| Hotline: 0983.970.780

"Mở rộng cánh đồng mẫu lớn, là đúng hướng"

Thứ Tư 15/02/2012 , 10:44 (GMT+7)

Vụ lúa ĐX 2011- 2012 ở ĐBSCL bắt đầu vào mùa thu hoạch. Đây là vụ lúa thứ ba của các tỉnh trong vùng triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn...

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL

Vụ lúa ĐX 2011- 2012 ở ĐBSCL bắt đầu vào mùa thu hoạch. Đây là vụ lúa thứ ba của các tỉnh trong vùng triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML), đạt hiệu quả cao như mong đợi. TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL đã trao đổi với NNVN về vấn đề này.

CĐML đang được nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL thực hiện. Tỉnh An Giang có Cty CP BVTV An Giang (AGPPS) khởi đầu thực hiện khá thành công. Tiếp theo TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Vĩnh Long… cũng mở rộng CĐML. Ông nhận xét gì trong việc tổ chức và hình thành CĐML?

Mô hình CĐML được Bộ NN- PTNT phát động đặt ra nhiều vấn đề mới. Trong điều kiện nước ta SXNN bình quân nông hộ với quy mô ruộng đất nhỏ lẻ. Trước đây mỗi nông hộ thường SX theo ý riêng của mình, có một thời cho rằng trước là trồng để ăn, sau dư mới bán. Một cánh đồng trồng 2- 3 giống lúa.

Từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, SXNN cần có cách làm như thế nào để không lạc hậu, tụt hậu? Việc SX trên cùng một cánh đồng lớn phải sử dụng cùng một loại giống, có như thế mới thực hiện cùng quy trình SX, có điều kiện ứng dụng TBKT, tạo ra sản phẩm chất lượng đồng nhất. Như thế XK lúa gạo mới vươn lên cạnh tranh với các cường quốc XK gạo.

Theo xu hướng chuyển đổi đó, miền Bắc có phong trào dồn điền đổi thửa. Trong Nam có những trang trại nhưng lại gặp giới hạn bởi mức hạn điền. Vì vậy phải tổ chức lại SX trong điều kiện “Nông hộ nhỏ, cánh đồng lớn”, mô hình CĐML là bước đi thử nghiệm, từ quy mô 30-50 ha. An Giang đi nhanh hơn, có cánh đồng hơn 500 ha; thực hiện gieo sạ đồng loạt cùng một giống lúa hoặc một nhóm giống lúa có đặc tính gần giống nhau, tạo ra sản lượng lúa hàng hóa lớn và chất lượng tốt. Từ đó có thể tiến tới xây dựng thương hiệu gạo ngon Việt Nam. CĐML là bước đi đúng hướng.

CĐML thể hiện những mặt nổi bật về cách làm hay, phù hợp với hướng phát triển của một nền nông nghiệp hiện đại?

Mô hình CĐML nổi bật là được DN hưởng ứng, liên kết, bao tiêu sản phẩm; thậm chí có nhiều DN cung ứng giống, tạm ứng trước chi phí vật tư nông nghiệp và cuối vụ thu mua lúa cao hơn giá thị trường bên ngoài. Chúng tôi vừa đi thăm nhiều CĐML ở Vĩnh Long, Cần Thơ…Tại Vĩnh Long, nhân viên kỹ thuật FF (Farmer's Friend) của AGPPS “cùng ăn, cùng ở” với nhà nông, bám sát ruộng đồng, phát hiện có sâu bệnh là hướng dẫn kịp thời.

Đặc biệt nông dân được cấp sổ, hướng dẫn cách ghi chép. Qua cách làm này hướng cho nông dân tổ chức lại SX, thực hành SXNN tốt cho lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện CĐML SX lúa có chỉ dẫn địa lý, năng suất cao, chất lượng tốt đồng đều, nhưng chi phí thấp, giá thành hạ. Nhiều nông dân ở xã Đông Bình, huyện Thới Lai (Cần Thơ) lần đầu cùng nhau liên kết làm CĐML, lúa mùa này đơm bông no hạt, chín vàng đồng sắp thu hoạch. So với ruộng lúa đối chứng giáp ranh CĐML có vượt lên rõ rệt. Bà con tươi cười phấn khởi.

Có ý kiến cho rằng tổ chức CĐML ở một vài địa phương có vẻ như “cuốn” theo phong trào, vì giống như cách làm cũ - DN bao tiêu, sau đó mua bán lúa không ưng ý, xảy ra phiền hà... Theo ông CĐML cần có bước đi và cách tổ chức như thế nào thể hiện đúng thực chất liên kết 4 nhà và phát huy hết ưu thế?

Nếu nói CĐML chạy theo phong trào là chưa đúng. Thực tiễn vừa qua có một vài địa phương DN bị “hụt hơi” là do chưa lường trước được nhiều mặt phát sinh bất ngờ. Đơn cử như có DN cam kết bao tiêu lúa với giá cao. Nông dân thu hoạch lúa xong vô bao và chờ hoài mà không thấy DN đưa phương tiện tới thu mua. Vỡ lẽ ra là DN không tính trước hệ thống nhà kho sức chứa bao nhiêu, số phương tiện vận chuyển.

Vì CĐML thu hoạch đồng loạt, lượng lúa quá lớn. Đó chính là mặt hạn chế. Hiện nay có DN đã liên kết cùng thực hiện CĐML quy mô 1.000 ha và làm tốt. Nhưng nếu tăng quy mô lên 5.000 ha điều kiện cơ sở kho tàng, nhà máy, tàu xe… cần có bước chuẩn bị. CĐML muốn làm đúng theo thực chất liên kết 4 nhà, có địa phương đã làm tốt như An Giang.

Song cũng có địa phương khác quan niệm rằng Nhà nước chỉ ra chủ trương, chính sách, còn chuyện liên kết là của các “nhà” còn lại. Thế nhưng thực tế cho thấy nơi nào có chính quyền địa phương tỏ rõ quyết tâm hỗ trợ (như An Giang) việc xúc tiến thực hiện CĐML thành công nhanh hơn. Trong năm qua ĐBSCL có CĐML với tổng diện tích hơn 8.000 ha. Dự kiến năm 2012 mở rộng trên 20.000 ha và đến năm 2015- 2016 phấn đấu CĐML với 1 triệu ha, SX ra 6- 7 triệu tấn lúa có phẩm chất gạo XK tốt nhất.

Hiện nay việc triển khai CĐML có gặp trở ngại không? Đã qua hai vụ lúa, vì sao có địa phương chưa tổ chức được nhiều CĐML?

Bên cạnh trở ngại từ năng lực phía DN, về phía địa phương nhiều nơi muốn xây dựng CĐML nhưng điều kiện cần là cơ sở hạ tầng phải đảm bảo như hệ thống kênh thủy lợi, đê bao, trạm bơm, mặt bằng đồng ruộng, giao thông thủy bộ để đáp ứng thực hiện cơ giới hóa…Nhiều địa phương muốn làm CĐML vài trăm ha tại mỗi huyện nhưng gặp khó như vậy nên bước đi chưa nhanh.

Xây dựng CĐML theo hướng tạo tiền đề cho chiến lược phát triển nền SXNN hiện đại. Được biết, trong đề án thực hiện liên kết vùng với 5 dự án của Viện lúa ĐBSCL và Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ) chuẩn bị trình Chính phủ sắp tới, CĐML có phù hợp trong việc lồng ghép các chương trình thực hiện?

Nhiều địa phương trong cả nước đang nỗ lực thực hiện chủ trương Nhà nước xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt NTM sẽ khang trang, tươi đẹp hơn và nhất là làm thế nào để thu nhập và đời sống người dân nông thôn cao hơn thì việc thực hiện CĐML không hề mâu thuẫn mà còn là nhân tố góp phần tạo điều kiện tốt cho việc liên kết 4 nhà, tiến tới thực hiện liên kết vùng như trong đề án với 5 dự án của Viện Lúa ĐBSCL và Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL đang lấy ý kiến chuẩn bị trình Chính phủ sắp tới.

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất