn ở Sâu Chua, thì lẽ nào trồng ở Sâu Chua lại không ra quả? Ông Dương Đức Huy, GĐ Trung tâm Giống Nông lâm nghiệp Lào Cai, đang có ý tưởng xây dựng Sâu Chua thành vùng cây ăn quả ôn đới lớn nhất Sa Pa. Tuy nhiên, điều ấy còn đang ở phía trước. Nhưng với những gì ông Huy dự định thì có nghĩa vùng đất băng giá Sâu Chua không bị lãng quên.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất