| Hotline: 0983.970.780

Mon men ra "biển lớn" đã... nát bươm !

Thứ Ba 27/03/2012 , 14:18 (GMT+7)

Sự èo uột của các HTX trái cây đã phản ánh rất rõ hậu quả tất yếu của việc bỏ quên quy hoạch, bỏ quên chiến lược phát triển

Người ta ví các HTX trái cây của VN giống như mấy con thuyền lá, chỉ mon men phía bờ biển đã bị sóng cấp 3, cấp 4 dập cho nát bươm, không ngóc lên được. Sự èo uột của các HTX trái cây đã phản ánh rất rõ hậu quả tất yếu của việc bỏ quên quy hoạch, bỏ quên chiến lược phát triển và chẳng thể “túm được tóc” vị tư lệnh ngành trái cây cụ thể…

>> Đánh vật với tiêu chuẩn

“CHƯA BAO GIỜ KÝ NỔI HỢP ĐỒNG BÁN RA NƯỚC NGOÀI”


HTX èo uột nhiều năm qua chẳng thể giúp nổi nông dân liên kết sản xuất lớn, an toàn.

Tham vọng lớn, mơ ước nhiều, nhưng suốt nhiều năm qua, sau khi dự án hỗ trợ 30 ha khóm VietGAP của nhà nước rút đi, HTX Quyết Thắng (xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước, Tiền Giang) vẫn dậm chân tại chỗ khi chẳng phát triển thêm nổi 1 ha đạt VietGAP nào. Thực ra HTX nhiều năm qua thi thoảng vẫn được người ta ca tụng vì có số hộ xã viên đông (328 hộ), tập trung diện tích lớn (275 ha), nhưng đó chỉ là chuyện số lượng. Cứ nghe lời khẳng định chân thành của ông chủ nhiệm Bùi Công Thành là sẽ rõ: “Từ trước đến nay HTX chưa có nổi một hợp đồng bán trực tiếp nào với đối tác nước ngoài! Chỉ duy nhất có một lần cắc cớ, năm 2010 HTX liều mình đem chào hàng bằng cách xuất thử lô khóm đầu tiên sang Úc cho đối tác “xem mặt”, nhưng cuối cùng thất bại vì họ chê chất lượng và giá không đáp ứng được”.

Ông Bùi Công Thành:  Chưa bao giờ ký nổi hợp đồng bán ra nước ngoài
Ông Thành cũng cho rằng, muốn đáp ứng được yêu cầu khắt khe của đối tác, tất nhiên nông dân phải sản xuất an toàn, tức làm theo GAP. Tuy nhiên, ngay từ ban đầu nông dân đã không mấy tin tưởng (vì đầu ra, hợp đồng không có) nên phát sinh tâm lý làm theo kiểu đối phó. Trong khi HTX gần như tay không: cơ sở vật chất không, nhà máy sơ chế không, tài chính cũng không nên thử hỏi Ban chủ nhiệm làm sao bay qua bay lại các nước, mời chào hàng, ký kết hợp đồng được chứ!?

Vậy là cứ vòng luẩn quẩn, mâu thuẫn: Nhà nước ra sức kêu gọi làm GAP, nhà khoa học, các vị khuyến nông hết xuống vườn lại điện thoại hô hào làm GAP. Vậy nhưng, tại các cuộc họp của HTX, nhiều xã viên đặt câu hỏi: “Chúng tôi làm GAP có lợi gì? Bán cho ai?...”, thì các vị trong Ban chủ nhiệm chỉ có tái mặt, chẳng biết trả lời ra sao. Chả nhẽ lại thuyết giảng những ngôn từ cũ rích (biết rồi, khổ lắm, nói mãi): nào làm GAP thì an toàn, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch hại…vân vân và vân vân. Nhưng cái nông dân cần nhất là đòn bẩy kinh tế thì chịu, vậy là hòa cả làng, mạnh ai người đó lại quay về cách sản xuất mang tính kinh nghiệm truyền thống của mình. Nhiều nông dân khẳng định, khóm đã không xuất khẩu được đã đành, mà trong nước cũng bị ép cho ra bã. Hiện hầu hết khóm làm ra phụ thuộc vào nhà máy chế biến rau quả Tiền Giang (chiếm trên 50% lượng hàng của HTX). Chỉ cần nhà máy ngưng “ăn” hàng là hầu như lượng khóm của HTX để chín rục đổ bỏ đi không hết. Tuy nhiên, giá nhà máy thu mua thường ép thấp hơn so với thị trường từ 15-20%. Hơn nữa, còn bắt nông dân chặt đầu, chặt đuôi trái khóm khiến bị hao hụt 25% trọng lượng. Do vậy, nhiều nông dân không chịu bán cho nhà máy mà chỉ gọi thương lái vào thu mua, bán xô ngay tại ruộng cho… dễ thở!

HTX GLOBALGAP CHỈ LÀ DANH, CÒN THỰC LÀ VỰA TRÁI CÂY THÔI!

Cỡ như HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, nơi tiên phong trong việc ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn toàn cầu và từng đạt giấy chứng nhận GlobalGAP mà còn thế, huống hồ các HTX vô danh khác!

Nghịch lý này được thể hiện rõ ràng nhất bằng lời thú nhận của ông chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Ngàn: “Chứng chỉ GlobalGAP của chúng tôi hết hạn từ lâu rồi, giờ chẳng còn tiền để xin cấp lại nữa!”. Điều đó có nghĩa vú sữa của HTX Lò Rèn Vĩnh Kim cũng như vú sữa của các HTX vô danh khác, chẳng còn bất cứ chứng nhận tiêu chuẩn nào để từ nông dân cho đến Ban chủ nhiệm HTX phải cố gắng làm theo.

Ông Nguyễn Văn Ngàn: HTX GLOBALGAP chỉ là danh, còn thực là vựa trái cây thôi.
Ông Ngàn cho biết, năm đầu tiên 2008 HTX chứng nhận GlobalGAP mất 7.374 USD được tập đoàn Metro Cash hỗ trợ, sang năm 2009 tái công nhận mất 5.000 USD được Dự án phát triển cây vú sữa của tỉnh hỗ trợ. Nhưng đến năm 2010 thì không có tiền tái chứng nhận nên HTX đã mất tiêu chuẩn Global GAP. Vậy nhưng, suốt thời gian qua HTX đề xuất Sở KH-CN làm văn bản lên UBND tỉnh xin kinh phí, nhưng cũng chẳng thấy người ta phản hồi gì. Một số đối tác châu Âu thi thoảng cũng liên hệ tính nhập vú sữa của HTX, nhưng khi biết giấy chứng nhận GlobalGAP hết hạn nên quay ngoắt. Từ đó, HTX cũng như các hội viên chẳng còn mặn mà gì với việc sản xuất vú sữa theo tiêu chuẩn nữa, mạnh ai người đó trồng, chăm sóc và bán theo mối lái của riêng mình.

Vậy là cứ tới mùa vụ, HTX lại chia nhau đi tìm kiếm vườn tốt, vườn đẹp của nông dân để thu mua hàng, không có sự ràng buộc chặt chẽ, rõ ràng và quy củ như quy định của tiêu chuẩn GlobalGAP như trước đây. Ông Ngàn cho rằng, làm thế nào nhà nước phải liên kết được 1 – 2 DN lớn, có tiếng nói để bao tiêu sản phẩm xuất khẩu cho nông dân, lúc đó thì tự động họ sẽ làm theo vì thấy lợi ích. Đơn cử như cánh đồng mẫu lớn là một mô hình kết hợp sản xuất, xuất khẩu giữa nông dân và DN. Nhà nước cũng phải có chính sách khuyến khích cụ thể với nông dân tham gia sản xuất theo GlobalGAP. Hiện giờ HTX không tiếp cận được ngân hàng, vì thế khi có đơn hàng lớn thường phải alô vay nóng bên ngoài để giải quyết nhanh. Phải vay nóng thì tiền lãi đâu còn bao nhiêu. Hai năm nay lượng hàng XK ít quá, không có hợp đồng XK nên tỉnh cũng bỏ lơ, không quan tâm nữa. Đơn cử như chuyện hỗ trợ 5.000 USD để tái chứng nhận Global GAP tỉnh không mặn mà xem xét.

“HTX thực chất chẳng khác nào các nhà vựa tư nhân bên ngoài. Giờ chúng tôi chỉ biết ngồi chờ chính sách lớn từ trung ương, chứ bây giờ tỉnh bỏ phế giao hết cho HTX để vực dậy vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim thì chúng tôi không thể làm nổi” – ông Ngàn đau đáu nói.

THIẾU QUAN TÂM ĐẦU TƯ THÌ LÀM SAO RA BIỂN LỚN!?

Tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành, Bến Tre) có hơn 50 hộ nông dân tham gia với diện tích gần 30 ha, nhưng trong đó chỉ có 6 ha đạt VietGAP. Rất may là tổ có được hợp đồng với cơ sở Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc) mua mỗi tháng vài tấn bưởi cho bà con có vườn đạt VietGAP với giá cao hơn từ 1.000 – 3.000 đồng/kg tùy thời điểm.

Ông Bùi Văn Chỉnh: Thiếu quan tâm đầu tư thì làm sao ra biển lớn !?
Tuy nhiên, khi tổ muốn phát triển tăng thêm diện tích trái bưởi theo mô hình nông nghiệp tốt thì tức khắc gặp đủ trở ngại. Thứ nhất là chuyện đầu ra, nhìn xung quanh chúng tôi mới chỉ thấy cơ sở Hương Miền Tây mặn mà với trái bưởi sạch của bà con nông dân (thi thoảng có thêm siêu thị Bến Tre đặt vấn đề thu mua số lượng rất nhỏ), nên mỗi khi đi tuyên truyền bà con làm VietGAP là vướng ngay. Họ lo đầu ra không có, trong khi phải đầu tư đủ thứ như nhà vệ sinh tự hoại để hạn chế ô nhiễm môi trường, phải làm nhà kho để chứa phân bón, trong nhà kho có tủ, kệ đựng thuốc BVTV, chỗ để dụng cụ làm vườn, có tủ thuốc y tế gia đình, có nhà tắm rửa sau khi phun thuốc, có chỗ súc rửa bình xịt, hố đốt rác thải, nhất là phải ghi chép sổ nhật ký sản xuất như ngày bón phân, phun thuốc BVTV (để xác định thời gian cách ly khi thu hoạch trái bảo đảm an toàn) vô cùng mất thời gian.

Vì thế, ông Chỉnh cho rằng các dự án giúp bà con sản xuất nông nghiệp tốt phải thường xuyên, liên tục; song song đó dự án cũng phải phối hợp với DN để ký kết tham gia bao tiêu cho người dân. Tổ hợp tác sẵn sàng đứng ra phối hợp với DN, thông qua tổ bao tiêu cho dân. Chứ bây giờ họ hỏi: “Nếu sản xuất theo GAP, các ông sẽ mua với giá bao nhiêu?, thì đúng là bó tay. Tổ hợp tác hay cả HTX làm gì có tài chính mạnh, có thị trường XK lớn mà dám đưa ra mức giá sàn tối thiểu để trả lời nông dân được. Lực bất tòng tâm và nông dân cũng chẳng mặn mà với sản xuất sạch hay làm ăn lớn nữa!

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất