| Hotline: 0983.970.780

Mỏ than Khánh Hòa có nguy cơ trở thành “Phấn Mễ 2”?

Chủ Nhật 22/04/2012 , 10:48 (GMT+7)

Vụ sạt lở kinh hoàng mỏ than Phấn Mễ khiến 1 người chết và 5 người vẫn nằm đâu đó trong đống đổ nát suốt 7 ngày qua đã tạo dư chấn tâm lý cho dân cư sống gần các điểm đổ thải mỏ than trên địa bàn Thái Nguyên. Đặc biệt là 112 hộ dân nằm sát chân núi thải của mỏ Khánh Hòa thuộc địa phận xã Phúc Hà. TP Thái Nguyên.

Khi núi thải của moong khai thác than Làng Cẩm (mỏ Phấn Mễ - Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên), vùi lấp người và tài sản hơn chục hộ gia đình xóm Khuôn 1, xã Phục Linh huyện Đại Từ gây thiệt hại nghiêm trọng, với 7 người thương vong, 5 người vẫn nằm đâu đó trong đống đổ nát, đã tạo nên một dư chấn tâm lý lo sợ đất thải sạt lấp lan truyền đến những hộ dân xã Phúc Hà. TP Thái Nguyên, vì họ đang sinh sống dưới chân núi thải mỏ than Khánh Hòa…

>> Xem xét khởi tố vụ sạt lở tại mỏ than Phấn Mễ
>> Phấn Mễ, nỗi lòng người ở lại
>> Đã thấy nhiều vật dụng của nạn nhân mất tích
>> Vẫn chưa thấy 5 nạn nhân 
>> Video, hình ảnh mới nhất về vụ sạt lở mỏ than Phấn Mễ, Thái Nguyên

Ô nhiễm bủa vây dân cư

Bãi thải và moong khai thác của mỏ than Khánh Hòa (thuộc Công ty TNHH một thành viên than Khánh Hòa) nằm trong địa phận xã Phúc Hà, TP. Thái Nguyên. Theo người dân nơi đây, từ năm 1967 của thế kỷ trước nó đã đem đến bao đau khổ cho mọi người, khi khói bụi của nổ mìn, bụi mạt than luôn bủa vây mịt mù các khu vực dân cư xã này. Vì khắp các đường cùng, ngõ hẻm của Phúc Hà đâu cũng thấy một màu đen xám lờ vờ bay.


Bãi thải mỏ than Khánh Hòa sát Trường mầm non xã Phúc Hà

Chị Nam ở xóm 12 bức xúc; “dân sống quanh khu mỏ than Khánh Hòa không chỉ thiếu nước ăn, mà không khí cũng bị cô đặc do các núi thải đổ cao hơn 100 mét vây quanh các nhà dân, hàng ngày gió thổi bụi bay mù trời, mọi thứ trong nhà tôi đều bị bụi than bám đen kịt..”. Chúng tôi đến Phúc Hà vào giữa buổi trưa, trời hửng nắng, nhưng tầm nhìn cũng bị hạn chế bởi gió thổi bụi ở các núi thải bay mù trời, con đường từ quốc lộ 3 đoạn xã Sơn Cẩm rẽ vào mỏ than luôn dày bùn đất than đen kín rải khắp, nhà dân hai bên đường bị bụi than lem nhem, các phương tiện tham gia giao thông trên con đường này đều có chung một màu đen phủ kín vành, bánh xe.

Bác Nguyễn Văn Ngân - Trưởng ban mặt trận xóm 3, xã Phúc Hà cho hay: “Tôi sống gần mỏ than này đã hơn 30 năm, hai lần phải chuyển nhà lùi ra ngoài để mỏ mở rộng khai thác, mỏ càng mở rộng thì khai thác càng lớn, mấy năm gần đây phương tiện vận chuyển than lớn, xe ô tô tải trọng vài chục tấn than mỗi khi đi qua cửa nhà, nền đường rung bần bật, họ khai thác càng rầm rộ, thì chất thải và ô nhiễm môi trường càng khủng khiếp, dân kêu mãi rồi chẳng ai quan tâm giải quyết… khổ lắm, nói mãi…”

Dẫn chúng tôi xem dòng suối thoát nước thải từ mỏ ra, nước và bùn than đen ngòm bồi lắng cao, nước than tràn vào một số ruộng của dân gần đó, theo bác Ngân thì hơn một mẫu ruộng của xóm 3 không thể trồng cấy. Không những thế, con đường nối liền từ quốc lộ 3, đoạn từ phường Quán Triều vào xóm 3 dài khoảng 2 km, bùn đất than đen kịt và nhầy nhụa, nhiều chỗ lầy thụt bùn ngập cả vành xe máy, người dân đi xe máy phải co chân để bùn đất khỏi bám giầy dép. Xóm 3 có 47 hộ dân, từ khi moong đào sâu mấy năm nay tất cả giếng nước ăn đều bị cạn kiệt, không chỉ thiếu nước sinh hoạt, mìn nổ hàng ngày làm nhà dân rung chuyển, đồ dùng trong nhà lắc lư như gió thổi.

 
Video Bác Nguyễn Văn Ngân - Trưởng ban công tác mặt trận xóm 3, xã Phúc Hà. TP Thái Nguyên bức xúc về mỏ than Khánh Hòa. Thực hiện: Âu Vượng 

Tháng 3/2011 có đợt nổ mìn lớn đã làm 22 hộ bị nứt tường, vỡ ngói, dân khiếu nại mãi vẫn chưa được giải quyết, vì đến nay vẫn còn 4 hộ gia đình chưa thống nhất tiền đền bù là Trương Văn Tình, Dương Đình Cường, Trần Thị Nhạn, Đoàn Việt Hùng. Khi chúng tôi tìm đến các nhà dân thăm nắm ảnh hưởng của mỏ than với cuộc sống dân cư thế nào, dân lũ lượt đi theo tố cáo, chỉ trích mỏ sai trái…  

“Mìn nổ làm nứt tường nhà tôi lúc đó có cả xóm chứng kiến, ngay sau khi sự việc xảy ra họ đã ký vào biên bản, nhưng không tiến hành giám định, mà chỉ tính giá cái nhà xây kiên cố của gia đình tôi như chiếc chuồng gà, vì họ bảo chỉ trả 2 triệu đồng, không nhận thì thôi, tôi bực quá chẳng nhận tiền mà làm đơn gửi tiếp, họ lại đến đàm phán tăng lên 5 triệu đồng, tôi yêu cầu giám định lại toàn bộ để đền bù cho đúng, thì họ lại đổ lỗi cho mấy ông nổ mìn thuê vô ý đã nhét nhiều thuốc nổ nên làm hư hỏng nhà dân, thế là tôi chẳng biết ai mà tìm nữa. Sự việc xảy ra từ ngày 8/3/2011 đến nay vẫn chưa ai giải quyết, tôi chờ đợi mãi chẳng được, nên đã gủi đơn khiếu nại đến các cấp từ xã đến TP và cả cấp tỉnh nữa rồi” anh Hùng cho hay.

Mất bò mới lo làm chuồng

Sau khi sạt lở núi thải moong than Làng Cẩm xảy ra tại xóm Khuôn 1, xã Phục Linh ngày 15/4, làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.  Ngày 16/4, UBND. TP Thái Nguyên đã có thông báo số 172/TB-UBND, về việc chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát lại toàn bộ các bãi thải mỏ than. Công việc diễn ra hết sức khẩn trương, đến ngày 17/4 tại xã Phúc Hà, các đơn vị chức năng TP Thái Nguyên cùng Công ty TNHH một thành viên than Khánh Hòa cùng các đoàn thể của xã, đã thống nhất biên bản hội nghị kiểm tra an toàn cho người dân sống gần bãi thải mỏ than.

Qua đó, xác định được bãi thải phía tây có 3 tầng đổ thải, cao nhất là 150 mét, bãi thải phía nam có 6 tầng đổ thải, cao nhất 160 mét, phạm vi cách chân núi thải: Từ 0 đến 200 mét đang có 228 hộ gia đình sinh sống, trong đó có 112 hộ nằm sát theo chân bãi thải nên rất nguy hiểm. Khu hành chính gồm có: Trụ sở UBND xã, Trường mầm non, Trạm y tế, HXT nông nghiêp, Bưu điện cũng chỉ cách bãi thải vài bước chân, riêng trường mầm non đá đất lăn đến tận sát tường lớp học…


Anh Đoàn Việt Hùng chỉ về ngôi nhà bị nứt do mìn nổ

Qua rà soát, mọi người mới tá hỏa khi phát hiện ngọn núi thải của mỏ than Khánh Hòa được bồi đắp từ nhiều năm, nó đã cao như ngọn núi lớn ngay sau lưng trụ sở, và mở rộng chân bãi thải đến sát các nhà dân, cả khu hành chính của xã Phúc Hà cũng nguy cơ bị vùi lấp bất kể lúc nào. Họ cho đổ thải cao ngất nằm lồ lộ như một ngọn núi trong TP. Thái Nguyên, khiến ai cũng phải kính nể về tài năng đắp núi của mỏ này.

Cả xã Phúc Hà có 14 xóm, 1.117 hộ gia đình, với khoảng 3.920 nhân khẩu, thì có 9/14 xóm có dân cư sống tiếp giáp mỏ than, tất cả khu hành chính xã và người dân nơi đây đều bị ảnh hưởng khói bụi của mỏ than, những đứa trẻ sinh ra những năm 1967 của thế kỷ trước đã phải ngửi khói bụi than, nay trở thành những ông bố bà mẹ, và thế hệ những đứa con của họ lại tiếp tục hứng chịu cảnh ô nhiễm bụi than, nên từ người lớn đến trẻ em đều quen với khói bụi, họ chỉ khiếu nại những việc lớn như khi phát hiện nhà mình bị nứt nẻ tường do nổ mìn, hay giếng nước cạn do moong khai thác sâu…

Tất cả các thiệt hại về kinh tế, mỏ than Khánh Hòa chỉ thống kê đền bù hay hỗ trợ cho chút ít, cán bộ xã và thôn có trách nhiệm đến từng nhà động viên, an ủi bà con ổn thỏa tinh thần là xong trách nhiệm, rất ít người khiếu nại về bụi và bùn đất, vì đường là của chung, sống trong vùng mỏ tất yếu phải quen, nếu có ai làm đơn thư khiếu nại gì về than bụi thì cũng chẳng ai dỗi hơi mà giải quyết.

Anh Nguyễn Đức Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hà cho biết: “Bụi than ở Phúc Hà thì đâu cũng có, có điều sống ở vùng mỏ này ta phải tự khắc phục vậy thôi, chứ biết làm thế nào…”. Còn phía chính quyền xã và Thành phố Thái Nguyên, ngay sau khi thống kê, rà soát nguy cơ sạt lở, ngày 18/4 đã cho di chuyển Trường mầm non, chiều 19/4 tiếp tục chỉ đạo di chuyển Trạm Y tế xã rồi tiếp đến các đơn vị khác. Với quan điểm khi nào nhà dân và các đơn vị thành viên đã chuyển đến nơi an toàn, lúc đó Trụ sở Đảng ủy, HĐND và UBND xã mới di chuyển sau cùng.

Xem thêm
Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất