| Hotline: 0983.970.780

Mối tình vượt dãy Trường Sơn

Thứ Bảy 30/04/2016 , 13:32 (GMT+7)

“Chiến tranh có thể hủy diệt sự sống nhưng không thể hủy diệt được tình cảm con người” - mười tám con chữ trong hàng ngàn, hàng vạn con chữ được gửi gắm trong các bức thư mà bà Nguyễn Thị Kim Cương lưu giữ lại đã minh chứng rằng, bom đạn ác liệt có dội xuống...

“Chiến tranh có thể hủy diệt sự sống nhưng không thể hủy diệt được tình cảm con người” - mười tám con chữ trong hàng ngàn, hàng vạn con chữ được gửi gắm trong các bức thư mà bà Nguyễn Thị Kim Cương lưu giữ lại đã minh chứng rằng, bom đạn ác liệt có dội xuống nhiều bao nhiêu cũng không thể chiến thắng chữ “tình” của người quân nhân.

Từ những bức thư viết vội...

Hơn 40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhớ lại thời kỳ đế quốc Mỹ sử dụng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc, thông tin liên lạc thời bấy giờ chủ yếu thông qua “quân bưu”.

Mảnh đất quê hương bà Nguyễn Thị Kim Cương, ở thôn 7, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lúc ấy cũng là trọng điểm đánh phá của địch. Giờ đây lục tìm lại ký ức, tài sản bà Cương còn lưu giữ được chính là những bức thư về mối tình đầu với chiến sỹ Võ Minh, nhập ngũ từ năm 1968, là bộ đội chiến đấu ở chiến trường Lào, Campuchia và mặt trận Đông Nam bộ.

Bà Cương dù đã xấp xỉ cái tuổi thất thập nhưng hãy còn tinh thông lắm. Khi chúng tôi đề cập đến những bức thư tình thời chiến, bà không ngần ngại trải lòng về mối tình “độc nhất vô nhị” đã đơm hoa kết trái gần 4 thập kỷ.

Bà kể, quê gốc của bà ở xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh. Năm 1971, sau khi tốt nghiệp lớp 10, trong xã có đợt tuyển quân, thời kỳ đó, ngày nào cũng có hàng chục nam thanh, nữ tú lên đường ra chiến trận. Bà Cương cũng làm đơn lên xã, đi khám sức khỏe để được nhập ngũ. Ít ngày sau, bà có giấy báo trúng tuyển.

12-37-41_5
Bức ảnh ông Minh, bà Cương chụp chung thời trẻ còn sót lại

“Tôi háo hức mang giấy báo về khoe, cha mẹ nhìn tôi đầy lo lắng. Tôi hiểu nỗi lo của cha mẹ vì gia đình vừa nhận giấy báo tử của anh trai cả hy sinh ở Quảng Trị. Nhưng lúc ấy tôi quyết tâm đi để “trả thù nhà, đền nợ nước” nên tìm mọi cách để thuyết phục, cuối cùng cha mẹ cũng đồng ý cho tôi nhập ngũ”.

Sau một tháng huấn luyện cấp tốc, cuối năm 1971, bà được điều vào Đội điều trị 204 - Tổng cục Hậu cần, làm y tá, phục vụ Mặt trận B5. Đến năm 1975 bà tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình tham gia chiến đấu ở các mặt trận bà vừa tham gia khóa học sơ cấp quân y (6 tháng) vừa cùng đồng đội cứu chữa thương, bệnh binh. Tháng 12/1976 bà xuất ngũ trở về địa phương, mang trong mình những ảnh hưởng từ chất độc da cam do giặc Mỹ thả xuống.

5 năm tham gia chiến đấu, gần một trăm bức thư của chiến sỹ Võ Minh vượt qua mưa bom bão đạn được chuyển đến cho thiếu nữ Kim Cương. Họ là đồng hương, cùng học chung trường huyện Kỳ Anh. Khi cả hai quyết định đi bộ đội thì thư tay là hình thức liên lạc duy nhất để họ động viên nhau vượt qua khó khăn, gian khổ: “Em nguyện làm con chiên ngoan đạo/Cầu cho anh gặp mọi phúc lành”.

Những bức thư viết vội trong giờ nghỉ ăn trưa, trong hầm tối hay những đêm khuya trằn trọc không ngủ trên trang giấy pơ-luya, giấy lụa, giấy chống thấm bọc trứng... có khi chuyển được đến tay đối phương nhưng cũng không ít bức thư nằm lại đâu đó giữa núi rừng hoang vu.

Trong đó, có bức thư tình dài 12 trang giấy mà theo bà Cương, bà không nhận được, còn ông Võ Minh cũng vì thế mà hờn dỗi sự hờ hững của “người yêu”.

Mở đầu bức thư nào chiến sỹ Minh cũng bày tỏ tình cảm của mình bằng những câu từ, vần thơ mùi mẫn: “Kim Cương rất thương nhớ của anh; Cương thương nhớ của anh; Chiến trường một buổi chiều nhớ em; Anh ở ngoài kia có lạnh không/Nhớ anh em vẫn để trong lòng/Như con sông nhỏ ngày đêm ấy/Cứ chảy trăm năm chẳng đổi dòng...”. Và trong những bức thư mà họ kê trên đùi, rọi đèn pin ngồi viết dưới hầm ấy chính là cuộc sống hàng ngày từ ăn, ở, chiến đấu trong đơn vị.

12-37-41_1
12-37-41_2
12-37-41_3
12-37-41_4
Những bức thư tình thời chiến ông Minh gửi, bà Cương vẫn lưu giữ cẩn thận

“...Chiến tranh là bạo tàn nhưng chiến tranh có làm gì nổi sự sống bình thường của cuộc đời đâu!... Chiến tranh bắt con người thiếu gạo ăn thì họ ăn cái khác, miễn là sống được để tiếp tục sự nghiệp của mình. Ở chiến trường người ta biết thêm nhiều món ăn mới đến quái quỷ: cháo cây xương rồng, cây rau ráy... Có điều nó đảm bảo cho một sự sống sinh tồn: Lợn ăn được thì người cũng ăn được...”, bức thư ngày 8/5/1971 từ Nam Lào viết.

Những bức thư còn giúp ông bà chia sẻ, động viên nhau vượt qua gian khổ, một lòng chiến đấu vì độc lập, tự do.

Thư ngày 22/12/1970 gửi từ thành Vinh, ông Minh viết: “...Hạnh phúc giục giã con người ta hãy xông lên phía trước vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì thống nhất nước nhà theo cái lẽ: Hạnh phúc cá thể là một góc trong hạnh phúc dân tộc... Những lá thư của em đã bù đắp một phần rất lớn trong khoảng trống của trái tim anh. Anh lấy đó làm hạnh phúc, làm niềm an ủi cho những tháng ngày khô héo quay quắt...”.

“...Với người chiến sỹ, có lẽ sự thiếu thốn lớn nhất là tình cảm. Em biết đấy, anh bộ đội có cái tình thương toàn thể mà thiếu tình thương cá thể (cả nghĩa bạn bè và tình cảm yêu đương), nhưng lạ lùng thay, người tiếp xúc với tình cảm, ít được sự âu yếm trong cuộc sống lại chính là người có sức mạnh tình yêu trỗi dậy mãnh liệt nhất em à!

Không khoe khoang, trong cuộc sống nhất là trong xã hội khoe khoang cũng tội lỗi, là ngu ngốc, song tình cảm của mình anh phải biết tôn trọng và giữ gìn được: nghĩa tình thân, nghĩa bạn bè và nghĩa đồng bào. Theo anh có gìn giữ những tình cảm ấy thì sẽ có tình yêu mãnh liệt...”, đây là một phần nội dung bức thư ngày 15/4/1974 gửi từ Lộc Ninh, ông Minh trải lòng với người yêu.

Tâm sự với chúng tôi, bà Cương nói rằng: “Trong chiến tranh những bức thư trần tục, đời thường và rất đỗi chân thành được xem như liều thuốc tin thần giúp người chiến sỹ tin vào sự sống, tình yêu mãnh liệt để chống lại nỗi sợ hãi, sự chết chóc”. Bà còn bảo, bà thường viết thư kể lại những câu chuyện nuôi thương binh cho ông Minh nghe.

Điển hình là năm 1972, ta mở chiến dịch Trị Thiên, thương binh về nhiều, cả đội điều trị 204 thay nhau trực cả ngày lẫn đêm. Có thương binh bị cụt cả hai chân, hai tay, ngồi không được, nằm cũng không được, các anh đau đớn vật vã không ngủ. “Hồi đó tôi mới 18 tuổi, chưa từng yêu, chưa được con trai nắm tay bao giờ, tính lại hay xấu hổ, vậy mà tôi ngồi hàng tiếng đồng hồ cho anh thương binh ấy tựa vào vai. Hình như hơi ấm của người con gái cùng với lời ru của tôi làm anh ngủ được chút ít”, bà Cương nói.

Bà kể tiếp, có những chiến sỹ bị bom nổ điếc tai, phải điều trị trong nỗi sợ hãi nên bác sỹ, y tá động viên họ bằng cách viết vào giấy, vào lưng, lừa rằng ở cùng quê với bệnh nhân đó để tiếp thêm sức mạnh giúp họ chữa bệnh.

Tình yêu đơm hoa kết trái

Tình cảm ông Võ Minh gửi gắm qua các bức thư bà Cương cảm nhận được hết, nhưng mãi đến cuối năm 1978 mối tình của anh quân nhân Tây Trường Sơn và cô y tá Đông Trường Sơn mới đơm hoa kết trái.

“Chiều 30 Tết năm 1976 ông ấy xuất ngũ thì ngày mùng 1 đã cùng em trai chạy bộ 50 km đường rừng núi lau lách đến xin bố mẹ hỏi cưới tôi. Lúc ấy tôi thực sự cảm động, tin rằng ông ấy sẽ mang lại hạnh phúc cho tôi”, bà Cương hạnh phúc nhớ lại.

Sau khi nhận lời tỏ tình của ông Minh, bà Cương đi học Trung cấp hóa còn ông Minh tiếp tục hoàn thành THPT rồi học lên Đại học. Họ kết hôn vào năm 1978 rồi lần lượt sinh hạ 3 cô công chúa.

Đang kể, có tiếng khóc trẻ con trong buồng vọng ra, bà Cương vào bế một cháu gái trở ra, nói: “Đây là cháu ngoại của tôi. Cháu sinh ra phải chịu thiệt thòi vì mẹ bị ảnh hưởng chất độc da cam từ vợ chồng tôi. 2 người con gái còn lại nay cũng đã yên bề gia thất, vợ chồng tôi thì sống dựa vào tiền trợ cấp thương tật và buôn bán nhỏ”.

12-37-41_7
Tập thơ dày hàng chục trang chiến sỹ Minh viết tặng riêng người yêu Kim Cương

Cuộc sống của vợ chồng thương binh hạng 4/4 ngày ngày vẫn trôi qua êm đềm, thỉnh thoảng hai ông bà lại ngồi ôn lại những kỷ niệm thời xưa. Họ không ngượng ngùng, e thẹn mà luôn thấy hãnh diện, từ hào về những tình cảm chân thành đã dành cho nhau. Những bức thư bà Cương trao cho chúng tôi là những bức thư được photocopy lại. Thư gốc và một số kỷ vật thời chiến bà đã hiến tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

“Tôi mong muốn những kỷ vật ấy sẽ được thế hệ con cháu hậu bối trân trọng, gìn giữ. Bởi đó là những kỷ vật gắn với mồ hôi, nước mắt, xương máu của những người lính đã chiến đấu quên thân mình để đổi lấy độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc”, bà Cương chia sẻ.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất