| Hotline: 0983.970.780

Miền Trung - Sau nước lũ, đến… nước mắt

Thứ Năm 17/11/2011 , 10:35 (GMT+7)

Thay vào màu xanh mơn mởn của vựa hoa và rau lớn của tỉnh TT- Huế, xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) giờ chỉ là một màu đục ngầu lấp xấp của nước lũ...

TT-Huế: Tan nát đồng hoa

Nỗ lực bơm tháo úng cứu những luống hoa nhỏ nhoi còn sót lại sau mưa lũ ở xã Phú Mậu

Thay vào màu xanh mơn mởn của vựa hoa và rau lớn của tỉnh TT- Huế, xã Phú Mậu (huyện Phú Vang) giờ chỉ là một màu đục ngầu lấp xấp của nước lũ vừa mới rút và những cánh đồng hoa hoang hoải một nỗi lo mất trắng của người nông dân. Chưa năm nào người trồng hoa, rau màu ở đây lại rơi vào cảnh khốn đốn như năm nay…

Mất trắng sau lũ

Những năm trước, vào giai đoạn này, bà con nông dân các thôn Tiên Nộn, Mậu Tài, Vọng Trì của xã Phú Mậu đã ra đồng hoa chăm sóc những cây hoa cúc, lay ơn, địa lan…, để chuẩn bị bán trong dịp Tết cổ truyền. Hôm nay, tranh thủ nước lũ rút, họ cũng ra đồng hoa nhưng lại thu dọn “bãi chiến trường” do mưa lũ để lại.

Nghề trồng hoa ở Phú Mậu vốn nức tiếng từ trước giải phóng. Với địa thế nằm cuối các nguồn sông, đây là vùng đất được phù sa bồi đắp. Những năm gần đây, làng hoa Phú Mậu trở thành vùng chuyên canh các loại hoa đẹp được người dân đầu tư mua giống từ Đà Lạt, Hà Nội.

Qua hai trận lũ, làng hoa giờ chỉ còn lại những luống đất nhầu nhĩ, người dân không buồn cày xới. Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết: “Trong trận lũ tháng 10, gần 5ha hoa các loại đã bị lũ nhấn chìm. Bà con vừa đầu tư trồng mới trở lại khoảng 10 ha hoa đón Tết cũng bị lũ nhấn chìm nốt, thiệt hại lên tới tiền tỷ. Chưa năm nào người trồng hoa thất bát như năm nay”.

Có mặt tại cánh đồng hoa thôn Tiên Nộn, ông Dương Tấn Châu, một người trồng hoa, buồn than: “9.000 cây cúc, lay ơn của tui trồng chưa được nửa tháng đã đầu tư hơn 4 triệu đồng. Hôm rồi nước lũ lên, sáng ra nước rút nhưng không ai ngờ hôm sau nước lên trở lại, không trở tay kịp. 9.000 gốc hoa của tui chỉ sau một đêm biến thành bùn đất. 40 năm trồng hoa không có khi nào tui gặp cảnh như ri”.

Ở Phú Mậu có những hộ gia đình trồng 15- 20.000 gốc hoa, chỉ sau trận lũ chết cơ bản 100% như các trường hợp ông Nguyễn Mưng (thôn Vọng Trì), Lê Văn Cư (thôn Tiện Nộn). Việc mất trắng cánh đồng hoa sau lũ đã đẩy nhiều hộ nông dân vào tình cảnh khó khăn, không có kinh phí tái sản xuất sau lũ.

Theo tính toán của người trồng hoa, cứ một sào cúc họ đầu tư khoảng hơn 2 triệu đồng tiền giống, phân bón, tiền cày ải đất. Chưa kể tiền điện thắp sáng, chi phí chẻ chông đỡ hoa, công cán và thuốc xịt phòng ngừa sâu bệnh. Đến dịp Tết, hoa bán với giá từ 3-5 nghìn đồng/cây, mỗi sào thu được gần 300 triệu đồng. Chỉ sau trận lũ, mỗi người trồng hoa mất vài trăm triệu khiến khó khăn chồng chất khó khăn.

Nỗ lực cứu hoa

Phú Mậu có 2.339 hộ dân, trong đó ½ số hộ trong toàn xã lấy nghề trồng hoa là thu nhập chính. Từ sáng 9/11, sau khi nước lũ bắt đầu rút, bà con nông dân trồng hoa ở Phú Mậu đã huy động mọi nhân công trong gia đình ra dùng xô tưới, bình xịt “rửa” hoa, mong cứu được những gốc còn sót lại sau mưa lũ.

Không chỉ đồng hoa mất trắng, 71 ha diện tích rau màu của xã Phú Mậu cũng bị chìm trong nước lũ, thiệt hại cả tỷ đồng. Lũ chồng lên lũ đã đẩy hàng nghìn hộ dân vào cảnh khó khăn chưa từng thấy.

Tại cánh đồng hoa làng Tiên Nộn, khuôn mặt phờ phạc vì thức trắng đêm, ông Nguyễn Tín (thôn Vọng Trì) cho biết: “Từ hôm nước rút đến nay, mặc dù đã tích cực dùng bình xịt rửa hoa và bơm nước tiêu úng thế nhưng số diện tích gốc hoa còn sống rất ít. Bà con phải đi dặm lại từng gốc hoa. Cặm cụi từ hôm qua đến giờ, gia đình tui mới cứu được chừng 2.000 cây, còn hơn 9.000 cây phần thì chết, phần thì trôi theo mưa lũ”.

Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho hay: “Mặc dù số diện tích trồng hoa trên địa bàn xã trong những năm qua đã được đắp đất lên cao, phòng ngập úng do mưa lũ, nhưng năm nay do lũ dồn đập, các hồ thủy điện và thủy lợi đồng loạt xả lũ nên toàn bộ diện tích trồng hoa đều bị ngập. Nhiều khu vực trồng hoa chuyên canh, tập trung mất trắng 100%. Hiện bà con nông dân đang rất cần những giống hoa ngắn ngày để tái sản xuất sau lũ".

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất