| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 07/03/2013 , 10:00 (GMT+7)

10:00 - 07/03/2013

“Miệng” ngân hàng, “bụng” giao thông

Thông báo của NHNN về việc phát ngôn có ý coi thường dân của một vụ trưởng và việc “soi” bụng của CSGT đứng đường là hai vụ việc được nhiều người quan tâm!

Thông báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc phát ngôn có ý coi thường dân của một vụ trưởng và việc “soi” bụng của CSGT đứng đường là hai vụ việc được nhiều người quan tâm trong những ngày qua!

Theo thông báo của NHNN, tại cuộc họp báo của Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam vừa qua, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, khi trao đổi thông tin với báo chí về việc thu phí ATM đã dùng hình ảnh ví von không phù hợp, thiếu nghiêm túc. Chẳng hạn, ông nói: “Người dân được cái lợi là sẽ tỉnh ngộ ra rằng việc này phải mất phí. Ở nền văn minh lúa nước, chúng ta hưởng gió biển, khí trời quen rồi, bây giờ mất phí thì phải học quy trình thao tác cho tốt để đỡ trục trặc khi giao dịch trên máy ATM. Cũng phải cân nhắc rút tiền lúc nào phù hợp”. “Tất cả chúng ta đều rành chữ quốc ngữ, trong các hợp đồng giao dịch đều ghi trách nhiệm, quyền hạn của chủ thẻ và bên cung cấp rất rõ ràng. Cứ nhắm mắt ký thì bút sa gà chết thôi!”.

Vì thế sau khi dư luận phản ứng, NHNN đã yêu cầu ông Bùi Quang Tiên có báo cáo giải trình và kiểm điểm, nghiêm túc rút kinh nghiệm; đồng thời cho rằng đó là lời nói của cá nhân ông Bùi Quang Tiên, không thể hiện quan điểm của NHNN.

Trong cùng thời điểm, Phòng CSGT TP Hà Nội triển khai chuỗi hoạt động với 8 bước nhằm “thay đổi hình ảnh” CSGT Thủ đô, mà mới nhất là việc điều chuyển các nam CSGT béo bụng vào văn phòng làm việc thay vì ra đường hướng dẫn và xử lý vi phạm giao thông. Cùng với đó là việc mỗi CSGT Hà Nội luôn phải mang theo mình một cuốn cẩm nang về cách hành xử với người dân, yêu cầu CSGT phải mỉm cười, cấm đeo kính đen, hút thuốc, tay đút túi quần khi làm nhiệm vụ. Trước đó đã có 2 đợt tập huấn (mỗi đợt 5 ngày) dành cho CSGT thực hiện chuyên đề chấp hành điều lệnh, xây dựng văn hóa vì nhân dân phục vụ.


Ảnh minh họa

Sở dĩ ngành CSGT vội vã “khôi phục hình ảnh” bởi hồi cuối tháng 11 năm ngoái, một nghiên cứu ở quy mô lớn do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chủ trì đã chứng minh rằng trong con mắt người dân, doanh nghiệp và chính cán bộ công chức thì lực lượng CSGT là… tham nhũng nhất. Kết quả này dù chỉ phản ánh ở số mẫu thử, song ít nhất cũng tạo ra được những sức ép đủ mạnh khiến nhận thức của lãnh đạo ngành công an thay đổi. Thế là các bước “lấy lại”, xây dựng hình ảnh CSGT thân thiện, tận tụy được hoạch định cùng các bước triển khai bài bản, chuyên nghiệp được tiến hành mà mới nhất là việc “giấu” các CSGT bụng bự, hách dịch vào trong, cử các CSGT tươi trẻ, tận tụy ra đường…

Trong khi đó cũng là ngành phục vụ người dân, ngân hàng đang bị chỉ trích chỉ thực thi chính sách mang lại lợi ích cho một nhóm, lơ là lợi ích của người gửi tiền và người vay tiền, mà mới nhất chính là việc ra thông tư “mở đường” cho các ngân hàng thu phí ATM nội mạng. Đáng nói là trong khi dư luận xã hội, người lao động đang rất bức xúc thì ông vụ trưởng của NHNN thay vì đưa ra các lý lẽ và con số thuyết phục lại sử dụng cách nói coi thường, miệt thị người dân khiến sự phản ứng tăng lên tột độ. Vì thế việc thông báo yêu cầu kiểm điểm của NHNN là cần, song với mục tiêu xây dựng hình ảnh cho ngành thì chưa đủ, còn quá nhiều việc phải làm.

Từ đó có thể thấy rằng, để cải thiện hình ảnh trong mắt người dân, lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước cần thay đổi từ bản chất của các chính sách phục vụ nhân dân chứ không phải chỉ quan tâm đến cái “miệng” của cán bộ ngân hàng hay “cái bụng” của CSGT.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm