| Hotline: 0983.970.780

Mô hình sản xuất, quản lý nông nghiệp mới

Thứ Năm 05/09/2013 , 09:25 (GMT+7)

Trong 2 ngày 4- 5/9, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn”, do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp Bộ NN-PTNT và Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Trong 2 ngày 4- 5/9, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì Hội thảo “Mô hình tổ chức sản xuất, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn”, do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp Bộ NN-PTNT và Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Hơn 100 đại biểu đại diện các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các Viện nghiên cứu, trường Đại học và lãnh đạo UBND, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tham dự. Tại hội thảo nhiều ý kiến tham luận đúc kết từ thực tiễn sống động của các mô hình SX, quản lý mới trong nông nghiệp, nông thôn.

Bước tiến

Trong bối cảnh sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26-NQ/TW), qua thực tiễn cuộc sống đã khẳng định tính đúng đắn mang tầm chiến lược của Đảng đối với một khu vực chiếm 70% dân số và gần 50% lực lượng lao động của cả nước.

Theo Bộ NN-PTNT, kết quả chặng đường 5 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp tiếp tục thu được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Hàng năm các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp đã đạt tốc độ tăng trưởng tương đối cao, bình quân toàn ngành là 5,4% về giá trị sản xuất và 3,7% về giá trị gia tăng (GDP). Sản lượng lúa tăng từ 39 triệu tấn năm 2006 lên 43,7 triệu tấn năm 2012.

Vào năm 2012 nước ta vẫn duy trì vị trí là cường quốc về XK nông sản như: Lúa gạo, cà phê, tiêu, điều và thủy sản với giá trị XK đạt mức cao nhất 27,5 tỷ USD. SX ngày càng đa dạng cả về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức.


SX lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại ĐBSCL

Tuy SX nông hộ nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hệ thống SX quy mô vừa và lớn đang hình thành, đặc biệt trong chăn nuôi, trồng lúa, nuôi trồng thủy sản và trồng cây lâu năm. Đến năm 2010 tổng số trang trại đã tăng 2,5 lần so với năm 2000.

Mô hình SX mới

Thực tiễn SX trong nông nghiệp đã xuất hiện một số mô hình tổ chức SX mới, trong đó có nhiều mô hình được xem là xu thế tất yếu và có triển vọng trong tương lai.

Điểm nổi bật đầu tiên - Mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) hay còn gọi “Cánh đồng liên kết” đang tiếp tục được nhiều địa phương phát động phong trào nhân rộng. Từ thực tế lâu nay SX nông nghiệp manh mún, quy mô nhỏ lẻ, không có sự gắn kết giữa DN với nông dân, mô hình CĐML đã chứng minh đạt hiệu quả cao trong SX và tiêu thụ nông sản.

Theo tính toán, năm 2012, nông dân tham gia SX lúa trong CĐML có thể thu lời thêm từ 2,2 đến 7,5 triệu đồng/ha. Đó là do chi phí SX giảm từ 10- 15%, trong khi giá trị sản lượng tăng 20-25%. Hơn nữa, nông dân có thể tiếp cận các loại vật tư nông nghiệp đầu vào với giá cả ổn định, chất lượng đảm bảo, đồng thời tăng giá bán nông sản.

Theo Cục Trồng trọt, ở ĐBSCL vào năm 2011 khởi đầu mô hình CĐML có 7.200 ha, đến vụ ĐX năm 2012 nâng lên 20.000 ha và đến năm 2013 dự kiến đạt 100.000-200.000 ha. Mỗi tỉnh có CĐML diện tích trung bình khoảng 10.000-20.000 ha.

Hiện nay một số DN đi đầu trong liên kết, xây dựng CĐML như: Cty CP BVTV An Giang, Cty Võ Thị Thu Hà… và mô hình CĐML đã lan rộng ra các vùng, miền trong cả nước, được áp dụng sáng tạo sang các lĩnh vực sản xuất khác như mía đường, cà phê, điều, chè, chăn nuôi thủy sản và rau quả an toàn… Đây là mô hình được nhiều chuyên gia đánh giá là hướng đi tất yếu để tiến tới nền SX nông nghiệp hàng hóa lớn trong tương lai.

Bên cạnh đó mô hình chuỗi SX, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín điển hình như: Mô hình tổ chức chăn nuôi lợn và gia cầm ở Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam; Mô hình tổ chức vùng nguyên liệu SX chế biến cá tra thuộc Cty CP Thủy sản Hùng Vương và Cty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang...

Trong mô hình này, DN đóng vai trò nhà đầu tư, tổ chức SX, ứng dụng tiến bộ KHKT và đảm bảo khâu tiêu thụ. Nông dân nhận khoán theo định mức chi phí và được hỗ trợ một phần chi phí xây dựng cơ bản ban đầu, chi phí lao động và SX trên đất của họ.

Ngoài ra còn có mô hình nông dân góp cổ phần với DN bằng giá trị quyền sử dụng đất. Theo đó DN đóng vai trò chủ đạo trong việc đầu tư giống, vốn, yểm trợ KHKT... Nông dân là những cổ đông, được chia cổ tức hoặc được tuyển dụng thành người lao động làm công ăn lương.

Mô hình này xuất hiện nhiều trong ngành SX cao su ở Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Bà Rịa – Vũng Tàu và ngành mía đường ở Thanh Hóa. Đến năm 2012, diện tích đất góp cổ phần tại các tỉnh trồng cao su ở Tây Bắc đã đạt xấp xỉ 20.000 ha. Điểm mạnh của hình thức liên kết này là có tính hợp tác và chia sẻ rủi ro giữa nông dân và DN.

Xu hướng áp dụng công nghệ cao

Trong nhiều ngành nghề ở nông thôn, hiện nay mô hình liên kết giữa những người sản xuất và các đơn vị kinh doanh như các HTX, tổ hợp tác kiểu mới đang hình thành và phát triển SX kinh doanh khá hiệu quả, hỗ trợ tốt cho phát triển kinh tế hộ gia đình xã viên.

Những HTX điển hình như HTX thủy sản Thới An liên kết SX, tiêu thụ cá tra ở Cần Thơ; HTX chăn nuôi bò sữa Evergrowth (Sóc Trăng); HTX dịch vụ SX nông nghiệp Tân Cường (Đồng Tháp); HTX hoa cây cảnh Văn Giang (Hưng Yên)…

Hình thức hoạt động các HTX này là đảm nhận cung cấp các dịch vụ SX cả đầu vào và đầu ra tiêu thụ nông phẩm cho hộ xã viên. HTX là cầu nối giữa DN với nông hộ, đại diện cho hộ ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho DN chế biến và XK nông sản; bảo vệ quyền lợi cho xã viên. Cùng với sự ra đời các HTX kiểu mới, cả nước hiện có khoảng 114.000 tổ hợp tác nông nghiệp.

Đáng chú ý sự vượt trội của các mô hình DN công nghệ cao trong nông nghiệp đang bật lên như một điểm sáng. Điển hình như: Mô hình sản xuất và kinh doanh sữa của Cty TH TrueMilk, Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu; Cty CP Công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt…

Đó là những DN đi đầu trong áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất vào SX nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2012 Cty TH TrueMilk có 28.000 con bò sữa, dự kiến đến cuối năm 2013 tăng lên 45.000 con và 137.000 con vào năm 2015, bằng 50% số lượng bò và 50% sản lượng sữa sạch của cả nước.

Việc áp dụng khoa học công nghệ vào SX của TH TrueMilk giúp nâng giá trị sản lượng của 1 ha đất canh tác từ 70 triệu đồng/ha/năm lên 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Tương tự Cty CP Công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt cung cấp ra thị trường mỗi năm 24 triệu cây giống nhân theo công nghệ Invitro, sạch bệnh và chất lượng cao cho nhu cầu trong nước và đang tiếp cận thị trường XK.

Hôm nay 5/9, chương trình hội thảo tiếp tục với những tham luận và ý kiến đề xuất về mô hình SX và quản lý mới trong nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh:

“Hiện nay nước ta có nhiều mô hình tổ chức SX, quản lý mới trong nông nghiệp cần nhân rộng. Thời gian tới, các địa phương cần xem lại các chính sách đã ban hành và có báo cáo cụ thể chính sách nào chưa phù hợp để trình sửa chữa cho phù hợp với tình hình mới. Cần tăng cường mối liên kết 4 nhà và phải làm rõ vai trò, nghĩa vụ trong mối liên kết này ở từng giai đoạn cụ thể. Các bộ, ngành và các DN cần tiếp tục nghiên cứu thị trường, để dự báo về cung cầu cho nhân dân yên tâm SX…”.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.