| Hotline: 0983.970.780

Mỗi năm thu khoảng 1 tỷ đồng từ xuất bán 600 - 700 heo rừng thương phẩm

Thứ Sáu 13/10/2017 , 13:08 (GMT+7)

Với 80 con heo rừng và heo rừng lai sinh sản đều đặn, chăm sóc cả heo mẹ và heo con, mỗi năm trang trại của anh Lê Thanh Tâm ở xã Suối Tiên, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) xuất ra thị trường từ 600 – 700 con heo thương phẩm, thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng.

Xác định nuôi lâu dài

Anh Tâm cho biết, anh đam mê nuôi heo rừng từ rất lâu nhưng đến năm 2001, anh mới có điều kiện để thực hiện. Những ngày đầu, để có được con giống là loài heo từ rừng nguyên sinh, anh phải dò hỏi khắp nơi mới mua được vài con giống được người dân bẫy về. Tuy nhiên, heo rừng nguyên sinh được đưa về thuần dưỡng không hề dễ dàng. Vì heo không quen với điều kiện sống mới nên nhiều con cứ chết dần.

12-41-42_1
Heo rừng lai trong trại nuôi của anh Tâm chỉ cho ăn các phế phẩm nông nghiệp nên thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng

“Tôi cũng đã cố gắng tìm mọi biện pháp từ xây dựng chuồng trại, tìm nguồn thức ăn phù hợp... nhưng heo vẫn cứ chết. Thế nên, thời gian đầu, tôi liên tục tìm mua giống vì loài heo rừng nguyên sinh bẫy về còn lành lặn để có thể nuôi, lâu lâu mới được một vài con mà phải đi rất xa mới có. Tính đến nay, tôi đã mua gần 100 con heo rừng giống rồi nhưng chỉ nuôi sống được 11 con thôi, trong đó có 1 con đực và 10 con cái”, anh Tâm cho biết.

Khi đã thuần dưỡng được 11 con heo rừng nguyên sinh, anh Tâm bắt đầu nhân giống rồi chọn những con heo mẹ tốt nhất để lại cho tăng đàn. Xác định không vội vàng trong việc thu lãi, từ 2 – 3 năm đầu, anh Tâm chấp nhận lỗ để phát triển số lượng đàn heo của mình. Khi số heo nái trong đàn đã lên đến vài chục con, anh Tâm bỏ thêm vốn, mua đất xây dựng chuồng trại để chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho đàn heo sinh sản và chăm sóc heo con.
 

Hiệu quả nhiều người mơ ước

“Đàn heo của tôi có cả heo rừng nguyên sinh và heo lai ở các đời F1, F2... nhưng nhìn chung thì chất lượng thịt cũng gần như tương đương nhau nên rất được thị trường ưa chuộng. Nếu như heo trắng bình thường có giá bán lúc lên lúc xuống và hiện nay chỉ khoảng 40.000 đồng/kg thì giống heo rừng này luôn có giá cao và ổn định từ 120.000 – 150.000 đồng/kg. Mỗi con heo trong trại nuôi của tôi thường cứ sau 8 tháng là xuất chuồng, đạt trọng lượng từ 25 – 30kg. Với giá bán hiện nay thì tiền bán thương phẩm bằng cả 1 con heo trắng bình thường có trọng lượng 1 tạ”, anh Tâm nói.

12-41-42_2
Với 80 con heo nái giống, mỗi năm anh Tâm cho xuất chuồng từ 600 – 700 con heo thương phẩm, thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng

Cũng theo anh Tâm, heo nái thường đẻ mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa từ 7 – 10 con nếu như chăm sóc tốt. Với 80 con heo nái đang có, mỗi năm anh Tâm cho xuất chuồng từ 600 – 700 con. Tính trung bình mỗi con heo đủ trọng lượng xuất có giá bán khoảng 3.000.000 đồng/con, sau khi trừ tất cả các chi phí như thức ăn, tiền công chăm sóc, cải tạo chuồng trại... anh thu lãi trên dưới 1 tỷ đồng.

“Tôi nuôi heo rừng lai đã nhiều năm nên cũng có tiếng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, được nhiều người biết đến. Một đặc điểm nữa là heo nuôi trong trại của tôi không hề sử dụng các loại cám công nghiệp mà chỉ nuôi bằng các phế phẩm nông nghiệp như bã sắn, xác bia, cám gạo, bèo tây... nên thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Hầu như heo đến thời điểm xuất chuồng đều được đặt mua hết nên tôi chưa bao giờ lo lắng về đầu ra. Có năm, trong vòng 1 tháng tết mà tôi xuất gần 500 con heo nhưng vẫn không cung cấp đủ nhu cầu”, anh Tâm chia sẻ.

Với lợi ích kinh tế từ heo rừng lai mang lại, anh Tâm dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng và cải tạo lại chuồng nuôi để tăng thêm thu nhập.

“Niềm đam mê với con heo rừng của tôi chưa bao giờ hết cả nên chắc chắn tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào nó. Loài này vừa ít bệnh tật, dễ nuôi và ăn rất ít mà giá bán lại cao khiến cho tôi càng có động lực hơn. Hiện tại vì bận rộn công việc nên tôi phải thuê người làm nên hiệu quả vẫn chưa cao. Sắp tới nghỉ hưu, có nhiều thời gian để trực tiếp chăm sóc và với kinh nghiệm của mình thì tôi tin sẽ còn hiệu quả hơn nữa”, anh Tâm khẳng định.

 

Xem thêm
Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.