| Hotline: 0983.970.780

Mối tình già xúc động núi rừng

Thứ Hai 25/11/2013 , 10:26 (GMT+7)

Tình già của cư dân vùng rẻo cao cũng phóng khoáng, tự nhiên và nguyên bản như núi đồi…

Ở vùng miền núi A Lưới (tỉnh TT-Huế), có những người già, mặc dù con cháu đuề huề nhưng vẫn băng rừng, vượt suối về ở với nhau, chăm sóc nhau khi tuổi xế chiều. Tình già của cư dân vùng rẻo cao cũng phóng khoáng, tự nhiên và nguyên bản như núi đồi…

LÀM DÂU TUỔI 84

Cứ mỗi buổi chiều, cháu Hồ Thị Mỵ (8 tuổi, thị trấn A Lưới) lại chạy ra trước ngõ ngóng bà nội trở về. Trong ký ức thơ dại của nó, mỗi lần bà mang a - chói từ chợ về, lỉnh kỉnh đủ thứ bánh trái, lòng nó vui như ngày hội. Mấy hôm nay, mặt nó buồn thiu. Anh Hồ Văn Khởi, bố cháu Mỵ an ủi con gái: “Mệ đi… lấy chồng rồi, không về nữa mô. Mai ba chở con xuống A Ngo thăm mệ”.

Ngồi rót hết mấy tuần trà mà anh Khởi cũng chẳng biết bắt đầu câu chuyện từ đâu, từ khi nào mẹ anh là bà Hồ Thị Tuyết (84 tuổi) có quyết định về ở với ông Quỳnh Hoàng (92 tuổi, thôn Ta Roi, xã A Ngo). Nhưng hễ ai người họ hàng nhắc đến chuyện này, Khởi tỏ ra rất bực. Gợi chuyện mãi, Khởi mới chịu kể nhưng cũng “nhắc nhở” tôi là chỉ kể một lần này thôi.


“Về ở để nương tựa nhau”, bà Hồ Thị Tuyết vui vẻ nói

Bố anh Khởi mất đã gần hai năm. Từ ngày bố mất, mẹ anh ít lên nương rẫy hẳn mà chỉ lủi thủi ở nhà, sớm trưa ra vào với ruộng vườn. Sáng sớm tinh sương bà Tuyết mang a - chói xuống chợ thị trấn, gùi thêm mấy cọng môn rừng, đem đổi bánh trái mang về cho cháu. Một ngày sau khi đi chợ về, chiều lại bà họp gia đình, tuyên bố là không ở trong nhà nữa, sẽ về nhà ông Quỳnh Hoàng, một nghệ nhân làm khèn nức tiếng ở xã A Ngo để “tiện bề chăm sóc nhau”.

Nghe nói, anh Khởi vừa giận, vừa thương mẹ, già rồi còn muốn đi làm dâu chi cho khổ tấm thân. Cả gia đình họ ngoại nội họp nhau, kéo xuống nhà anh Khởi hỏi cho ra nhẽ tại sao bà Tuyết lại muốn bỏ đi khỏi nhà. Ông bác anh Khởi là Vỗ Tôn, vỗ án chỉ mặt anh quát: “Mày có cho mẹ mày ăn không, mày có đánh mẹ mày không mà bà đòi bỏ đi?”. 

Anh Khởi bảo không phải, sáng hôm trước mẹ xuống chợ, đi lang thang rồi nghe tiếng khèn của ông Quỳnh Hoàng ở thôn Ta Roi. Thấy hay hay, thương ông, muốn về ở với ông, như mệ nói “để tiện bề chăm sóc” chứ con nào có đối xử tệ bạc với mẹ con bao giờ.

Với người Pa Cô, để tái giá về ở với nhau lúc tuổi xế chiều, thủ tục, lễ cúng cũng vô cùng tốn kém. Tất thảy phải trải qua 3 lần cúng, được sự cho phép của làng, thần linh, bà Tuyết mới được tái giá.



Tình già nơi vùng rẻo cao A Lưới

Lần đầu tiên, phải cúng cho Giàng Đùng (là thần linh canh giữ nhà), báo với Giàng rằng từ nay, mẹ anh Khởi không còn là người trong gia đình nữa, mà thuộc về một nơi khác. Lễ cúng gồm heo, gà, bò và xôi nếp.

Thứ hai là phải cúng cho người đã khuất (bố anh Khởi) thông báo về việc tái giá của mẹ anh. Lễ cúng này quan trọng nhất, nó được người Pa Cô gọi với cái tên Tực A Do Cù Mũi. Lễ cúng thứ ba cũng không thể thiếu các lễ vật bò, gà, heo dâng cho làng và cần có sự đồng ý của làng, bà Tuyết mới được đi về nhà mới.

Ngày bà Tuyết về nhà chồng, nhà gia đình anh Khởi cũng phải mang xuống nhà ông Quỳnh Hoàng cúng một con heo, 2 con gà, một bao gạo nếp để kính cáo với bà con, thần linh trong nhà đón chào một thành viên mới…

TIẾNG KHÈN VỀ THỜI HOA NIÊN

Thấm thoát bà Tuyết về nhà ông Quỳnh Hoàng ở cũng đã gần một năm nay. Trong căn nhà sàn nằm đầu thôn Ta Roi, xã A Ngo, hai tấm thân già ngồi tựa vào nhau bên bếp lửa, bà Tuyết nhẹ nhàng châm tẩu cho ông Quỳnh Hoàng. Từ trong căn bếp với ánh sáng nhờ nhờ, ẩm thấp, hai bóng già đổ lên nhau. Bà tựa cánh tay ông khó nhọc đứng dậy chào khách.

Hôm chúng tôi đến, hai ông bà đều mới ốm dậy, không đi nương rẫy được. Ông Quỳnh Hoàng là một nghệ nhân làm khèn nổi tiếng không chỉ ở huyện A Lưới mà còn được các nghệ nhân các vùng khác biết đến. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng hàng ngày cụ vẫn miệt mài làm khèn bán, sáng tác các ca khúc đậm chất núi rừng của đồng bào Pa Cô, Tà Ôi để hát dập dìu trên nương rẫy.

Ngồi mang khèn ra dạo một bản, châm tẩu hút, ông kể: “Miềng biết Kăn Tuyết (bà Tuyết) đã lâu, từ hồi trai trẻ. Vợ miềng mất sớm, miềng ở vậy nuôi con khôn lớn. Hôm đó, miềng ngồi ở nhà, buổi chiều buồn mang khèn ra thổi, Kăn Tuyết nghe rồi theo về.


Bà Hồ Thị Tuyết và ông Quỳnh Hoàng nương tựa khi tuổi già

Bà bảo sẽ bàn với gia đình về ở với miềng, chăm sóc miềng, tuổi già nương tựa nhau. Miềng đồng ý, vì từ lâu miềng cũng thích Tuyết, thích từ thời trai trẻ. Và cũng từ lâu trong nhà lại vắng bóng một người phụ nữ chăm sóc, nấu cơm nước cho cả nhà miềng nên ai cũng đồng ý cho Tuyết về ở".

Còn với bà Tuyết, đến với ông Quỳnh Hoàng không chỉ để tuổi già nương tựa nhau mà theo bà, bà biết đến Quỳnh Hoàng từ thời trẻ. Khi trai gái trong bản làng còn giữ nhiều nét văn hóa lễ hội, đi sim trên núi đồi thật tươi đẹp.

Hồi đó nhà bà Tuyết với ông Quỳnh Hoàng cũng ở gần nhau. Rồi chiến tranh phiêu bạt, mất nhau cũng từ ấy. Hòa bình trở lại, định cư tại A Lưới, thời gian cùng những ngày gian khó trên rừng sâu đã xóa nhòa đi hình ảnh, tiếng khèn thuở ban đầu.

Đã gần hai năm nay bà Tuyết thấy cô đơn, thui thủi chiếc bóng một mình trên nương rẫy. Bà thấy mình sắp đi hết con dốc của cuộc đời, không thể ở mãi với con cháu được. Rồi bà nghĩ đến những người bạn thuở xưa, những người cùng trang lứa, trong đó có ông Quỳnh Hoàng. Tiếng khèn của ông Quỳnh Hoàng đã dìu bà về với tuổi hoa niên, với những đêm trăng sáng, tiếng khèn khi gần khi xa, dập dìu qua đồi nương mời gọi.

Cũng nhờ tiếng khèn ấy, thứ âm thanh đậm chất núi rừng nơi đại ngàn thâm u buồn tẻ, bao nhiêu cặp trai gái đã nên duyên chồng vợ với nhau. Nghĩ rồi bà chợt thấy cô đơn, khi người bạn đời đã khuất núi được hai mùa lúa rẫy.

Ngồi tâm sự, bà bảo: “Miềng nghĩ đơn giản là về sống để ở gần nhau, giúp đỡ nhau khi tuổi già thôi. Nhà Quỳnh Hoàng vẫn có gạo cho miềng ăn, có rượu cho miềng uống khi trời lạnh. Nhưng khi về đây đến nay, Khởi chỉ về thăm mẹ nó có một lần, miềng buồn con lắm, nó không chịu hiểu cho miềng chi cả”.

Bà Tuyết bảo, mong ước cuối đời là được về với gia đình, được chôn bên cạnh người chồng cũ đã gắn bó với mình.

Nói về chuyện của mẹ, anh Khởi cho hay: “Theo tục lệ của người Pa Cô, khi Quỳnh Hoàng chết, nếu bên gia đình ông không đuổi mẹ miềng về thì bà vẫn được ở lại bên đó để sớm hôm gần gũi, thờ tự. Còn nếu bà bị đuổi về thì bên gia đình miềng cũng khó nhận, bởi lẽ lễ cúng rất rườm rà, làng khó mà chấp nhận lắm".

Những mối tình già nơi vùng cao A Lưới là một nét văn hóa độc đáo của đồng bào nơi đây. Nó là minh chứng sinh động cho tính cách chất phác, nguyên sơ của cư dân bản địa. Tình già âu cũng là tình người với những thương yêu, đùm bọc tuổi xế chiều.

Cũng có trường hợp tương tự là bà Kăn Nhật (75 tuổi, ở thị trấn A Lưới), sau một thời gian “tìm hiểu” cũng về sống với ông Quỳnh Hôm (78 tuổi, xã A Đớt). Chồng bà Kăn Nhật đã mất từ lâu. Việc “tái giá” bất ngờ của bà Kăn Nhật với mối “tình già” cũng mang lại sự khó xử, ngạc nhiên cho con cháu và xóm làng nơi cụ sinh sống.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Không tùy tiện tăng giá, ép khách du lịch dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Ngành du lịch yêu cầu các cơ quan quản lý địa phương và doanh nghiệp công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, không tùy tiện tăng giá.