| Hotline: 0983.970.780

Miền đất ngọt

Thứ Tư 25/01/2012 , 10:24 (GMT+7)

Không thể không nhắc đến một thứ cho ta vị ngọt ngọt ngào được ban tặng từ sự thảo thơm của đất trời, đó là mật ong Phủ Quỳ.

Có thể gọi Phủ Quì là vùng đất cho nhiều vị ngọt- ngọt từ mía đường, ngọt từ sữa bò, ngọt từ cam, chuối, mít... Và không thể không nhắc đến một thứ cho ta vị ngọt ngọt ngào được ban tặng từ sự thảo thơm của đất trời, đó là mật ong Phủ Quỳ.

1. Thời tiết năm nay thật lạ, sang đông gần một tháng rồi mà cứ ngỡ như tiết giữa thu, bầu trời trong veo và có nắng hoe vàng như màu mật hổ phách. Ngôi nhà quét vôi trắng cũ kĩ - trụ sở Xí nghiệp ong khu IV tọa lạc giữa khoảng đất với mấy cây trứng gà có phần tĩnh lặng. Giám đốc xí nghiệp Võ Việt Dũng cùng anh Phạm Văn Lộc cũng trong Ban giám đốc niềm nở mời khách mỗi người một chén mật ong. Anh Dũng nói đây là cây nhà lá vườn. Quả đúng thế, những chén mật ngọt ngào này chính là sản phẩm của các anh, là thành quả của đàn ong mà xí nghiệp đã gây dựng, chăm sóc.

Sớm nhìn thấy tiềm năng từ con ong mật, ngoài các công ty thành viên khác trên khắp cả nước, năm 1983, Công ty cổ phần Ong Trung ương đã thành lập thêm chi nhánh Xí nghiệp ong khu IV, đặt tại huyện Phủ Quì, tỉnh Nghệ An với chức năng phát triển đàn ong mật để khai thác nguồn hoa có trên địa bàn bởi nơi đây vốn là vùng đất trồng nhiều cây công nghiệp và cây ăn quả. Và cũng từ khi ra đời xí nghiệp thực hiện hạch toán, tự chủ kinh doanh.

Đã gần ba chục năm, dù trải qua nhiều thăng trầm của cơ chế quản lý, do sự thay đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất Phủ Quỳ nhưng đến nay xí nghiệp vẫn đứng vững. Biên chế của xí nghiệp 16 người, trong đó Ban giám đốc và văn phòng, tức là lao động gián tiếp chỉ có 4, còn 12 người động sản xuất. Ban giám đốc và những lao động gián tiếp ngoài việc hành chính, kế toán còn phải tham gia tập huấn kỹ thuật nuôi ong cho nhân dân địa phương, làm dịch vụ giống và tìm đầu ra cho sản phẩm. Nói thế đủ biết các anh bận bịu thế nào.

Thoạt đầu nghe nói 12 người lao động trực tiếp tôi vẫn không hình dung công việc cụ thể của họ là gì. Hỏi thêm mới biết, số lao động này phải di chuyển đàn ong tỏa đi về nhiều vùng khắp trong Nam, ngoài Bắc để ong tìm hoa hút mật. Thế đấy, là cán bộ công nhân viên ở địa bàn Phủ Quì, vậy mà theo giám đốc Dũng thì họ hầu như quanh năm phải xa nhà theo đàn ong rong ruổi trên mọi nẻo đường, mọi vùng đất. Có thể coi họ cũng âm thầm như đàn ong, nơi đâu hoa nở là họ có mặt.

2. Dăm chục năm trước, Phủ Quì còn bạt ngàn rừng. Từ truông Rếp hắt lên Quì Hợp và đổ ra đến tận Bãi Chành của đất Thanh Hóa, rừng trùng trùng điệp điệp. Phủ Quì hồi đó, ra khỏi thị trấn Thái Hòa là đã vào rừng, ra khỏi làng là chìm trong rừng. Mật ong lúc đó chỉ có mật ong rừng. Dân đi rừng nhẩn nha bước trên thảm lá mục ẩm, bất chợt nghe tiếng vo vo trong không trung, trong vòm cây, ngước lên thế nào cũng gặp tổ ong. Những tổ ong mật, to như cái nong, bé cũng bằng chiếc mẹt.

Việc lấy mật từ những tổ ong như thế rất gian nan và nguy hiểm. Nhưng dù có nguy hiểm thì vẫn cứ chấp nhận vì sẽ có những chai mật quí hiếm. Mật lấy về sẽ được đút nút kỹ, treo cao. Hiếm thành ra quí, mật ong chỉ dành cho người ốm, người già cả, trẻ sơ sinh. Nếu may mắn gặp được tổ to nhiều mật, hào phóng lên cho cả nhà một bữa khoai mài chấm mật ong thì ngon biết mấy. Tôi đã từng được ăn món này, nó đặc biệt đến khó tả. Bởi thế mới có câu ca: “Nhớ ai bải hoải bài hoài. Như nhớ khoai mài ăn với mật ong”.

Khoai mài tươi cạo sạch vỏ, đem đồ chín trắng tinh như vôi, phía ngoài láng bóng như được quét một lớp kitin. Củ mài lúc này thơm thơm, chắc mịn đem chấm vào bát mật khiến miếng khoai được phủ một lớp mật vàng óng, đặc sánh và ngọt thắc, ăn một lần khó mà quên. Ăn khoai mài chấm mật ong là đã được thưởng thức những sản phẩm đặc biệt của đất trời, thiên nhiên. Nhờ ánh mặt trời mà nước và các chất khoáng được rễ cây khoai mài biến thành một thứ bột bổ dưỡng, còn con ong hút mật các loài hoa mà chế biến thành thứ chất lỏng ngọt ngào. Cả hai thứ đều là tinh túy của đất trời, hợp chúng lại trở thành món ăn bổ dưỡng, như là món ăn của tiên của phật.

3. Có thể nói ở phường Quang Tiến vào bất kỳ gia đình nào cũng gặp ong mật. Được biết không riêng ở thị xã Thái Hòa hay huyện Nghĩa Đàn, dân các huyện Tân Kỳ, Yên Thành, Diễn Châu, Quì Châu, Quì Hợp... đều nuôi ong từ đàn giống của xí nghiệp. Các anh cho biết trung bình mỗi năm xí nghiệp xuất 300 đến 400 đàn ong bán ra cả tỉnh ngoài. Hiện tại ở mỗi huyện trung bình có đến hàng trăm đàn ong. Do được tư vấn kỹ thuật, do lợi ích mà đàn ong mang lại nên kinh tế gia đình nào cũng khấm khá. Số hộ nuôi ong trong tỉnh đã lên đến con số ngàn, chủ yếu là các hộ nghèo.

Dưới tán các gốc vải gốc nhãn sum suê rợp mát san sát những đõ ong. Các đõ ong đều đóng bằng gỗ, dáng hình hộp, kích thước cỡ 0,60 x 0,40 x 0,45 m được đặt rải rác trong vườn. Mỗi đõ có từ 8 đến 10 cầu với ong ngoại và 4-6 cầu với ong nội để ong xây tổ. Trong mỗi cầu, sáp được bám vào thanh gỗ phía trên và theo sự phát triển của số ong thợ mà tổ càng ngày càng phình to ra ba phía còn lại. Cầu mật có màu trong suốt là mật của hoa nhãn. Mật màu vàng đỏ là mật hoa bạch đàn, màu đỏ đậm là mật cây bông trắng... Chất lượng mật chỉ phụ thuộc vào con ong chứ không phụ thuộc vào hoa.

Được biết mỗi đàn ong ngoại nhập từ Ý cho trung bình 35-40kg mật mỗi năm. Giống ong nội sản lượng thấp hơn, trung bình dưới 20kg/năm. Có một số gia đình đã giàu lên từ nuôi ong như hộ anh Lưu, anh Long ở Nghĩa Quang, với 150 đàn ong ngoại cho thu nhập 240 triệu đồng/năm. Gia đình ông Thụ, ông Tài ở xóm Phú Tân, xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa nuôi 40 đàn ong nội cũng cho thu nhập 30 triệu đồng. Riêng Xí nghiệp ong khu IV mỗi năm xuất bán từ 25 đến 30 tấn mật ngọt thu về số tiền đáng kể.

4. Nuôi ong lấy mật là một nghề thân thiện với môi trường. Cái nghề tưởng như không gì có thể lương thiện hơn, không gì dễ dàng hơn, vậy mà vẫn gặp không ít gian nan, phiền toái, có khi không bền chí còn đầy nguy cơ đổ vỡ- anh Dũng trầm ngâm nói tiếp. Hoa gì cũng có mùa vụ, ví như hoa vải nở từ tháng 2 đến tháng 3 dương lịch, hoa nhãn từ 25/3 đến 15/4, hoa cà phê từ tháng 12 năm trước kéo sang tháng 2 năm sau...

Nhớ ngày xưa, có ai ngược Phủ Quì trở về, ngoài mấy vòng mây và nhúm mộc nhĩ, bó măng khô mà có thêm chai mật ong kẹp bên xe đạp thì nghe chừng mĩ mãn lắm rồi. Mộc nhĩ, măng để dành ngày Tết, riêng chai mật phải nút chặt treo cao để phòng khi con nít chốc đầu, tưa lưỡi. Ai ốm có thìa mật ong đã là quí hóa, đã là “cao lương mĩ vị”.

Đã nuôi ong ai chẳng muốn thu nhiều mật, thế cho nên vấn đề là phải làm sao điều khiển được việc sinh sản của bầy ong, sao cho trúng lúc hoa nở rộ để lấy được mật nhiều nhất. Vậy là cái việc điều khiển sinh nở của đàn ong với việc di chuyển đàn cứ phải đan xen liên tục bởi con ong bay đi kiếm mật chỉ có hiệu quả trong bán kính 2km.

Công việc nào cũng có phần phức tạp, đòi hỏi tính kiên nhẫn, nhưng có lẽ truân chuyên, gian khổ và hay gặp phiền toái nhất là di chuyển đàn ong. Thử hình dung với 4.000 đàn ong do xí nghiệp quản lý thì việc di chuyển chúng đi xa đâu có nhẹ nhàng. Người thì phải ra Sơn La đón mùa hoa nhãn, đến Lục Ngạn đón hoa vải, người vào Bình Phước, Kon Tum, Lâm Đồng đón hoa điều, hoa cà phê, người xuống Đồng Tháp đón hoa tràm...

Giờ đây còn đỡ chứ nhiều năm về trước thì thật là gian nan. Nào phải lo thuê xe, rồi thì cơm nước ngủ nghỉ, nào lo xe hỏng, lo ong đói ong chết và bao sự rủi ro có thể sẽ xảy ra. Cho ong đi rồi, Ban giám đốc ngồi ở nhà cứ lo ngay ngáy, cứ như điều binh khiển tướng vào trận đánh mà các mũi là những nhân viên phụ trách các đàn ong. Từ nhiều năm nay, nhân viên xí nghiệp cũng như con ong, chỉ khác là họ ngồi ô tô để mang đàn ong rong ruổi trên khắp mọi miền đất nước...

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất