| Hotline: 0983.970.780

Mối tình son sắt qua lửa đỏ

Thứ Bảy 01/10/2016 , 13:10 (GMT+7)

Người phụ nữ có họ tên Nguyễn Thị Châu là một biểu tượng son sắc của phong trào đấu tranh giành độc lập tại miền Nam Việt Nam.

Đã từng có nhiều cuốn sách viết về chị với sự thêm thắt thành một nhân vật văn học, thì giờ đây Nguyễn Thị Châu và mối tình với chiến sĩ bất khuất Lê Hồng Tư lại được tái hiện rực rỡ hơn qua “Lời tựa cho một tình yêu” của Trần Mai Hạnh!

09-18-42_trng-5

 

Nhà nghèo, đông con nhưng mẹ của chị Nguyễn Thị Châu còn phải nuôi thêm mấy đứa cháu. Cậu Ba của chị theo Việt Minh bị Pháp giết, mợ Ba cũng bị chúng hãm hiếp cho đến chết.

Năm 1950, ba chị được thả về với một cái bao tử đã bục nát vô phương cứu chữa sau bốn lần bị bắt và những trận đòn tra tấn tàn bạo. Được gần một tháng, ông mất. Bỏ học một năm, sau đó, chị tốt nghiệp thủ khoa trung học đệ nhất cấp, khóa 1955 - 1956 của tỉnh Biên Hòa, được đích thân tỉnh trưởng tặng phần thưởng. Chi phí trường công quá cao, chị không thể theo học áo tím Gia Long, đành phải đổi qua học Trường tư thục Văn Lang tại Sài Gòn.

Chị gặp anh Lê Hồng Tư, lớn hơn chị 3 tuổi ở đó. Nhà Tư còn thê thảm hơn, hai cha mẹ anh chỉ có chung một chiếc quần lãnh đen, ai có việc phải đi ra đường mới được mặc. Người ở nhà thì cứ quanh năm bao bố, đệm bàng thay vải che thân. Lăn lóc làm thợ và cố theo đuổi các lớp "bồi dưỡng văn hóa" (tức học bổ túc) mãi đến năm 1956, Lê Hồng Tư đã 21 tuổi mới bắt đầu vào học đệ tam (lớp 9 ngày nay), cùng lớp với Nguyễn Thị Châu.

Anh là một hạt nhân của phong trào học sinh - sinh viên đô thị. Một năm sau, chính anh thay mặt Ban Thanh vận (sau nay là Thành Đoàn) kết nạp Châu vào Đoàn TNCS. Riêng và chung, trái tim họ đã hòa chung nhịp đập. Sắp thi tú tài I, năm 1958, Lê Hồng Tư bị lộ, buộc phải chuyển trường theo yêu cầu công tác.

Loay hoay mãi, anh vẫn không tìm được người đủ độ tin cậy để thay mình ở lại lãnh đạo phong trào tại Văn Lang, trừ Châu. Dù biết gia đình người mình yêu thương rất nghèo.

Chị đi học còn phải nhờ vào đồng tiền nhịn hút thuốc của người chú ruột kèm theo bản cam kết với gia đình: học xong phải kiếm việc làm nuôi các em... Thế nhưng anh vẫn phải nén lòng chọn chị. Được chọn, nghĩa là Châu buộc phải tìm cách ở lại trường. Cái cớ hợp lý nhất để chị ở lại là... thi trượt.

Cuộc đấu tranh ngày càng phức tạp. Trong khi anh mải miết theo công tác thì những lá thư tỏ tình với chị Châu cũng nhiều thêm theo năm tháng. Thư của người thuộc thành phần đối lập có, của người có cảm tình với cách mạng cũng không ít. Người lên tiếng động viên, cảnh báo anh: nếu không “nhanh tay”, e rằng Châu sẽ thuộc về người khác... Người cảnh báo cho anh không phải ai  khác ngoài cô bạn gái của hai người, Mỹ Lệ.

Tuy nhiên, phải khá lâu sau, cơ hội mới đến. Đó là một chiều thứ bảy, Lê Hồng Tư có việc phải trở về cơ sở - phòng trọ của Nguyễn Thị Châu và hai người bạn khác. Hai cô bạn đã về quê, chỉ còn lại mình chị. Trời mưa rả rích. Trao đổi công việc xong, anh mới xa gần, lựa lời đề cập đến chuyện tình cảm. Lời từ chối thẳng thừng của chị khiến kẻ mới yêu lần đầu chết lặng.

Quay lên gác, anh vẫn cố lén nhìn xuống, chờ đợi một phần trăm cơ may thay đổi. Hình ảnh người con gái vẫn bình thản cặm cụi bên những bài toán đại số ngay sau khi mình tỏ tình khiến lòng anh quặn thắt. Anh không hề biết rằng, sau vẻ lạnh lùng ấy, lòng chị cũng đang bối rối: Nếu nhận lời yêu anh, có thể sẽ đi đến kết hôn, sẽ phải phụ lời cam kết với gia đình trước khi đi học, nhiệm vụ với cách mạng lại chưa tròn...

Mặc dù đề nghị cứ 6 tháng sẽ "hỏi lại ý kiến" của chị một lần nhưng một phần vì yêu cầu bảo mật công tác, phần vì sợ tái diễn vết thương lòng nên anh chưa dám hỏi lại. Phải đến hè năm 1960, trước khi đi công tác xa, anh mới có dịp hẹn gặp chị để trao đổi, giới thiệu người thay thế mới. Khi ấy, tình hình hết sức căng thẳng.

