| Hotline: 0983.970.780

Mô hình thâm canh 'cây tỷ đô' phát triển tốt

Thứ Ba 17/03/2015 , 09:49 (GMT+7)

Hơn 470 ha mắc ca đang hứa hẹn cho bà con nông dân thu nhập đáng kể khi tham gia dự án khuyến nông Trung ương: "Xây dựng mô hình thâm canh cây mắc ca tại Tây Bắc và Tây Nguyên"./ 'Cây tỷ đô' tại Ba Vì giờ ra sao?

Dự án do Cty CP XNK Nông lâm sản chế biến chủ trì, triển khai từ năm 2012 - 2014 tại 10 tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lăk và Kon Tum.

Các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên có tổng diện tích đất lâm nghiệp tương đối lớn, đất rừng SX được quy hoạch đã và đang được khai thác kinh doanh chiếm 42,5% diện tích tự nhiên.

Mắc ca là cây trồng cho quả khô quý hiếm. Bộ phận ăn được của mắc ca là nhân, có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn so với các quả, hạt có chất dầu khác như lạc, nhân điều, hạnh nhân…

Nhân mắc ca sau khi chiên ăn ngậy, bùi, có hương vị của bơ, là một loại thực phẩm cao cấp, ngon, bổ, giàu chất béo, giàu nhiệt năng, dùng để chế biến nhân bánh sôcôla, nước uống, dầu xalát, dầu dưỡng da, dầu dược liệu.

Vỏ cây mắc ca có nhiều ta-nanh và protein có thể dùng để thuộc da và chế biến thức ăn chăn nuôi, vỏ hạt có thể làm than hoạt tính, làm chất đốt, làm giá thể để ươm cây giống... Chính vì vậy, mắc ca ngày càng được ưa chuộng và là nguồn nguyên liệu cần thiết cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.

Theo KS Nguyễn Công Dương, chủ nhiệm dự án, cây mắc ca có giá trị kinh tế cao. Cây ghép cho quả bói sau khi trồng 3 - 4 năm.

Đến năm thứ 12 - 15, năng suất hạt đạt 3 tấn/ha/năm, năng suất nhân 1 tấn/ha/năm, hạt thương phẩm mắc ca có thể sử dụng cho công nghệ chế biến thực phẩm trong nước hoặc phục vụ xuất khẩu. Thông qua dự án, các tiến bộ KHKT sẽ được chuyển giao giúp nông dân nâng cao thu nhập, đồng thời tăng độ che phủ của rừng.

Các mô hình trình diễn sử dụng phương thức trồng thuần loài và trồng xen với các giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận như: Dòng Mắc 842-741-800-900-69; Dòng OC 246-816-849. Các dòng trên đã được trồng khảo nghiệm ở một số tỉnh tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Ba Vì (Hà Nội). Giống lựa chọn là cây ghép, thời gian ghép trên 6 tháng tuổi, cây có bầu, phát triển cân đối, không cụt ngọn và không bị sâu bệnh.

Các hộ dân đăng ký tham gia mô hình dự án được hỗ trợ 100% cây giống và một phần phân bón, đồng thời được hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, canh tác, bảo quản.

Tại các địa phương, dự án đã tổ chức 40 lớp đào tạo tập huấn cho trên 1.000 lượt người tham gia, 30 lớp đào tạo nhân rộng và tham quan cho khoảng 900 người. Các lớp tập huấn, đào tạo tập trung hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo ươm giống mắc ca, kỹ thuật trồng thâm canh; kỹ thuật chăm sóc và nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng mắc ca; kỹ thuật khai thác và bảo quản sau thu hoạch…

Cán bộ khuyến nông cấp huyện và cấp xã là những người tham gia tích cực trong việc hướng dẫn nông dân thực hiện để có điều chỉnh kịp thời đảm bảo tiến độ và mục tiêu dự án.

Ông Ma Văn Sỹ ở xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn (Sơn La) phấn khởi khoe với chúng tôi, hơn 1,2 ha trồng cây mắc ca xanh ngút tầm mắt trải dài trên các sườn đồi Bản Kẹ. Năm 2012, gia đình ông Sỹ được lựa chọn tham gia ký hợp đồng tham gia mô hình trình diễn trồng loại cây này với tổng diện tích trồng gần 14 ha tại tỉnh Sơn La. 

Thoạt đầu, gia đình ông Sỹ không khỏi băn khoăn và nghi ngờ về tính khả thi của dự án, bởi phần lớn diện tích đất lâm nghiệp canh tác của gia đình sẽ được sử dụng để tham gia mô hình. Được các cán bộ lâm nghiệp tư vấn, diễn giải về lợi ích và hiệu quả kinh tế do cây mắc ca mang lại, gia đình ông Sỹ cũng như gần một chục hộ dân trong vùng đã mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình.

nh-1095424697
Cây mắc ca cho quả sau 3 - 4 năm trồng

Sau 3 năm thực hiện dự án trồng thâm canh mắc ca tại 10 tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên sẽ là cơ sở để xác định giá trị của cây trồng này trong những năm tới khi dự án bắt đầu cho thu hoạch. Có thể coi việc triển khai trồng cây mắc ca là một trong những mô hình mẫu cho bà con nông dân tham quan học hỏi và nhân rộng ra các vùng lân cận nhằm nâng cao nguồn thu từ canh tác trên đất lâm nghiệp.

“Tham gia vào mô hình trồng mắc ca, được hỗ trợ 100% cây giống và một phần phân bón. Ngoài ra, còn được các cán bộ lâm nghiệp không quản nắng mưa, hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm bón, phòng trừ sâu bệnh. Đến nay, sau 3 năm trồng, chăm sóc, cây mắc ca phát triển xanh tốt, hứa hẹn cho năng suất cao. Với giá trị như hiện nay, tôi hy vọng cây mắc ca sẽ mang lại nguồn thu lớn cho gia đình tôi và các hộ dân khác”, ông Sỹ chia sẻ.

Niềm vui của ông Ma Văn Sỹ ở Sơn La cũng là cảm nhận chung của gần 250 hộ dân đang tham gia vào mô hình trình diễn trồng cây mắc ca tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Đăk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum, Lào Cai và Hòa Bình.

KS Nguyễn Công Dương cho biết, đến nay, sau 3 năm trồng và chăm sóc, diện tích mắc ca tại các địa phương sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt trên 95%, chiều cao trung bình đạt từ 1,6 - 2,6 m, đường kính gốc 1,3 - 2,2 cm có nơi đạt 3,5 cm như ở Đăk Lăk, ít thấy sâu bệnh gây hại.

Tại tỉnh Điện Biên, có Cty CP Mắc ca Điện Biên thực hiện, do chủ động về kinh phí và đầu tư thêm lượng phân chuồng để bón lót cho cây trước khi trồng nên mắc ca có tỷ lệ sinh trưởng tốt nhất so với các tỉnh khác tại vùng Tây Bắc. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành kế hoạch về diện tích trồng tại tất cả các địa phương và đang tiến hành chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, tổng kết nghiệm thu tại các mô hình trình diễn.

Dự án "Xây dựng mô hình trồng thâm canh cây mắc ca tại Tây Bắc và Tây Nguyên" ngoài việc góp phần làm tăng thêm độ che phủ của rừng và cảnh quan môi trường còn tăng thêm thu nhập đáng kể cho người dân tham gia xây dựng mô hình, bởi mắc ca là loài cây công nghiệp có giá trị kinh tế rất cao trên thị trường hiện nay.

Năm 2014 được đánh giá là năm “bùng nổ” về cây mắc ca tại Việt Nam, Chính phủ đã có những quan tâm đặc biệt đối với loài cây kinh tế này. Một loạt hội nghị, diễn đàn về trồng cây mắc ca đã được tổ chức nhằm tuyên truyền rộng rãi về tính hiệu quả và giá trị của hạt mắc ca đối với con người, đặc biệt có giá trị xuất khẩu thu về hàng tỷ đô la mỗi năm.

Xem thêm
Nở rộ nuôi dúi ở Bắc Kạn

Các mô hình nuôi dúi đang phát triển khá nhanh ở Bắc Kạn, tuy nhiên việc tiêu thụ phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương nên cần tính toán kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin tăng, nguy cơ bệnh dại sẽ giảm

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Bình đang tập trung, dồn lực tăng cường quân số về các địa phương hỗ trợ tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất