| Hotline: 0983.970.780

Miền núi: Tiềm năng và kỳ vọng

Thứ Sáu 19/04/2013 , 08:30 (GMT+7)

Hướng đi nào trong phát triển nông nghiệp để có thể tạo sinh kế bền vững, mang lại thu nhập cao cho người dân miền núi? Ông Cầm Minh Chính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có cuộc trao đổi với NNVN xung quanh loạt bài “Để người miền núi có tiền”.

* Sơn La: 5 cây trồng, bò sữa, gỗ và cá nước lạnh

Hướng đi nào trong phát triển nông nghiệp để có thể tạo sinh kế bền vững, mang lại thu nhập cao cho người dân miền núi? Ông Cầm Minh Chính (ảnh) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có cuộc trao đổi với NNVN xung quanh loạt bài “Để người miền núi có tiền”.

>> Tỷ phú nơi biên viễn
>> Nguyên lý miếng thịt trên cao
>> Nghị quyết lạ trên vùng cao Tủa Chùa
>> Để người miền núi có tiền

Tiềm năng phát triển nông nghiệp của Sơn La nói riêng cũng như các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung khá đa dạng, nhưng có vẻ lâu nay nhiều tỉnh vẫn loay hoay, chưa thấy sản phẩm nông sản nào tạo được tiếng vang lớn, thưa ông?

Nông nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc (MNPB) rõ ràng khó khăn hơn các tỉnh đồng bằng rất nhiều, nhưng phải khẳng định tiềm năng hiện vẫn còn lớn. Xác định hướng đi nào cho các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, tạo được sản phẩm SX hàng hóa lớn giúp nông dân miền núi có thu nhập cao là điều mà không chỉ Sơn La lâu nay trăn trở. Thực tế đến nay, Sơn La cũng đã bước đầu định hình được bức tranh khá rõ ràng về các vùng và sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn, đồng thời đang nghiên cứu mở rộng đối với các sản phẩm mới gắn với các tiểu vùng đặc thù. Cùng với các chương trình ưu đãi đầu tư cho nông nghiệp vùng MNPB mà Chính phủ triển khai mạnh mẽ trong thời gian gần đây, tôi tin sẽ có tín hiệu sáng hơn cho việc phát triển nông nghiệp vùng MNPB.

Ông nói Sơn La đã bước đầu định hình được các vùng SX nông nghiệp mũi nhọn, cụ thể, tỉnh xác định tập trung cho sản phẩm nào có thế mạnh tiêu biểu?

Trước hết về trồng trọt, Sơn La đã xác định đưa vào quy hoạch định hướng phát triển 5 cây trồng chủ lực có thể có khả năng tạo sinh kế và thu nhập tốt nhất cho nông dân gồm: chè, mía, cà phê, rau – hoa quả và cao su.

Về cây chè, hiện đã khẳng định được thế mạnh cũng như tính bền vững, tỉnh đã có quy hoạch chi tiết cho các huyện Mộc Châu, Yên Châu và Mai Sơn. Mía cũng là cây công nghiệp đã có chỗ đứng rất vững chắc, tạo thu nhập cao và rất ổn định cho nông dân các huyện Mai Sơn và Yên Châu. Về cà phê, mặc dù hiện đang tồn tại khá nhiều vướng mắc về cơ chế phát triển, nhưng đây là cây trồng còn rất nhiều tiềm năng lợi thế, mang lại thu nhập rất cao cho nông dân. Hoa - quả cũng là thế mạnh khác mà tỉnh sẽ tập trung cơ chế, đầu tư cho các tiểu vùng khí hậu tại huyện Mộc Châu.

Riêng cây cao su, dù còn nhiều điều phải lo nhưng đây vẫn là cây trồng mà tỉnh đánh giá rất cao về tính khả thi, bền vững cũng như hiệu quả đồng bộ mà nó mang lại.

Vì sao ông đánh giá cao về tiềm năng cây cao su như vậy?

Mặc dù cao su hiện chưa cho thu hoạch sản phẩm, tuy nhiên phải khẳng định chương trình cao su ở Sơn La đã và đang mang lại rất nhiều “cái được” hết sức rõ rệt cho bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Về mặt xã hội, đến nay mà nói chưa có chương trình nào mang lại tác động mạnh mẽ và toàn diện như chương trình cao su. Ngoài việc bước đầu giải quyết việc làm tại chỗ, tạo thu nhập ổn định cho hơn 4.000 lao động thuộc 6.000 hộ dân góp đất trong tỉnh, chương trình cao su đã làm thay đổi mạnh mẽ về tác phong, ý thức lao động của bà con. Không những đời sống vật chất bước đầu được cải thiện đáng kể, diện mạo, bộ mặt đời sống văn hóa, tinh thần ở các vùng trồng cao su đã thay da đổi thịt rất nhiều, đây sẽ là những hạt nhân thúc đẩy sự đổi mới cho các vùng xung quanh. Ngoài ra, sự có mặt của cây cao su cũng đã và đang giúp cải thiện rất lớn về vấn đề môi trường, hạn chế phá rừng – vấn đề khiến nhiều tỉnh miền núi lâu nay đau đầu.


Cao su là cây trồng đang được kỳ vọng sẽ mang lại sự đột phá về thu nhập cho người dân Tây Bắc

Chăn nuôi đại gia súc trước đây được xem là lợi thế của nhiều tỉnh MNPB, nhưng thực tế nhiều năm qua lại sụt giảm rất mạnh, vì sao vậy thưa ông?

Đúng là trước đây, đại gia súc như trâu, bò số lượng rất lớn, nhưng mấy năm gần đây không riêng Sơn La mà nhiều tỉnh giảm mạnh. Cùng với chính sách giao đất, giao rừng, hầu hết đất vùng núi hiện đã có chủ. Sự thu hẹp diện tích đất trống và bãi chăn thả tự nhiên là nguyên nhân chính làm tụt giảm đàn đại gia súc. Vì thế, thay vì hướng phát triển chăn thả tự nhiên, chúng tôi đang tập trung mở rộng quy hoạch phát triển cho đàn bò sữa tại huyện Mộc Châu và một số vùng vệ tinh lân cận. Tỉnh đã có quy hoạch nâng đàn bò sữa từ khoảng 12 nghìn con hiện nay lên 20 nghìn con vào năm 2015.

Hầu hết diện tích tự nhiên là đồi núi, tiềm năng về rừng lớn, nhưng có vẻ không chỉ Sơn La mà nhiều tỉnh Tây Bắc vẫn chưa ghi được dấu ấn trong lĩnh vực lâm nghiệp, thưa ông?

Phát triển lâm nghiệp ở Sơn La nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung theo tôi Chính phủ nên có hẳn một chương trình và chính sách riêng mang tính đặc thù. Bởi phát triển rừng ở đây ngoài ý nghĩa kinh tế, còn đóng vai trò quyết định tới sự phát triển có tính sống còn của các công trình thủy điện lớn, đồng thời cũng là “mái nhà xanh” cho các tỉnh hạ du.

Về hướng đi cho lâm nghiệp, Sơn La đã xác định được 2 nhóm đối tượng chính, gồm phát triển rừng trồng gỗ lớn và tre gắn với NM chế biến, hai là nhóm cây dược liệu. Sơn La cũng đã có một NM SX các sản phẩm tre và gỗ, và thời gian tới sẽ có thêm nhiều DN khác đầu tư vào lĩnh vực này. Nếu được đầu tư xây dựng tốt vùng nguyên liệu bền vững, gắn với NM chế biến, đây sẽ là lĩnh vực hứa hẹn đem lại sinh kế và thu nhập cao cho người dân vùng núi.

Các tỉnh miền núi như Sơn La, liệu có khả năng nào cho việc phát  triển thủy sản không thưa ông?

Khéo nghiên cứu và tận dụng được tiềm năng, tôi nghĩ thủy sản vẫn có thể phát triển tốt ở một số vùng nước đặc thù ở các tỉnh miền núi. Sơn La có lợi thế khá lớn do có mặt nước của 2 hồ thủy điện Hòa Bình và Sơn La, với diện tích mặt nước thuộc địa bàn tỉnh lên tới trên 30 nghìn ha, trong đó, vùng mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình khoảng 790 ha hiện đã hình thành được cơ bản nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Ngoài việc phát triển nuôi thủy sản nước ngọt ở các lòng hồ, tỉnh cũng đang phối hợp với Tập đoàn Cá tầm Việt Nam nghiên cứu và triển khai chương trình nuôi cá tầm chuyên trứng ở các địa điểm thích hợp trên địa bàn tỉnh. Trước tháng 6/2013 này, UBND tỉnh sẽ phê duyệt quy hoạch về chương trình này để có cơ sở khẳng định về tiềm năng nuôi cá nước lạnh trong tỉnh. Nếu thực hiện bài bản, đây sẽ là hướng đi rất tốt, tận dụng được lợi thế đặc thù về thủy sản và có thể giúp người dân có thu nhập tốt.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Phía sau mặt cỏ xanh của Sân vận động Thiên Trường

Thiên Trường, sân nhà CLB Bóng đá Thép Xanh Nam Định gần đây được đánh giá có chất lượng mặt cỏ top đầu V-League, vậy điều gì đã làm nên màu xanh tươi mới này?

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm