| Hotline: 0983.970.780

Miền Tây, hàng độc

Thứ Tư 02/02/2011 , 08:19 (GMT+7)

Chẳng cần đi đâu xa, quanh quẩn nội thành Cần Thơ đã nghe dân sành ăn xướng tên những món ăn đặc sản cầu kỳ như cái đẳng cấp của lớp quyền quý, thượng lưu...

Đặc sản chim le le
Hai ba con cánh xám lẻ loi sà xuống cạnh bờ ao, ngơ ngác đảo mắt nhìn quanh. Dân nuôi cá cồn Ấu, một cù lao xanh mượt giữa sông Hậu, ngồi ngoài chòi im re nhìn vài con le le lạc đàn. Trời cuối năm vừa se lạnh, gió hiu hiu man mác, lũ chim trời phương Bắc nhịp nhàng đan cánh xếp theo hình mũi tên kéo về miền Hậu Giang mải miết. 

Chẳng cần đi đâu xa, quanh quẩn nội thành Cần Thơ đã nghe dân sành ăn xướng tên những món ăn đặc sản cầu kỳ như cái đẳng cấp của lớp quyền quý, thượng lưu, vốn thích thú những hàng độc quí hiếm, bổ dưỡng nhứt hạng, ví như le le. “Nuôi được rồi”, một vài người trong số họ nói và cũng chính họ bàn cách mua cho được mấy con le le sống để thưởng thức.

Muốn “mục sở thị” đàn le le phải vào Rạch Chùa, xã Thuận An, huyện Bình Minh (Vĩnh Long). Ẩn sau nhà vườn của ông Tám, nghe đâu có chuồng le le, nhưng tìm kiếm thì được biết từ dạo nào ông đã dời đi nơi khác cho an toàn. Người con rể ông có vẻ dè dặt khi tiếp người lạ. Tôi vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm. Phan Thành Ngôn, người nuôi le le nay đã thành ông chủ tóc râu tỉa tót gọn gàng. Tại căn nhà chính cao rộng dưới chân cầu Cái Vồn lớn, thị trấn huyện Bình Minh (Vĩnh Long), ông mở cửa hàng Phan Ngôn làm nơi giao dịch mua bán các loài đặc sản được nuôi ở trang trại rộng hơn 1ha.

Thời xưa người ta nói nuôi le le chẳng khác nào chàng khờ ra chợ mua vịt trời về. Nhưng nuôi le le thời nay có thể làm giàu. Một con 500-600gam, rao trên mạng 252.000đồng/con, nhưng đó là thế giới ảo. Tìm đúng chỗ, giá thật vô chừng đỗi, nhưng chưa bao giờ dưới 300-400 ngàn đồng/con. “Mai mốt mấy loài hoang dã này chắc tuyệt chủng hết”. Bất ngờ, người bạn già vốn lo xa của tôi nói. Nhưng tay nuôi le le ở Vĩnh Long không nghĩ vậy, nói “Hễ con nào bán được, giá đắt đỏ thì thế nào cũng có người tìm cách gầy giống nuôi cho bằng được. Từ le le, kỳ đà, rắn, lươn... cho tới cả chuột đồng, bổ củi…thứ nào cũng nuôi, cứ đến nhà hàng đặc sản chốn miền Tây này thử gọi mà xem, có liền".

Phan Thành Ngôn tự nhận mình là dân miệt đồng chính hiệu. Chuyện nuôi le le khởi sự tình cờ và phải mất mười mấy năm tới giờ mới thành thạo. Để hiểu được le le, nuôi chúng sống khỏe, không bệnh, gầy giống tốt và đặc biệt có cách giữ le le không bay mà không cần cắt bớt lông cánh là việc không đơn giản. Nhưng ông chẳng chia sẻ cho ai bí quyết này. Đó là kĩ nghệ ông sẽ mang theo có lẽ...về thế giới bên kia.

Thực ra nuôi le le không còn là món độc ở Vĩnh Long. Cà Mau đã nuôi và mua bán le le từ mấy năm trước. Ở Tịnh Biên (An Giang) một đại tá về hưu nuôi nhím, le le, ba ba, rắn hổ đất…tự ông nhân giống và khác Phan Thành Ngôn ở chỗ ông đã chia sẻ kinh nghiệm cho bạn bè, bà con tường tận, không giấu dù chỉ một kiến thức nhỏ. Thế giới động vật hoang dã như bức màn lần lượt được vén lên. Ông Năm Minh nổi tiếng nuôi rắn ri voi bên Thạnh Phú, Sóc Trăng nói “Ai cần nuôi, tui chỉ cách nuôi thương phẩm, bán con giống luôn. Vì bán con giống mà hổng chỉ cách cho người ta nuôi được thì ai mua?". Ờ cũng là cái lý hay.

Cái triết lý của việc làm ăn là vậy, nhưng sâu thẳm của chuyện là chia nhau xây dựng những khu bảo tồn tính đa dạng giống loài và biến chúng thành nguồn lợi thương mại theo ý muốn của con người. Ông Sáu Ngoãn, người nuôi tôm ở Bạc Liêu giành được chứng nhận của Cục Sở hữu trí tuệ về nuôi tôm sạch, nói: “Tánh tui hay tào lao. Ai hỏi gì tôi biết là chỉ ráo, chỉ cho dân mình làm ăn cho đúng, làm giàu. Hồi xưa, một mình tui cho tôm sú ăn ốc bươu vàng (OBV), giá rẻ như bèo. Tui biết khi nhiều người mua về làm như mình thì giá sẽ lên cao, nhưng ít nhất thì cũng trừ được họa OBV phá lúa, giảm được giá thành. Người ta sống được sẽ nhớ Sáu Ngoãn”. Ờ lại một cái lý hay. 

*** 

Hương đồng cỏ nội, càng quý hiếm càng được giá. Nghe đâu loài sâm cầm có bà con họ hàng với le le. Vào mùa hè ăn sâm bên Tàu, mùa thu về uống nước Hồ Tây. Thịt của loài chim này nhờ đó mà bổ dưỡng như sâm nên được chọn là món ngon của bậc vua chúa. Thời xa xưa, ở làng Nghi Tàm (Hà Nội) mỗi năm có lệ người dân phải tìm bắt ba kỳ, mỗi kỳ hai đôi chim tiến vua. Mãi tới triều Nguyễn ở Huế vẫn còn giữ lệ này và đến thời Tự Đức mới thôi.

“Thương chồng nấu cháo le le

Nấu canh bông bí nấu chè hạt sen”

Một món ăn “đại bổ kỳ cùng” để phục hồi sức khỏe, tăng cường sinh lực nên một dạo người ta đổ xô săn lùng, bẫy sập loài vật này trong tự nhiên. Nhu cầu hưởng thụ hàng độc càng cao, bao món ngon vật lạ trên đời này khiến giới thượng lưu tìm cách hưởng thụ, thì cũng là lúc có bấy nhiêu người xem đó là cơ hội? Miền Tây khoảng 10 năm trở lại đây xếp thành danh mục những cây con gì có thể nuôi trồng, nhân giống. Từ con hiền như lươn, ba ba, cua đinh, rùa tới loài cực độc như rắn hổ, thậm chí cả chuột đồng…cũng phải nuôi mới đủ cho thượng khách xài.

Ở ấp Thới Trung, xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ Cần Thơ - xứ sở đất lúa và chuột đồng có một số người đã xây chuồng nuôi chuột bán. Mỗi chuồng hơn năm sáu ngàn con chuột. Cứ một cặp chuột sinh sản theo cấp số nhân thì mỗi năm có tới 870 con, cháu, chít, chắt. Khi lúa chín vừa gặt, mùa giậm cù đã qua thì chuột cơm nhà hàng và chuột nuôi nhốt cũng như nhau, chẳng ai phân biệt được. Giá chuột ngoài chợ gần Tết luôn ổn định 35.000đ/kg. Mấy quán nhậu, nhà hàng đặc sản miền Tây tranh nhau mua.

Thế nhưng có ai đó lo xa nói “Nếu đàn chuột này xổng chuồng thì mấy quán nhậu có gánh nổi không?". Sẽ không ai nghĩ tới điều đó khi họ tít mắt nhấm nháp món chuột cơm xối mỡ...

***

Những nông dân làm ra hàng độc không nhiều lắm! Khác với lớp nông dân từng tạo ra những mặt hàng nông-thủy sản biến Việt Nam thành cường quốc lúa gạo, cá, hồ tiêu...Chỉ một góc trời miền Tây, chỉ hai ba mặt hàng lúa, tôm sú, cá tra...cũng đủ làm cả thế giới ngả mũ nhưng cũng từ đó mà bị bầm giập trước những rào cản liên hồi.

Ông bạn già của tôi vốn là một gã rất cao ngạo nói "Thế giới cứ nói rõ họ cần ăn món gì, đặt hàng đi người Việt sẽ làm cho họ hài lòng”. Tôi đồng ý điểm này nhưng phải nói rằng sản xuất thì được, còn phòng vệ thương mại thì...đến bao giờ mình mới không còn thụ động, è lưng chống đỡ?

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cần Thơ điều chỉnh, ban hành lại quy chế họp báo gây tranh cãi

Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ sẽ tham mưu UBND thành phố tiếp tục điều chỉnh một số nội dung trong quy chế họp báo và ban hành lại cho phù hợp.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm