| Hotline: 0983.970.780

Mỗi bé trai Trung Quốc có giá 160.000 USD

Thứ Sáu 13/03/2015 , 06:15 (GMT+7)

Tại Trung Quốc, thị trường buôn bán trẻ em bất hợp pháp đang nở rộ. Các bé sơ sinh được rao bán công khai trên mạng.

Cảnh sát nói hằng năm ở nước này có khoảng 20.000 trẻ bị bắt cóc. Hãng tin BBC vừa tung ra phóng sự điều tra về nạn bắt cóc trẻ em tại Trung Quốc.

Chỉ còn vài ngày nữa là Tết Âm lịch (tháng 2/2007) và Xiao Chaohua khi ấy đang trong cửa hàng quần áo nhỏ của gia đình anh ở thành phố Huệ Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, phía nam Trung Quốc.

Xiaosong, con trai 5 tuổi của Xiao, đang chơi đùa. Vài giờ trước, hai bố con ra biển chơi và làm lâu đài trên cát, đùa với sóng biển. 7 giờ tối. Xiaosong đòi đi mua bim bim. Cô chị Xiao Lu dẫn em qua tiệm tạp hóa bên kia đường. Xiao không nghĩ gì khi đưa cho con ít tiền lẻ.

Và đó là lần cuối cùng anh nhìn thấy con trai mình.

Cảnh sát nói chưa có cơ sở điều tra con anh bị bắt cóc, nhưng lý luận này không thuyết phục được Xiao. Vài giờ trước, anh nhìn thấy một công nhân nhập cư, người từng chơi với Xiaosong ngoài công viên.

Người đàn ông này bị cảnh sát thẩm vấn nhưng sau đó được thả vì cảnh sát không có bằng chứng. Sau đó anh ta biến mất.

Xiao tìm đủ mọi cách tìm lại con trai nhưng nhiều ngày, nhiều tháng rồi nhiều năm trôi qua. Cuộc tìm kiếm của người cha tuyệt vọng đã đưa anh tới 4 thành phố lớn nhất nước và 19 trong tổng số 22 thành phố thủ phủ cấp tỉnh của Trung Quốc.

Năm đầu tiên, anh đi xe máy khắp tỉnh Quảng Đông, dán poster nói về chuyện mất tích của con trai ở các trạm xe buýt, ga tàu, cửa hàng, treo thưởng cho ai cung cấp thông tin. Anh đưa quảng cáo tìm con lên truyền hình.

Cuối cùng anh bán cửa hàng quần áo và mua một chiếc xe bán tải. Vợ Xiao vào làm ở một nhà máy SX giày da, con gái được gửi về quê ở Giang Tây với ông bà.

Với chiếc xe, Xiao đi khắp Trung Quốc, từ cao nguyên Tây Tạng tới những thành phố hàng chục triệu dân, ghé vào các làng quê dọc những con đường bụi bặm. Hành trình đưa Xiao tới những nơi anh chưa từng tưởng tượng là có ngày sẽ tới.

Mỗi năm, có hàng ngàn bậc cha mẹ Trung Quốc gặp phải tình cảnh như Xiao. Chính phủ Trung Quốc không đưa ra thống kê, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ ước tính số lượng trẻ em bị bắt cóc lên đến 20.000 em, tức là 400 trẻ bị bắt cóc mỗi tuần.

Báo chí Trung Quốc thậm chí còn đưa ra con số lớn hơn nhiều: 200.000 trẻ/năm, tuy nhiên cảnh sát nói số lượng không cao đến mức đó.

Một đứa bé trai có thể được bán với giá 100.000 nhân dân tệ (khoảng 16.000 USD hay 320 triệu đồng). Khi bị bán, trẻ hoặc được nhận làm con nuôi nhưng một số bị buộc làm ăn mày dưới sự điều khiển của một số tổ chức tội phạm. Đa số trẻ bị bắt cóc không được tìm thấy.

Nạn bắt cóc trẻ em được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc khoảng 12 năm trước đây, khi cảnh sát tỉnh Quảng Tây phát hiện 28 đứa bé trên một xe buýt. Chúng bị đánh thuốc mê rồi bỏ vào túi nylon. Một bé đã chết vì ngạt thở. Nhóm bắt cóc ra tòa và những kẻ cầm đầu bị tử hình.

Nhưng những năm gần đây, hoạt động buôn bán trẻ em diễn ra ngày một tinh vi. Nhiều giao dịch nay được thực hiện trên mạng internet.

Theo hãng tin Tân Hoa Xã, tháng 2/2014, cảnh sát bóc gỡ 4 tổ chức tội phạm chuyên cung cấp cái gọi là dịch vụ “nhận con nuôi ngoài luồng”, thực chất là bán trẻ em bị bắt cóc, trên các trạng mạng xã hội. 1.094 người có liên quan bị bắt. Cảnh sát cứu thoát 382 trẻ nhỏ, nhiều em là trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên dường như đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Phóng viên BBC vẫn đọc được những quảng cáo trên mạng về việc rao bán “một bé gái 8 tháng tuổi khỏe mạnh” với giá 32.000 USD.

Phóng viên liên lạc với người bán qua tin nhắn trên mạng. Người kia nói cô ta là mẹ đơn thân với ba con gái, một đứa ba tuổi bà hai đứa sinh đôi 8 tháng tuổi. Cô ta nói không đủ sức nuôi cả ba đứa và phải bán một trong hai đứa sinh đôi. Rồi cô ta gửi đến một tấm ảnh. Hai đứa sinh đôi đang ngồi trên giường, tóc đã mọc kín đầu, có vẻ được chăm sóc kỹ. Một trong hai đứa được rao bán.

Phóng viên yêu cầu người bán gọi điện có video, cô ta đồng ý. Trong một phòng tối, cô ta bế đứa bé hướng vào camera. Đứa bé òa khóc, trong giây lát phóng viên nhìn thấy nửa khuôn mặt kẻ bán trẻ em.

Sau đó, phóng viên thông báo câu chuyện tới chính quyền nhưng không có hồi đáp.

Vài tháng trước, tức là sau gần 8 năm con trai mất tích, Xiao lưu lạc đến thành phố Thừa Đức. Anh đậu xe trước một trường trung học. Trên thành xe, anh dán hàng chục tấm hình những đứa trẻ bị bắt cóc, trong đó có tấm ảnh con trai Xiaosong mặc áo thun vàng-xanh.

“Cháu dễ thương và rất vâng lời”, Xiao nói. “Cháu không như con người ta quấy khóc và quậy phá. Khi nó xin tiền mua bim bim, tôi hỏi đùa cháu, bao giờ con trả lại tiền? Cháu nói, khi con lớn, con sẽ trả lại. Con sẽ mua ô tô đẹp cho ba, một chiếc BMW hay Mercedes”.

Xiao, năm nay 39 tuổi, là người lịch sự và nhã nhặn. Nhưng đối với người lạ, anh luôn giữ khoảng cách. Mắt anh vô hồn.

Anh ở lại Thừa Đức để nói về nạn buôn bán trẻ em với một nhóm hơn 40 học sinh. Những đứa trẻ trong trường cũng trạc tuổi con trai anh, tầm 13-14 tuổi.

Bây giờ Xiao làm việc cho một tổ chức chống buôn người có tên Quỹ Phúc lợi Suishou, giúp các bậc cha mẹ tìm lại trẻ mất tích bằng việc đưa hình ảnh những trẻ em ăn mày lên mạng.

Công việc này từng gặt hái thành công lớn. Một bé trai hai tuổi bị bắt cóc để bán làm con nuôi bị trả lại vì người mua phát hiện bé bị hen suyễn. Những kẻ bắt cóc sau đó bỏ bé lại trên xe buýt và bé được đưa đến trại trẻ mồ côi. Một người làm ở trại trẻ nhận ra tấm ảnh của bé đăng trên mạng của Quỹ Phúc lợi Suishou. Nhờ vậy, cha mẹ của bé đã tìm thấy con mình.

Mặc dù thế, Xiao vẫn chưa thể kết thúc hành trình tìm con trai. “Đêm nào tôi cũng mơ thấy cháu giục tôi đến cứu. Tôi vẫn tiếp tục tìm cho được đứa con lưu lạc, chừng nào tôi còn sống”, Xiao nói.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Lúa đông xuân thắng lớn, giá tăng 2.000 đồng/kg so với năm trước

Lúa đông xuân năm nay tại Trà Vinh được mùa, hiện giá lúa cũng đang ở mức cao, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước.

Bình luận mới nhất