Theo nguyên tắc, nếu người nào trễ hẹn 10 phút thì người còn lại buộc phải di tản. 5 phút rồi 10 phút trôi qua, anh vẫn không thấy bóng dáng quen thuộc của chị. Thất vọng, anh lầm lũi quay xe về. Đến giữa cầu Bình Tây, anh thấy chị đang đi hối hả. Chị bị trễ xe buýt.

Biết anh chuẩn bị ra cứ, chị đã chuẩn bị sẵn một gói quà. Về nhà, mở ra, Lê Hồng Tư mới biết là chiếc khăn mặt, 2 chiếc quần đùi và 200 đồng. Anh xúc động lắm. Gắn bó công tác với chị đã lâu nên anh biết hoàn cảnh chị rất khó khăn. Để có được 200 đồng này, chắc chắn chị phải tiết kiệm rất nhiều.

Sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm lần 1, ngày 11/11/1960, cơ sở đứt đường dây liên lạc, tổ chức giao anh nối lại. Thêm một lần nữa, anh có dịp hẹn gặp chị. Lời tỏ tình chưa có câu trả lời thì xe đã lăn bánh, anh chỉ kịp nói với theo: “Còn sống trên trái đất này, anh còn giữ đề nghị thành hôn với em”.

Ngày 8-7-1961, cả Sài Gòn lẫn Washington đều rúng động với thông tin: biệt động Việt cộng đánh bom vào xe Đại sứ Mỹ Frederick Nolting. Báo chí Sài Gòn gọi đó là “Vụ án chấn động nhất đô thành Sài Gòn từ trước tới nay”.

Đó chính là chiến công của “tiểu đội quyết tử quân” thuộc lực lượng biệt động Ban cán sự học sinh sinh viên Khu Sài Gòn - Gia Định mà Lê Hồng Tư, khi ấy mới 26 tuổi, phụ trách chỉ huy. Đây cũng là những trận đánh Mỹ đầu tiên giữa Sài Gòn, mở ra phong trào sinh viên học sinh đánh Mỹ khắp các đô thị miền Nam... Cả tiểu đội quyết tử Lê Hồng Tư đều bị bắt, và tuyên bốn án tử hình, nhưng sau đó đưa đi lưu đày khổ sai ở Côn Đảo!

Ngày 9-2-1961, đang chuyển Cương lĩnh Mặt trận Dân tộc giải phóng, Nguyễn Thị Châu bị địch bắt vào trại Lê Văn Duyệt, rồi bị ném vào ngục tối P.42 ở Sở Thú. 

Sau đó là Quân lao Gia Định, Hầm khói Thủ Đức, rồi lại trở về trại Lê Văn Duyệt... Đau đớn nhưng cũng rất tự hào về anh, khi soạn tài liệu gửi đi khắp các buồng giam của trại Lê Văn Duyệt, chị đã gửi kèm theo câu nhắn: “Lê Hồng Tư là hôn phu của tôi. Đồng chí nào gặp, xin nói với anh ấy rằng: Nguyễn Thị Châu đồng ý!”.

09-18-42_trng-4
Mối tình Nguyễn Thị Châu - Lê Hồng Tư đẹp như huyền thoại

 

Ngày 2-5-1965, kẻ địch phải trả tự do cho Nguyễn Thị Châu. Chị tìm được đường lên chiến khu (ở Củ Chi). Tháng 5-1969, chị được Trung ương Cục gửi ra Hà Nội. Nghe chị kể chuyện, Bác Hồ đã khóc. Nguyễn Thị Châu được cử đi nhiều nước xã hội chủ nghĩa để chữa bệnh, tham gia đại hội Thanh niên, phụ nữ Thế giới và tham quan, học tập...

Hàng ngàn lượt đại biểu các nước đã phải lau nước mắt, khâm phục và kính trọng đối với cô gái Việt Nam nhỏ nhắn nhưng kiên trung, bất khuất. Khám bệnh cho chị, các bác sĩ Liên Xô cũng khóc. Trên cơ thể chị vẫn còn hàng trăm vết thương bởi những trận đánh đập, đòn tra...

Ngày 7-5-1975, Lê Hồng Tư đã cùng đồng đội trở về đất liền giữa vòng tay yêu thương, trong sự chào đón nồng nhiệt của đồng chí, đồng bào. Lúc này, chị là Chủ tịch quận 10. Nhận tin anh khá sớm nhưng trước mắt chị vẫn là cả núi công việc của địa phương mới giải phóng đang cần giải quyết. Chỉ khi cuộc họp cuối cùng đã chấm dứt, sau 12 giờ đêm, chị mới có điều kiện đến đón anh.

Một đám cưới cách mạng, giản dị nhưng đặc biệt vui vẻ, ấm áp với số khách tham dự gấp 3 lần khách mời dự kiến là một cái kết hoàn toàn có hậu cho mối tình đẹp như huyền thoại của họ. Vì những di chứng sau nhiều năm liên tục chịu sự tra tấn của kẻ thù, phải mất 2 năm sau, tình yêu ấy mới khai hoa nở nhụy: cậu bé Lê Nguyễn Hồng Quang cất tiếng khóc chào đời!

(Kiến thức gia đình số 38)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất