| Hotline: 0983.970.780

Miệt vườn miền Tây ở Đông Nam bộ

Thứ Hai 01/05/2017 , 08:30 (GMT+7)

Cù lao Cồn Xịn thuộc ấp 1, xã Tam An, Long Thành, Đồng Nai. Cù lao được bao bọc xung quanh bởi vàm Xếp Bà Họa (vàm là nơi rạch chảy ra sông hoặc sông con chảy ra sông lớn), từ nhiều năm nay luôn rợp bóng cây ăn trái.

Để khắc phục điều kiện tự nhiên, các vườn cây ăn trái ở đây được thiết kế không khác gì những vườn cây ăn trái ở ĐBSCL. Trái cây ở đây lại có năng suất cao và chất lượng tốt. Vì vậy, cù lao Cồn Xịn được nhiều người ví von như miệt vườn miền Tây ở Đông Nam bộ.
 

Đổi đời

Trong ký ức của những người cao tuổi ở ấp 1, ngày xưa, cù lao Cồn Xịn là một khu đất hoang, cây bụi, cỏ mọc um tùm. Mãi đến những năm 1960 của thế kỷ trước, người ta mới bắt đầu tìm đến cù lao, khai hoang, lập nghiệp.

15-22-10-bi-so-304-miet-vuon-mien-ty-o-dong-nm-bo-nh-1101440590
Ông Bảy Dô bên gốc sầu riêng trồng từ hơn 20 năm trước, thuộc lứa cây ăn trái đâu tiên được trồng ở cù lao Cồn Xịn

Ông Bảy Dô (Trần Văn Dô), là một nông dân kỳ cựu ở Cồn Xịn. Từ cuối những năm 1960, khi còn là cậu thiếu niên, ông đã theo ông cha, từ đất Sài Gòn (nay là TP.HCM) lặn lội đến cù lao Cồn Xịn khai phá đất hoang để trồng lúa. Nhiều năm đầu, gia đình ông chưa ở hẳn trên cù lao Cồn Xịn, mà chỉ tới đây để sản xuất, thu hoạch, rồi lại trở về nhà. Sau ngày thống nhất đất nước, ông và gia đình mới chuyển hẳn về định cư ở cù lao này.

Theo lời kể của ông Bảy Dô, trước đây, nước sông thường tràn vào các đồng ruộng ở cù lao Cồn Xịn mỗi khi có triều cường, mưa lớn, do đó người ta chỉ có thể trồng lúa nhưng rất bấp bênh, năm được năm mất. Sau này, để bảo vệ mùa màng, nhiều hộ nông dân phải bỏ công sức, múc đất dưới sông đắp bờ bao xung quanh ruộng nhà mình. Ngăn được nước sông tràn vào ruộng, đời sống của các hộ nông dân ở cù lao Cồn Xịn vẫn chưa hết nghèo, bởi so với những nơi khác, cây lúa trồng ở đây thường thua kém về năng suất. Nếu như ruộng nơi khác thu được 10 giạ lúa, thì ruộng ở Cồn Xịn chỉ thu được 7 - 8 giạ.

Thấy cứ tiếp tục trồng lúa sẽ không khá lên được, đầu những năm 1990, nhiều hộ nông dân ở Cồn Xịn đã suy tính tới việc phải chuyển sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Nhận thấy đất ở Cồn Xịn là đất phù sa, rất thích hợp với cây ăn trái, một số nông dân đã bắt đầu nghĩ tới việc tìm giống cây ăn trái phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, về trồng.

Quãng những năm 1994 - 1996, ông Bảy Dô cùng 2 nông dân khác là ông Bùi Văn Bài và ông Võ Văn Quang, là những người đầu tiên ở cù lao Cồn Xịn mạnh dạn chuyển từ trồng lúa sang cây ăn trái. Trước hết, họ bỏ ra nhiều thời gian, công sức cải tạo nền đất, đắp các bờ bao vững chắc nhằm bảo vệ cây ăn trái một cách tốt nhất, đồng thời tiến hành đào mương trong các khu sẽ trồng cây ăn trái để thoát nước trong mùa mưa và giữ nước cho mùa khô. Với kiểu thiết kế vườn cây như vậy, các nhà nông đi tiên phong chuyển sang trồng cây ăn trái ở cù lao Cồn Xịn đã tạo nên những vườn cây trông không khác gì những vườn cây ăn trái của các nhà vườn ở miền sông nước ĐBSCL.

Khu nào cải tạo xong, họ bắt tay ngay vào trồng cây ăn trái. Nhờ trồng trên đất phù sa và có sự giúp đỡ về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, cây ăn trái ở Cồn Xịn phát triển khá tốt. Những người đi tiên phong chuyển lúa sang cây ăn trái ở đây đánh giá rất cẩn thận tiềm năng của từng loại cây ăn trái mới trồng trong vườn của mình. Như với nhà ông Bảy Dô, 2 loại cây ăn trái đầu tiên ông trồng là sầu riêng và nhãn.

Sầu riêng tỏ ra rất thích hợp với nền đất phù sa ở Cồn Xịn, cho năng suất và chất lượng tốt. Còn nhãn lại không đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, ông quyết định giữ lại và phát triển thêm diện tích sầu riêng, còn nhãn thì chặt bỏ, thay bằng các loại cây ăn trái khác như măng cụt, dâu da, bòn bon... Đến nay, nhiều cây sầu riêng được trồng từ hơn 20 năm trước vẫn đang cho quả với chất lượng rất tốt.

Cứ lầm lũi cải tạo đất lúa để chuyển sang trồng cây ăn trái, cây này không đạt về năng suất, chất lượng thì chuyển sang cây khác, sau gần 10 năm liên tục như vậy, ông Bảy Dô đã chuyển được toàn bộ gần 7ha của mình sang trồng cây ăn trái với 4 loại cây chủ lực, cho giá trị kinh tế tốt là sầu riêng, bòn bon, dâu da và măng cụt. Các hộ khác đi tiên phong chuyển từ lúa sang cây ăn trái cũng thu được thành công từ loại cây trồng mới này.

Không chỉ đạt năng suất, sản lượng tốt, nhiều loại trái cây được trồng ở cù lao Cồn Xịn cũng sớm khẳng được về chất lượng, nên luôn được thương lái đến thu mua tận vườn, dù đường vào cù lao và tới từng nhà còn rất nhỏ hẹp (chỉ vừa đủ 1 chiếc xe máy) và quanh co, vừa khó đi, vừa khó nhớ đường. Nhiều thương lái còn đến đặt mua mão cả vườn khi trái còn non. Nhờ vậy, trái cây ở Cồn Xịn khá thuận lợi về đầu ra.

Chính điều đó đã kích thích hàng loạt hộ nông dân khác ở Cồn Xịn mạnh dạn bỏ lúa, cải tạo lại đất ruộng để chuyển hẳn sang trồng cây ăn trái. Nhắc tới chuyện này, ông Bảy Dô cho hay: “Cây ăn trái cho thu nhập gấp 3 lần lúa, mỗi ha thu về không dưới 100 triệu đồng/năm, nên người ta rủ nhau chuyển dần từ lúa sang cây ăn trái, cho dù để chuyển từ đất lúa sang đất trồng cây ăn trái, phải bỏ công sức rất nhiều”.

Trong vòng khoảng 10 năm qua, phong trào chuyển lúa sang cây ăn trái ở Cồn Xịn đã tạo một bộ mặt khác hẳn cho cù lao này với những khu vườn xum xuê cây trái thay cho nhiều đồng ruộng lúa trước đây. Hiện tại, khoảng hơn 30ha (chiếm chừng 1 nửa diện tích cù lao) đã rợp bóng sầu riêng, bòn bon, măng cụt, dâu da, chôm chôm... Cây ăn trái đã giúp cho nhiều hộ nông dân ở đây thực sự đổi đời như hộ nhà ông Bảy Dô, hộ bà Trần Thị Sáu, hộ anh Tư Dân... Nhiều hộ nhờ trái cây mà nuôi con cái ăn học đàng hoàng, có công ăn việc làm ổn định, có hộ mua được nhà trị giá bạc tỷ...

15-22-10-bi-304-miet-vuon-mien-ty-o-dong-nm-bo-nh-2101440247
Nông dân kiểm tra trái dâu, năm nay thời tiết bất lợi, dâu đậu trái thưa hơn hẳn năm trước
Nhờ thu nhập khá, các hộ trồng cây ăn trái ở Cồn Xịn cùng nhau đóng góp không ít tiền bạc làm đường bê tông vào sâu trong cù lao. Một cây cầu bê tông cũng đã được họ góp tiền xây để nối từ ấp 1 vào cù lao, thay vì phải đi xuồng như trước đây. Hai năm trước, các hộ trồng cây ăn trái cũng đã góp tiền kéo điện lưới từ bên ấp 1 sang cù lao và về từng hộ, chấm dứt tình trạng phải chạy máy nổ để có điện thắp sáng.

Ông Bảy Dô cho biết mỗi ha trồng cây ăn trái ở đây, mỗi năm có thể đem về cho các hộ doanh thu từ trên 100 đến hơn 200 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí sản xuất lại khá thấp vì đất đai màu mỡ nên không cần phải bón nhiều phân, cây cối ở đây lại ít bị sâu bệnh phá hoại.
 

Những nỗi trăn trở

Dầu vậy, người trồng cây ăn trái ở Cồn Xịn vẫn còn không ít những nỗi âu lo trước những nguy cơ đã và đang ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài của nghề trồng cây ăn trái nơi đây. Mấy năm trước, nhiều nhà vườn lâm vào tình cảnh lao đao khi nhiều cây ăn trái đang ở độ tuổi cho thu hoạch bị tàn lụi bởi ô nhiễm nguồn nước sông do một nhà máy thải ra.

Để cứu vườn cây, các hộ phải tốn khá nhiều công sức, can thiệp bằng nhiều biện pháp kỹ thuật khác nhau, nhưng cây sau khi phục hồi đã không cho được năng suất như trước khi bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường.

Gần đây, thông tin về việc đất cù lao bị đưa vào quy hoạch cho dự án của một công ty nọ, cũng khiến nhiều hộ trồng cây ăn trái cảm thấy bất an. Cộng với những diễn biến bất thường của thời tiết khiến cho năm nay các loại cây ăn trái ra hoa khá muộn (mọi năm đến tháng 4, trái sầu riêng đã khá lớn, nhưng tháng 4 năm nay cây sầu riêng mới bắt đầu đậu trái), làm cho không ít nhà vườn trở nên chán nản, có tâm lý bỏ bê vườn tược.

Vì vậy, với những người đã gắn bó gần cả đời người ở cù lao Cồn Xịn và tâm huyết với nghề trồng cây ăn trái nơi này như ông Bảy Dô, điều mong mỏi nhất hiện nay là làm sao để họ yên tâm, tiếp tục gắn bó lâu dài với vườn tược trên đất cù lao, nơi mà họ đã bỏ ra rất nhiều công sức, tâm huyết, mồ hôi nước mắt, để biến một vùng đất lúa bấp bênh thành một miệt vườn trù phú, xum xuê cây trái theo kiểu miệt vườn miền Tây ngay giữa miền Đông Nam bộ.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.