| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung gồng mình chống hạn

Thứ Năm 11/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Tại Trung bộ mùa khô sẽ kéo dài ít nhất đến hết tháng 8/2015 (hết vụ HT) nên hạn hán có khả năng xảy ra ở các tỉnh đang có dung tích trữ hồ chứa thấp, dòng chảy sông, suối cạn kiệt...

Hạn hán, thiếu nước vụ HT 2015 được dự báo sẽ xảy ra gay gắt ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị và nguy cơ xảy ra tại các địa phương khác ở khu vực Trung bộ nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài.

Giải pháp phòng chống hạn đã được các địa phương xây dựng chi tiết và triển khai quyết liệt. PV NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tỉnh (ảnh), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) về vấn đề này.

15-47-11_imge00259

Hạn vẫn tiếp diễn

Hiện các địa phương khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ đã thu hoạch xong lúa ĐX và đang gieo trồng vụ HT 2015. Vậy, tình hình nước tưới ở thời điểm này ra sao, thưa ông?

Như chúng tôi đã thông tin từ trước đó, tại Trung bộ mùa khô sẽ kéo dài ít nhất đến hết tháng 8/2015 (hết vụ HT) nên hạn hán có khả năng xảy ra ở các tỉnh đang có dung tích trữ hồ chứa thấp, dòng chảy sông, suối cạn kiệt như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận và Quảng Trị.

Các tỉnh, thành phố khác có lượng nước trữ tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện tương khá, bảo đảm cung cấp đủ nước cho toàn bộ diện tích cây trồng vụ hè thu 2015. Tuy nhiên, dung tích trữ tại các hồ chứa đang suy giảm nhanh do ảnh hưởng của nắng nóng (bốc hơi và yêu cầu dùng nước tăng), nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, lượng mưa thấp sẽ có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở nhiều địa phương, nhất là các khu tưới do các công trình thủy lợi nhỏ phụ trách và ngoài vùng công trình thủy lợi. Tại khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, vụ HT đang trong mùa mưa nên ít có khả năng bị thiếu nước, trừ trường hợp mưa thiếu hụt nhiều.

Ninh Thuận là địa phương chịu đang phải hứng chịu những tác động mạnh mẽ nhất của hạn hán. Vậy Tổng cục Thủy lợi đã chỉ đạo, điều hành công tác cấp nước và phòng chống ra sao?

Toàn tỉnh có 2 khu tưới chính là khu tưới do các đập dâng trên sông Cái Phan Rang phụ trách (thuộc các hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm và Sông Pha), được bổ sung nước từ hồ chứa thủy điện Đơn Dương (thuộc tỉnh Lâm Đồng) và khu tưới do các hồ chứa thủy lợi phụ trách.

Để bảo đảm việc cấp nước phục vụ SX nông nghiệp, kế hoạch gieo trồng đã được địa phương dự kiến theo khả năng cân đối nguồn nước. Tổng diện tích được cấp đủ nước gieo trồng vụ HT 2015 dự kiến là 16.179 ha (gồm lúa 10.930 ha và các cây trồng cạn khác), diện tích phải dừng SX là 10.000 ha (chiếm 39% tổng diện tích gieo trồng trong điều kiện đủ nước tưới).

Diện tích gieo trồng lúa theo kế hoạch trên (10.930 ha) chủ yếu do các hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm và Sông Pha cung cấp nước. Ngoài ra, sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người và nước uống cho gia súc ở các khu vực xa nguồn nước.

Lịch điều tiết cụ thể bổ sung nguồn nước cho hạ du của hồ chứa thủy điện Đơn Dương từ tháng 6/2015 đã được Sở NN-PTNT Ninh Thuận thống nhất dựa trên cơ sở nguyên tắc đã được thống nhất giữa Tổng cục Thủy lợi, Tập đoàn Điện lực VN và Sở NN-PTNT Ninh Thuận.

Hình ảnh những đàn cừu, bò... đang gặm cỏ khô trên những cánh đồng bạc trắng vì khô hạn kéo dài; người dân chia nhau từng ca nước không còn xa lạ nữa. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phân công cụ thể các đơn vị chịu trách nhiệm hỗ trợ vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân; sử dụng nước tiết kiệm, ưu tiên dành nước cho sinh hoạt, gia súc và các cây trồng lâu năm.

Tháng 3/2015, Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 300 tấn gạo cứu đói và 40 tỷ đồng cho tỉnh Ninh thuận để mua, vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân, thức ăn cho gia súc, đào ao, giếng, chuyển đổi cây trồng cho các hộ nghèo, hộ khó khăn và gia đình chính sách. Và đến nay, số tiền và gạo này đã được tỉnh Ninh Thuận phân bổ về các địa phương.

Chuyển đổi cây trồng

Còn các địa phương khác như Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị… thì sao, thưa ông?

Tôi được biết, tổng diện tích gieo trồng vụ HT của tỉnh Bình Thuận trong điều kiện bình thường khoảng 47.000 ha (riêng diện tích lúa là 33.000 ha). Trong đó, diện tích có thể bổ sung nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện lưu vực sông La Ngà - Lũy khoảng 35.000 ha, diện tích còn lại chủ yếu thuộc khu tưới của các hồ chứa thủy lợi.

Theo kế hoạch SX vụ HT 2015, toàn tỉnh có khoảng 21.000 ha không đủ nước để SX (chiếm 45% diện tích canh tác trong điều kiện đủ nước tưới); trong đó, diện tích thuộc vùng được bổ sung nước từ các hồ chứa thủy điện khoảng 15.000 ha.

Để bảo đảm việc cấp nước, Sở NN-PTNT Bình Thuận đã thống nhất cụ thể lịch điều tiết bổ sung nguồn nước cho hạ du của hồ chứa thủy điện Đại Ninh, Hàm Thuận - Đa Mi từ tháng 6/2015.

Tại Lâm Đồng và khu vực phía nam Bình Thuận đã xuất hiện mưa (lượng mưa nhỏ) nên dòng chảy đến các hồ chứa thủy điện Đại Ninh, Hàm Thuận - Đa Mi đang được cải thiện, sẽ tăng lượng nước bổ sung cho hạ du.

Còn tại Khánh Hòa, trong điều kiện bình thường, diện tích canh tác của toàn tỉnh khoảng 44.000 ha (riêng lúa là 18.000 ha). Nguồn nước tưới chủ yếu từ các hồ chứa thủy lợi và từ các sông, suối nội địa, không được bổ sung từ các lưu vực khác.

Theo tính toán của địa phương này, trong vụ HT 2015, có khoảng 10.500 ha đất trồng lúa (chiếm khoảng 1/4 diện tích gieo trồng trong điều kiện đủ nước tưới) phải bỏ không canh tác và 1.400 ha chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây trồng cạn.

14-52-06-nng-hn-keo-di-khien-nhieu-ho-dp-khnh-ho-gio-tro-dy160739538
Nhiều hồ đập ở Khánh Hòa đã cạn kiệt

Hiện địa phương đang tranh thủ gieo cấy những khu vực nguồn nước bảo đảm, đồng thời thực hiện quyết liệt các giải pháp chống hạn, sẽ mở rộng diện tích gieo trồng nếu nguồn nước được cải thiện.

“Giải pháp phòng, chống hạn hán đang được các địa phương triển khai quyết liệt trong vụ HT 2015, trong đó ưu tiên bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước, quản lý chặt chẽ không để gieo trồng ngoài kế hoạch ở những khu vực nguồn nước không bảo đảm.
Đồng thời, tiếp tục triển khai nạo vét kênh mương, đào ao, giếng, khơi thông dòng chảy, đắp đập tạm giữ nước, lắp đặt máy bơm dã chiến, tăng cường sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (nông - lộ -phơi cho lúa; phun mưa, nhỏ giọt cho cây trồng cạn)… và ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc và nước tưới cho các cây công nghiệp dài ngày khi hạn hán xảy ra”, ông Nguyễn Văn Tỉnh.

Đối với Quảng Trị, diện tích chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn (đậu xanh, lạc, ngô...) là 2.600 ha. Ngoài ra, diện tích không đủ nước để canh tác khoảng 2.300 ha. Tổng diện tích trồng lúa HT 2015 của toàn tỉnh dự kiến khoảng 17.000 ha, trong đó, có khoảng 7.000 ha được bổ sung nguồn nước từ hồ chứa thủy lợi - thủy điện Quảng Trị (thuộc khu tưới của hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn), diện tích còn lại chủ yếu do các hồ chứa thủy lợi cung cấp nước.

Lịch điều tiết hồ chứa thủy lợi - thủy điện Quảng Trị đã được Sở NN-PTNT Quảng Trị thống nhất với đơn vị vận hành hồ chứa thủy điện.

Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ

Trước tình hình xâm nhập mặn và hạn hán xảy ra trên diện rộng trong vụ ĐX 2014 - 2015, xét đề nghị của Bộ NN-PTNT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 19/5/2015 về việc hỗ trợ cho 36 địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để khắc phục hậu quả. Đến nay, công tác giải ngân được tiến hành đến đâu?

Theo thông tin mới nhất tôi cập nhật được, hiện tại Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ 532 tỷ đồng và 13.065 tấn gạo cho các địa phương trong vụ đông xuân. Chúng tôi đang phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương rà soát, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục hỗ trợ cho các địa phương khác.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt cần phải đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình thủy lợi phục vụ chống hạn. Trong đó, có dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) là công trình có vai trò rất quan trọng, sẽ được triển khai thực hiện và hoàn thành vào mùa khô 2016 - 2017 để chống hạn cho Ninh Thuận.

Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để làm việc với Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng châu Á và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ các tỉnh khô hạn vùng Nam Trung bộ trong việc chống hạn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.