| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung: ĐX khó khăn chồng chất

Thứ Sáu 10/12/2010 , 09:41 (GMT+7)

Đồng ruộng bị bồi lấp, kênh mương bị xói lở, cuốn trôi... Nguy cơ chậm trễ thời vụ đang hiển hiện trước mắt.

Hệ thống kênh mương tại các tỉnh miền Trung bị hư hỏng nặng nề cần sửa chữa gấp mới đảm bảo nước tưới vụ ĐX

Trong khi các tỉnh miền Bắc, vụ xuân tới đang có nguy cơ hạn hán nghiêm trọng thì tại các tỉnh miền Trung thời điểm này nước lũ vẫn ngập trắng đồng, mà lịch thời vụ xuống giống đã cận kề. Đồng ruộng bị bồi lấp, kênh mương bị xói lở, cuốn trôi... Nguy cơ chậm trễ thời vụ đang hiển hiện trước mắt.

Theo kinh nghiệm, sau 23/10 âm lịch hàng năm tại các tỉnh miền Trung mưa lũ sẽ kết thúc. Thế nhưng năm nay đã bước sang tháng 11 âm lịch mà tình hình mưa lũ vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Theo lịch thời vụ, ngày 20/12 (dương lịch) tại các tỉnh miền Trung sẽ bắt đầu xuống giống, nhưng mưa lũ kéo dài từ cuối tháng 11 đến nay đã làm nhiều vùng trũng thấp trong vùng tiếp tục bị ngập nước.

Tỉnh Phú Yên, theo kế hoạch vụ ĐX xuống giống khoảng 25.000ha lúa, thời gian gieo sạ bắt đầu từ 20/12. Lo lắng nhất của địa phương này là hàng loạt công trình thuỷ lợi của Phú Yên vẫn đang chìm trong nước. Việc khôi phục tạm thời hay kiên cố đều không thể thực hiện được trong ngày một ngày hai được. Huyện Tuy An là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, ngoài 44 công trình kênh mương, đập bị bồi lấp, phá vỡ, huyện cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu đất sản xuất vì các cánh đồng ven sông, suối bị đất đá, rác rưởi bồi lấp.

Ông Nguyễn Vũ Hành, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Tuy An cho biết: Trước tình hình mưa lũ kéo dài khiến công tác chuẩn bị xuống giống theo lịch thời vụ có nguy cơ bị chậm nên chúng tôi phải thực hiện phương án nước rút đến đâu, huy động nguồn lực khẩn trương vệ sinh đồng ruộng đến đó để có thể sản xuất được trong thời gian sớm nhất. Ông Nguyễn Hữu Pháp, xã Hoà Thịnh, huyện Tây Hoà nói: Giống chúng tôi tự cân đối được nhưng nan giải nhất là do nhiều vùng bị ngập nước nên việc khôi phục hệ thống kênh mương rất khó khăn, chắc chắn không kịp lịch xuống giống.

Theo ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN- PTNT Phú Yên: Hai việc hết sức cần thiết cho công tác xuống giống vụ ĐX hiện nay là các địa phương quản lý các công trình thuỷ lợi nhỏ tập trung khắc phục và nạo vét các công trình hết sức khẩn trương theo tiến độ rút nước. Mặc khác Cty TNHH MTV Thuỷ nông Đồng Cam khẩn trương khắc phục hệ thống kênh mương bị hư hỏng để đảm bảo nước tưới cho hơn 19.000 ha do Cty này quản lý.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi mưa lũ cũng khiến cho các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng nặng nề. Ông Nguyễn Nhung, Giám đốc Cty TNHH MTV KTCTTL Quảng Ngãi cho biết: Mưa lũ đã khiến 211 hạng mục công trình thuỷ lợi bị hư hỏng với khối lượng đất bị sạt lở bồi lấp lên tới 270.000m3, khối lượng đá, bê tông bị cuốn trôi 2.000m3, tổng thiệt hại lên tới gần 11 tỷ đồng. Trong đó hệ thống công trình thuỷ lợi Thạch Nham tưới cho 18.000ha lúa, mưa lũ đã làm cho 23 điểm kênh chính Nam và kênh chính Bắc bị sạt lở với khối lượng hàng chục ngàn m3, ngoài ra hầu hết các tuyến kênh cấp I và II cũng bị sạt lở nghiêm trọng cần sửa chữa gấp đảm bảo ngày 10/12 các tuyến kênh này có thể thông nước.

Hiện nay cả nước chỉ có hai đơn vị sản xuất hạt giống bông lai F1, tuy nhiên do mưa lũ kéo dài nên thời vụ xuống giống đã chậm từ 1 – 2 tháng so với mọi năm. Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông- PTNN Nha Hố cho hay: Kế hoạch sản xuất 15ha bông giống F1 để cung ứng cho ngành bông, tuy nhiên hiện chúng tôi mới xuống giống đợt đầu 7ha, đến nay diện tích bông này đang giai đoạn lai nhưng mưa liên tục khiến cho quả bị hỏng rất nhiều, trong khi đó diện tích giống này dự kiến sẽ cung cấp cho các tỉnh miền núi phía Bắc gieo trồng vào tháng 5 tới.

Ông Nhung cho biết: Để đảm bảo có nước tưới cho người dân sản xuất ngay sau khi lũ rút, từ giữa tháng 11 chúng tôi đã tiến hành sửa chữa nạo vét đất đá bồi lấp trên các tuyến kênh. Tuy nhiên, chúng tôi sửa chữa xong thì mưa lũ lại ập về đất đá lại tiếp tục bồi lấp.

Còn tại Ninh Thuận, mặc dù các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng nặng nề với hàng vạn m3 đất đá bị bồi lấp sạt lở, đặc biệt là các hệ thống kênh Nam và kênh Bắc, hệ thống đa Nhim – Lâm Cấm nhưng Cty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận đã nỗ lực khắc phục, đến nay tất cả các tuyến kênh đều có thể thông nước tạm thời phục vụ cung cấp nước cho lúa vụ ĐX tới.

Ông Nguyễn Tin, Trưởng phòng NN, Sở NN- PTNT Ninh Thuận cho biết: Khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp vụ ĐX tới là giống, do trận lũ vừa qua đã dìm toàn bộ diện tích lúa giống của các HTX sản xuất phục vụ vụ ĐX đều không đảm bảo chất lượng cho sản xuất. Với diện tích lúa trong vụ ĐX toàn tỉnh khoảng 13.800ha thì nhu cầu giống của Ninh Thuận cần khoảng 700 tấn giống, tuy nhiên theo ông Tin hiện các doanh nghiệp giống trên địa bàn cũng chỉ đáp ứng được 600 tấn, số lượng giống còn lại vẫn chưa tìm đâu ra đó là chưa kể đến gần 4.000ha rau màu vụ ĐX tới, người nông dân cũng rất cần được hỗ trợ giống.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.