| Hotline: 0983.970.780

Mọi cách đối phó gánh nặng viện phí

Thứ Năm 27/09/2012 , 10:40 (GMT+7)

Tiền viện phí quá lớn, nhiều người làm giấy nhập viện xong không có BHYT đành phải xin hoãn về đợt sau có thẻ mới quay lại. Những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện K Trung ương thì trực chờ xin bằng được suất cơm từ thiện để bớt đi gánh nặng chi phí.

Tiền viện phí quá lớn, nhiều người làm giấy nhập viện xong không có BHYT đành phải xin hoãn về đợt sau có thẻ mới quay lại. Những bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện K Trung ương thì trực chờ xin bằng được suất cơm từ thiện để bớt đi gánh nặng chi phí.

>> Để người thân bớt khổ
>> Viện phí tăng khủng, oằn lưng bệnh nhân nghèo!
>> Bệnh nhân ngơ ngác vì giá viện phí mới
>> Tỉnh nghèo muốn viện phí cao
>> Tăng viện phí, tăng trách nhiệm

Xin suất cơm thừa

10 giờ trưa, cơn mưa bất chợt đổ xuống. Hàng chục người bất chấp trời mưa xối xả, chen lấn nhau xin bằng được suất cơm miễn phí của nhà chùa Linh Sơn và tập đoàn Hoà Phát. Chùa Linh Sơn đã gần chục năm nay, trưa nào cũng phát cơm miễn phí cho các bệnh nhân nghèo vào buổi trưa. Để người nghèo thực sự được hưởng suất cơm từ thiện, nhà chùa đưa ra hình thức tem phiếu. Phiếu này được y tá của bệnh viện căn cứ vào hồ sơ, hoàn cảnh để phát. Tuy nhiên, vào buổi phát cơm nào những người không có phiếu cũng vây kín bàn. Người chống nạnh, người trên tay xách cả ống đang truyền nài nỉ xin nhà chùa cho một suất. Thằng bé chừng 7 tuổi, người còm nhom, đứng nép mình bên cột nhà để xe nhìn chới với vào bàn đang phát cơm mếu máo “cho mẹ con suất cơm”. Thấy mà thương, một người phụ nữ phát cơm đưa cho nó một hộp. Hàng chục người xúm lại “bác ơi cho con xin một hộp”, “con hết tiền ăn cơm rồi”, “nhà con nghèo lắm”… người phụ nữ phát cơm bảo, ai có phiếu mới cho. Nếu không thì phải chờ cuối buổi xem còn thừa suất nào không mới cho được.


Người bệnh vây kín để xin suất cơm thừa. 

Tiêu chuẩn, buổi trưa cơm từ thiện của nhà chùa chỉ có 100 suất. Người có phiếu đến lấy đã hết thì chẳng mơ gì đến lượt cơm thừa. Người ta chỉ hi vọng mỗi ngày dư ra một vài hộp có cái để xin là may lắm rồi. 11 giờ trưa, hết giờ quy định phát cơm. Người phụ nữ trạc tuổi 55 đứng dậy tuyên bố: “đã hết giờ phát cơm, cho các cô đó”. Hàng chục người chen chúc nhau trên chiếc bàn nhỏ cố dành cho được một suất cơm. Chiếc bàn chao đảo. Một người phụ nữ nói, trưa nay không tranh được cơm là mất 20.000 đồng ăn cơm quán rồi. Dù mang bệnh trong người, nhưng khi được “lệnh” tháo khoán thì ai cũng quên đi cảm giác đau đớn về thể xác, cố giằng xé hộp cơm về mình. Người nhanh tay vớ được, khi thoát ra khỏi “vòng vây” thì cơm cũng vừa lúc nát bấy.

Chị Trần Thị Thư (quê Thanh Hoá), túc trực từ lúc 9 giờ tới khi hết giờ phát cơm vẫn không xin được suất nào. Chị quay ra phàn nàn: “Các cô chẳng công bằng gì cả. Cháu đến từ sớm, lẽ ra cơm thừa đó phải để cho những người đến trước chứ. Đường này mọi người ùa vào lấy mà cháu chẳng được tí nào”. Chị Thư nằm viện đã hơn ba tháng nay với căn bệnh u bướu ở cổ. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng đi làm phụ hồ, các con đứa còn đi học, đứa nghỉ giữa chừng. Vậy mà từ lúc nằm viện tới giờ chị chưa một lần được y tá phát phiếu lấy cơm. Chị bảo, mình không có phiếu nên ngày nào cũng phải túc trực bên bàn cơm từ thiện này với hi vọng kiếm được suất cơm thừa trong ngày.

Khuôn mặt thẫn thờ của chị Nguyễn Thị Lý (quê Bắc Giang) vừa thoát ra khỏi đám đông trong cuộc “hỗn chiến” dành cơm. Chị vừa đi, miệng lẩm nhẩm: “Thế là hôm nay lại mất thêm 20.000 ăn cơm rồi”. Chị bảo: lần nào xin được cơm thì ngày đó dư được 15.000-20.000 đồng. Tiền đó để dồn lại lo viện phí, thuốc men, đỡ được đồng nào hay đồng đó. Chị Lý tâm sự: “Đất đồi ở nhà đã bán từ hai năm trước, khi tôi mới bất đầu nhập viện. Bây giờ nhà chẳng còn gì để bán nữa. Tấm bìa đỏ là tài sản duy nhất của cả gia đình cũng đã gửi ngân hàng. Nhiều lúc nghĩ chẳng chạy chữa thêm gì nữa để chết đi cho chồng con bớt khổ. Nhưng rồi cứ nghĩ đến các con còn nhỏ, chồng tất bật thay mọi công việc của người phụ nữ tôi lại thấy thương”. Tuy chồng chị không phải đến chăm sóc thường xuyên, song hàng tháng anh vẫn cố gắng vay mượn gửi tiền xuống cho chị điều trị. Có hôm tiếc tiền, một ngày chỉ dám ăn một bữa cơm. Chị nói trong nước mắt: “Mùa đông thì đỡ, có khi cả ngày không mất đồng tiền ăn nào. Hôm nào xin được suất cơm chia ra ăn làm hai bữa. Mùa nắng thế này làm như thế cơm sẽ bị thiu ngay”.

Không BHYT không dám vào viện

Từ khi tăng viện phí, đã không ít người đến khám bệnh đành phải ngậm ngùi quay về chờ đợt sau làm thẻ BHYT mới dám quay lại. Từ Nam Định mới lên, hai vợ chồng anh chị Trần Văn Ba-Nguyễn Thị Hoà vừa làm xong thủ tục nhập viện cho chị đã phải xin về vì lý do tiền phẫu thuật quá lớn. Anh Ba phân trần: do vợ anh không có BHYT, tiền phẫu thuận khối u ở vú dự tính hết vài chục triệu. Không đủ tiền, đành phải đưa vợ về chờ đến đợt làm thẻ BHYT mới đưa lên lại. “Nghe bác sĩ nói không có BHYT ca mổ và điều trị tại bệnh viện của vợ mình lên đến cả vài chục triệu, có khi đến cả trăm triệu. Một số tiền lớn như thế mình làm ruộng cả đời cũng không có. Bây giờ gắng làm cái thẻ bảo hiểm may ra đỡ được phần nào”, anh Ba tâm sự.

“Người dân đã nghèo nay còn tăng viện phí cao. Những người nông dân mỗi khi có bệnh chắc chỉ còn con đường chờ chết”, chị Tâm tâm sự.

Chị Lê Thị Tâm (quê Như Thanh, Thanh Hoá) nằm viện k được hơn ba tháng nay với chứng bệnh u vú. Mặc dù có bảo BHYT, song tới thời điểm hiện tại chị thống kê sơ bộ đã hết gần 70 triệu đồng. Năm nay mới 49 tuổi nhưng nhìn chị già lắm. Khi chúng tôi đến, chị đang nằm một mình ở khu nhà trọ trước cổng bệnh viện. Trước đây, ngày mới ra nhập viện chị cũng có chồng ở bên chăm sóc. Thời gian điều trị kéo dài. Phải gánh theo chi phí cho cả hai người ăn ở nên tốn kém. Chồng chị đành phải rút về quê để chị ở lại một mình nơi đất khách. Chị thống kê hàng loạt những khoản cần phải chi tiêu trong thời gian nằm viện. Nhưng tốn kém nhất vẫn là tiền ăn ở ngoại trú. Mỗi ngày chỉ tính riêng mình chị cũng phải hết cả trăm ngàn, chưa nói đến mỗi lần truyền hoá chất hết 1,2 triệu/lần.


Chị Tâm dù mang bệnh vẫn phải lo nấu cơm ở nhà trọ để giảm bớt chi phí

Tiền ngoại trú 20.000 ngày bây giờ đã tăng lên 30.000 đồng. Cơm cũng tăng từ 15.000 lên 20.000 đồng… mọi thứ sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Như vậy người bệnh không phải đau đầu mới chuyện lạ. Để đối phó với túi tiền của mình cho những ngày điều trị còn lại, chị Tâm phải sắm hai cái nồi nhỏ để nấu ăn ngay tại phòng trọ. Chị bảo một ngày ăn quán hết 20.00-25.000 đồng/suất cơm. Trong khi mang gạo ở nhà ra nấu, mua thêm 5.000-7.000 đồng tiền thức ăn nữa là ăn được cả ngày. Đang kể cho chúng tôi về chuyện ăn uống tiết kiệm, chị bỗng thốt lên như nghĩ ra cái gì quan trong muốn nói. Chị bảo, nếu không có BHYT chắc hẳn tôi đã chết lâu rồi. Chị kể: “Ngày đầu biết mình bị u, hai vợ chồng đã ra tận bệnh viện K Hà Nội khám. Biết mình bệnh hiểm nghèo, suốt nhiều tháng qua cả gia đình mất ăn mất ngủ. Không biết phải xoay sở tiền nong sao để mổ. Trong khi nhà nông ngoài đồng ruộng ra, chẳng biết nhòm ngó vào đâu”.

Để có được thẻ BHYT, đã không ít lần anh chị phải lên tận xã nhờ giúp đỡ. Biết chị mang bệnh hiểm nghèo, xã tạo điều kiện cho chị bằng việc tách hộ khẩu sang nhà đứa con trai tên Hoàng Ngọc Sơn. Gia đình anh Sơn thuộc diện hộ nghèo của thôn nên khi tách khẩu chị sẽ được làm BHYT diện hộ nghèo. “Đến khổ. Vợ chồng có nhà có cửa. Vậy mà chỉ vì đổ bệnh không có tiền chạy chữa tôi đã phải chuyển cả khẩu sang ở với con để được làm hộ nghèo. Cũng nhờ có chút hộ nghèo mà đến nay tôi còn sống được. Nếu tính sòng phẳng, chí phí tiền nằm viện từ hồi đến nay cũng ngót nghét hơn trăm triệu”, chị Tâm buồn rầu nói.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.