| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 15/09/2014 , 08:54 (GMT+7)

08:54 - 15/09/2014

Minh bạch thông tin

Xã hội chỉ có thể phát triển được nếu thông tin được minh bạch. Và tham nhũng chỉ bị loại trừ khi có sự giám sát của Nhân Dân.

Cuộc họp theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm kiểm điểm tất cả các dự án Đường sắt Đô thị (ĐSĐT) diễn ra mới đây tại Bộ GT-VT, có sự tham dự của Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo 2 thành phố lớn có dự án ĐSĐT là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đáng lẽ là một cuộc họp kín giữa các bên liên quan.

Nhưng Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng, người chủ trì cuộc họp, đã quyết định công khai, minh bạch thông tin để toàn dân được biết, bởi theo ông, đây là những dự án rất quan trọng, nguồn vốn sử dụng rất lớn.


Ảnh minh họa

“Các dự án làm bao lâu không xong, bụi bay mù mịt, gây cản trở giao thông dẫn đến những bức xúc trong nhân dân. Tổng mức đầu tư thì đưa ra rồi lại điều chỉnh tăng lên. Nói là tiền vay nước ngoài, nhưng cuối cùng thì người dân vẫn phải đóng thuế để trả. Vì vậy người dân có quyền biết đồng tiền của họ được sử dụng như thế nào”, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định.

Quyết định trên của người đứng đầu Bộ GT-VT được dư luận nhiệt liệt tán thành, coi đó như một cú đột phá trong việc minh bạch thông tin.

Tại nhiều nước khác, minh bạch thông tin (tất nhiên, thông tin của họ là những thông tin trung thực) là một điều mà Chính phủ bắt buộc phải thực hiện, như ở Mỹ chẳng hạn. Tại nhiều địa điểm công cộng, có những bảng điện tử, trên đó cập nhật từng ngày về nợ công của Chính phủ.

Qua đó, mỗi công dân đều biết được bản thân mình hiện đang phải gánh bao nhiêu nợ công trên vai. Và cũng qua đó, công dân có điều kiện thực hiện quyền giám sát của mình về việc sử dụng nợ công như thế nào, có hiệu quả hay không…

Ngược lại, ở ta, quyền tiếp cận thông tin của công dân, nhiều khi không loại trừ cả những Đại biểu Quốc hội, bị ngăn cản hay bị gây khó khăn là chuyện rất bình thường. Từ những phiên tòa hình sự chẳng có gì là bí mật, nhưng báo chí lại bị chặn bởi tầng tầng lớp lớp lực lượng an ninh. Có lọt vào được thì ngoài quyển sổ tay và cái bút, còn tất cả thiết bị hành nghề đều phải bỏ lại bên ngoài, cho đến những thông tin về các dự án lớn, hay thông tin về nợ xấu của ngân hàng…

Và khi không thể che dấu được, bắt buộc phải công khai thì những thông tin đó lại thường chưa chính xác, do cách làm không giống ai, hay là bị điều chỉnh cho… phù hợp. Muốn có thông tin, các cơ quan truyền thông phải đến “xin” (khác hẳn với các nước khác là đến để yêu cầu cung cấp). Và “cho” bao nhiêu là hoàn toàn do người của cơ quan công quyền quyết định.

Có rất nhiều nguyên nhân để người ta che dấu thông tin hoặc “điều chỉnh”, khiến thông tin trở nên thiếu chính xác, bị méo mó trước khi đưa ra với công chúng, không thể kể hết được, nhưng mục đích thì chỉ có một: Dìm thông tin trong vòng bí mật là để dễ dàng làm sai, làm thất thoát, tham ô, gây lãng phí vốn và tài sản công. Và khi đã làm sai, làm thất thoát, tham ô, gây lãng phí… rồi thì lại càng phải che giấu thông tin để chạy tội. Bằng việc không minh bạch thông tin, quyền giám sát của các chủ nhân của đất nước là Nhân Dân đã bị hạn chế trong đời sống xã hội.

Xã hội chỉ có thể phát triển được nếu thông tin được minh bạch. Và tham nhũng chỉ bị loại trừ khi có sự giám sát của Nhân Dân.