| Hotline: 0983.970.780

Miền Tây mùa nước nổi

Thứ Hai 12/11/2012 , 10:21 (GMT+7)

Năm nay, lũ gần như không về. Nông dân buồn, những cánh đồng vắng bóng thuyền chài.

Miền Tây, vùng đất được thiên nhiên cực kỳ ưu đãi với thời tiết, khí hậu ôn hòa, mỗi năm lũ về, không chỉ đầy ắp cá tôm mà còn bồi đắp cho đất một lớp phù sa dày, biến những cánh đồng “cò bay rã cánh” thành vựa lúa.

Ấy vậy mà, phần lớn người dân ở vùng đất trù phú này vẫn nghèo, thậm chí, nhiều nơi nước sạch vẫn chưa có để dùng!

NHỮNG CÁNH ĐỒNG VẮNG

Mỗi năm, từ giữa tháng 7 đến hết tháng 10 âm lịch, dòng nước màu gạch cua từ thượng nguồn sông Mêkông lại cuồn cuộn đổ về ĐBSCL. Những lúc ấy, ngư dân hoan hỉ đón cá, tôm, rắn, chuột… tràn về theo con nước. Nhưng năm nay, lũ gần như không về. Nông dân buồn, những cánh đồng vắng bóng thuyền chài.

GIÀN ĐÁY VẮNG CHỦ

Tôi dự định mùa nước nổi này về miền Tây để được tham gia, tận mắt thấy niềm vui lấp lánh trong ánh mắt người nông dân mùa lũ bội thu tôm cá. Nhưng, trước khi đi 2 ngày, anh Nguyễn Văn Khương, cán bộ thủy sản xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, An Giang gọi cho tôi bảo: “Năm nay “bèo” lắm! Lũ thấp hơn năm ngoái cả mét mấy, bây giờ bắt đầu giụt rồi. Không có gì hay để viết đâu, anh dừng về mất công”.

Vậy nhưng, tôi vẫn quyết định đi. Đi để xem nông dân vùng lũ không có lũ mưu sinh thế nào.

Gần 1 ngày rong ruổi qua 4 tỉnh miền Tây, khi ánh nắng ngả vàng, tôi mới đến huyện biên giới An Phú, một trong những nơi đầu tiên đón con lũ từ Campuchia đổ về. Những cánh đồng rộng mênh mông, nhưng nước chỉ ngang bụng người, nhiều chỗ chưa ngập hết gốc rạ. Chính vì thế, lâu lâu mới thấy một người dân lúi húi bên giàn dớn bắt cá.

Dẫn tôi đi dọc theo bờ đê sông Phú Hội (xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang) cả chục cây số, anh Trần Văn Huệ, một thợ đáy đang “thất nghiệp” vì không có cá, nói: “Đoạn sông thuộc xã Phú Hội này có 9 giàn đáy nhưng chỉ có 1-2 giàn phía trên đón đầu là còn kiếm ăn được, chứ phía dưới này là thua. Cá không chạy nên mấy chủ đáy chẳng thèm ngó ngàng”.


Những giàn đáy vắng chủ (ảnh chụp trên sông Phú Hội, An Phú, An Giang)

Anh Huệ dẫn tôi đến một căn chòi nằm sát mép nước sông. Ở đó có một nhóm đàn ông trung niên đang người nằm kẻ ngồi, nét mặt vô hồn, chán nản. Anh Huệ nói: “Đây là nhóm thợ đáy chung với tui, vì không có cá nên chẳng có việc làm. Anh em tui ở đây đều không có ruộng, chỉ trông vào con nước, nếu Bà Cậu không cho coi như chúng tôi đói”.

Hỏi thăm mãi tôi mới gặp được anh Lê Minh Hùng, chủ giàn đáy thứ hai trên sông Phú Hội. Do đáy không có cá nên anh bỏ vào xóm lai rai từ trưa. “Cá không chạy, ở ngoải (ngoài đó - PV) làm gì cho buồn thêm. Giàn đáy này tôi bỏ thầu 30 triệu, đến giờ mới thu được hơn 1 nửa. Năm ngoái tôi thu cả tấn cá linh/ngày, năm nay nước thấp quá, cá không chạy, sản lượng chỉ bằng 1/3. Nếu hên thì thu đủ tiền thầu, lỗ tiền thuê nhân công”, anh Hùng rầu rĩ nói.

Theo những lão ngư ở Phú Hội, năm nào nước lớn, lượng cá về nhiều, những giàn đáy trên đầu nguồn chặn không xuể, nên tràn xuống đáy phía sau, đổ vào đồng. Ai cũng có phần. Ngược lại, năm nào nước về ít, lượng cá cũng không nhiều, mấy giàn đáy phía đầu nguồn hứng hết.

NÔNG DÂN BUỒN RẦU

Ở xã Vĩnh Hội Đông, sát bên Phú Hội, tình trạng cũng không hơn gì, mặc dù xã này có ngã ba sông Dung Thăng, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, đầu nguồn cá về. Có giàn “đáy nhất” nghe nói giá thuê tới 600 triệu đồng/mùa.

Từ đáy nhất xuôi về hạ lưu, cứ vài trăm mét lại có một giàn đáy, giá bỏ thầu thấp dần theo sản lượng cá thu hoạch. Tôi chạy xe từ từ, nhưng nhìn “đỏ mắt” cũng không thấy người trên đáy. Trung bình, mỗi giàn đáy có từ 7-10 người. Và, nếu chủ đáy không có ăn thì thợ cũng “đói” lây.


Đáy chạy cả ngày chỉ được vài ký cá linh

Anh Năm Rưng, năm nay 42 tuổi, ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, tâm sự: “Vợ chồng tôi không có ruộng nên quanh năm chỉ đi làm thuê lo cho 2 đứa nhỏ đi học. Mong mùa lũ về nhiều để kiếm kha khá. Nhưng giờ thì thất vọng rồi. Anh thấy đấy, vùng biên giới này dân nghèo nhiều lắm. Ruộng không phải ai cũng có, nên đám thanh niên trẻ lên thành phố tìm việc hết. Còn như tụi tui, lớn tuổi, có gia đình nên phải ở lại đi làm thuê cho chủ đáy. Thu nhập thấp nhưng cũng có để trang trải”.

Anh Rưng cho biết, cơm nước chủ đáy lo, nếu đáy trúng thì một nhân công được chủ trả từ 60 - 100 ngàn/ngày. “Làm đáy dầm mưa dãi nắng, vất vả lắm, phải canh đổ tối ngày sáng đêm, ngưng lâu cá vào đáy nhiều, chết hết. Nhưng đổi lại có được việc làm gần nhà, đỡ hơn phải đi tha phương sống lây lất. Nhiều người sau thời gian lên Bình Dương làm không đủ sống, cuối cùng cũng phải khăn gói về quê”, anh Rưng nói.

Một thực tế cho thấy, những năm gần đây, cá tự nhiên ở miền Tây không ngừng suy giảm do con người ra sức đánh bắt, khai thác kiểu tận diệt bằng đủ thứ phương tiện, từ đóng đáy, chặn đăng, đặt dớn (một loại lưới mắt dày), kéo lưới, kéo vó, quăng chài... Thậm chí bây giờ họ tận diệt ngay từ đầu nguồn khi sang Campuchia thuê mặt nước đặt đáy, dớn đánh bắt thì bảo sao không cạn kiệt.


Những loại lưới dày như thế này mà quét thì không con gì, dù nhỏ, thoát được

"Vừa rồi chính quyền địa phương đã phải đem hàng tấn cá phóng sinh để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, chúng tôi kết hợp với đồn Biên phòng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đánh bắt nguồn lợi thủy sản của người dân. Nếu phát hiện ai dùng các phương pháp đánh bắt kiểu tận diệt như cào điện, dớn… tận thu cả những loại cá con, chúng tôi sẽ tịch thu phương tiện và phạt nặng, cấm đánh bắt", ông Nguyễn Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Hội Đông.

"Mấy chục năm trước, mùa lũ về cá linh nhiều đến nỗi bơi xuồng nửa tiếng trên sông thôi cá đã nhảy lưng xuồng rồi. Thời Pháp thuộc, nhiều người còn nấu cá linh để lấy mỡ thắp đèn. Vậy mà bây giờ, hứng đáy cả đêm mới được vài chục, trăm ký cá”, ông Sáu Nghệ, năm nay đã ngoài 80 tuổi, từng là một lão ngư gắn bó cả đời với chiếc ghe lênh đênh trên dòng sông này, nhớ lại.

“Việc đắp đê bao cấy lúa hai, ba vụ cũng ảnh hưởng đến việc phát triển của cá, bức xúc nhất là tình trạng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng đã làm ô nhiễm nguồn nước khiến cho cá linh ngày càng giảm đi nhiều. Chính vì cá linh khan hiếm, cá linh “lên đời” nên nhiều bà con ngư dân phải thuê mặt nước đánh bắt bằng đú, nhưng sản lượng mỗi năm mỗi giảm.

Một mai, khi loài người tiếp tục đắp đập ngăn sông, tiếp tục phát triển công nghiệp không đồng bộ của một số nước trong vùng, dẫn đến việc phá hoại cuộc sống bình yên của các loài thủy sản trên dòng Mêkông huyền thoại, nhất là việc sử dụng hóa chất bừa bãi trên đồng ruộng hoặc đánh bắt theo kiểu tận diệt, chắc chắn các dòng sông sẽ trở nên hiu hắt, họ hàng nhà cá linh sẽ bỏ xứ ra đi hoặc chết dần chết mòn trong vòng tay hủy diệt của con người. Chúng ta cũng sẽ mất đi một nguồn lợi quý báu do thiên nhiên ban tặng, người miền Tây sẽ không còn tận hưởng thứ hương vị đậm đà, mang dấu ấn văn hóa của một vùng sông nước Cửu Long”, ông Nghệ nói tiếp.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất