| Hotline: 0983.970.780

Mông lung phía chân trời

Thứ Sáu 15/04/2011 , 10:51 (GMT+7)

Nơi ở mới tuy đã hơn hẳn nơi ở cũ nhưng ruộng nương chưa có thì chẳng nói được điều gì, tương lai vẫn còn mông lung lắm, tít ở mãi chân trời

Nhìn những ngôi nhà ở các khu tái định cư thủy điện Huội Quảng và Bản Chát mới được xây dựng mái lợp phi - bờ - rô-xi măng, vách lịa ván khang trang, nhà cách nhà thẳng tắp…ai cũng phải khen nơi ở mới hơn hẳn nơi ở cũ rồi.

>> Nậm Mu trước ngày chặn dòng

Nhưng có ai thấu hiểu cuộc sống của những sống trong những ngôi nhà đó, họ chỉ có một ước mơ giản dị như bao đời ông cha họ, là có đất làm ruộng, có nước sản xuất và sinh hoạt… Ruộng nương chưa có thì chẳng nói được điều gì, tương lai vẫn còn mông lung lắm, tít ở mãi chân trời…

Bản đẹp nhưng cây trồng mãi chẳng lên

Năm 2007 hai bản đầu tiên của huyện Than Uyên (Lào Cai) là Bản Chát và Bản Đốc ra đi để lấy mặt bằng xây dựng nhà máy thủy điện Huội Quảng và Bản Chát, định mức đất ở cho mỗi hộ từ 450-500m2, đất sản suất nông nghiệp từ 1-1,2 ha, trong đó ruộng nước 0,2 - 0,35 ha, tuỳ theo quĩ đất của từng điểm tái định cư. Do ở trên cao, ruộng bậc thang chỉ cấy được vụ mùa, tất cả đều dựa vào nước trời do Ban Quản lý dự án di dân tái định cư mua của người dân sở tại rồi phân cho các hộ.

Niềm vui của vợ chồng Hoàng Văn Pun bên ngôi nhà mới

Để có nước tưới ruộng cho khu vực tái định cư Tà Mung và Bản Chát, dự án công trình thủy lợi Nậm Mở dẫn nước từ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) dài 18km, với số vốn dự toán ban đầu là 170 tỷ, nhằm tưới nước cho 700 ha ruộng, nhưng cho đến nay công trình thủy lợi đó vẫn đang thi công. Bởi thế, ruộng của người dân ở đây chỉ cấy được một vụ, năm nào mưa sớm thì được cấy sớm, năm nào mưa muộn thì phải cấy muộn. Năm 2010 mưa đã muộn lại ít, nên nhiều diện tích cấy chẳng được thu, đến khi lúa trổ bông cần nước làm hạt thì hết mưa, do ruộng nằm ở trên cao tạnh mưa vài ba ngày là đất khô khốc, nứt toác bông lúa cứ chổng ngược lên như lá cỏ tranh.

Ông Hoàng Văn Mầng gương mặt đen sạm cho tôi hay: Nhà mình ở bản cũ mỗi năm thu trên 10 tấn thóc, không lo đói. Nay chuyển lên đây ruộng được chia rồi nhưng không đủ nước cấy, thu hoạch chả được bao nhiêu. Mấy năm trước bà con còn về bản cũ cấy những diện tích nhà máy chưa thi công, có nhà thu được vài chục bao thóc cũng tạm đủ ăn, hai năm nay thì không còn đất để cấy nữa rồi. Nhiều nhà không có việc làm phải xuống đường cái, ai thuê làm gì thì làm, để có tiền mua gạo và quần áo, sách vở cho đám trẻ. Sống ở đây bản làng đẹp thật, nhưng mà gió quá, trồng cây mãi vẫn chẳng lên…

Nhiều hộ dân ở bản Tát Xôm xã Trung Đồng (Tân Uyên) cứ nằng nặc đòi xuống thấp, họ ngại lên cao không chỉ thiếu nước sản xuất, việc đi lại cũng khó khăn hơn. Nhìn gương những bản đi trước sống vắt vẻo trên sườn núi ruộng thiếu nước cấy, nước sinh hoạt cũng khó khăn, họ muốn xuống gần Cty Chè Than Uyên để mùa nông nhàn còn có cơ hội đi làm cỏ, hái chè thuê kiếm mỗi ngày vài chục ngàn, sống ở trên cao thì tìm đâu ra việc để làm?

Chị Lò Thị Lả cùng mấy người phụ nữ đi hái chè thuê vội vã trên đường trở về bảo tôi: Chúng em có ai biết hái chè đâu, mùa này chả có việc thì rủ nhau đi hái chè cho công ty, mỗi cân được họ trả hai ngàn đồng, đây là chè xuân họ trả thế, vào chính vụ thì mỗi cân chỉ được trả ngàn hai, ngàn ba thôi. Mới đầu chưa biết hái đâu, bây giờ thì biết hái rồi, ngày cũng hái được hai ba chục cân đủ mua gạo cán bộ à…Những ai được người ta thuê đi hái chè đều sung sướng như chị Lả, sau khi cân chè xong chủ nương chè trả tiền ngay, chả mấy khi họ nợ.

Nhiều tiền mà không sướng

Anh Lò Văn Pun, dân tộc Khơ Mú bản Pắc Pha chuyển lên điểm tái định cư Nậm Bon, xã Phúc Khoa. Bản nằm trên sườn núi cuối bãi tha ma của bản Nậm Bon, cả bản có 52 hộ chuyển về điểm tái định cư từ ngày 18/2/2011. Tôi thấy Pun đang bế một đứa trẻ da vàng bủng khoảng 2 tuổi, hỏi ra mới hay năm nay Pun mới 38 tuổi nhưng có tới 7 đứa con, đứa Pun đang bế là đứa út. Nhà Pun được đền bù hơn 900 triệu, tất cả các khoản ruộng nương, nhà cửa, cây cối…nhưng mới nhận 160/210 triệu tiền đợt I. Số còn lại cán bộ chưa phát vì sợ Pun mang tiền đi uống rượu hết.  

Hoàng Văn Tám và vợ phản ánh tâm tư nguyện vọng với nhà báo

Nhà Pun đã dựng xong, mái lợp tôn xanh gợn sóng thuê thợ tận Sơn La về làm, với giá tiền công là 12 triệu. Pun bảo: Nhà mình là nhà cũ dựng lại giá chỉ thế thôi, nhà nào làm mới thì tiền công là 15 triệu. Hôm qua mình làm lý lên nhà mới, mời ông bà tổ tiên về nhà mới rồi nhá, mời anh em về uống rượu cho vui…Cứ nhìn gương mặt và nghe giọng nói của Pun đủ biết Pun còn đang bung biêng lắm.

"Bà con đòi hỏi như vậy là chính đáng, trước mắt là đất ở, sau là đất sản xuất, huyện và xã sẽ cùng Ban Quản lý dự án phải vận động bà con san sẻ ruộng đất cho những hộ mới đến. Do quĩ đất ruộng của xã không nhiều, để đảm bảo cuộc sống cho bà con, không nhất thiết phải có ruộng, nơi đây có thể trồng chè, chăn nuôi và làm nhiều nghề khác nhau để có thu nhập. Trước mắt cần giúp bà con ổn định cuộc sống đã, mọi việc phải tiến hành từng bước", Phó Bí thư Đảng ủy xã Phúc Khoa Nguyễn Văn Kinh.

Nghe nói có nhà báo về, Hoàng Văn Tám cùng vợ đến, mặt Tám đỏ tưng bừng vì có hơi men miệng nói huyên thuyên, nghe vợ nhắc Tám mới thôi. Tám bảo: Ở Pắc Pha nhà cháu có hai khu ruộng, một khu cấy được hai vụ và 4 cái ao. Được đền bù tất cả hơn 500 triệu. Ruộng nhiều nên năm nào nhà cháu cũng thu được 4-5 tấn thóc, ăn cả năm không hết. Về đây chả biết Nhà nước chia cho bao nhiêu ruộng, được cấp gạo ăn trong 2 năm, hết hai năm thì chúng cháu lấy gì ăn hả chú? Chả biết thế nào nữa, đến nơi ở mới này nước ăn cũng chả có, mấy hôm đầu Ban Quản lý dự án có dẫn nước về, thì có nước dùng, đến bây giờ thì chả có nước dùng, nghe nói đường ống bị người ta lấy cắp rồi, mọi người phải xuống tận bản Nậm Bon gánh nước, còn tắm giặt thì xuống suối Nậm Be. Cứ thế này đến mùa hè chết khát vì thiếu nước. Ngày mai cháu dựng nhà, được hai mươi mét chiều dài, đủ làm nhà và bếp, còn chuồng trâu và vườn rau thì chả có đất làm, trâu bò, lợn gà lại buộc, nhốt dưới gầm sàn như nơi ở cũ thì sao bảo là tốt hơn được?

Tám cứ nghĩ rằng tôi là nhà báo thì sẽ giải quyết được mọi việc, nên cứ đi theo "đề nghị". Tôi bảo Tám: Về đây gần đường, lại có điện, đi đâu cũng tiện sướng hơn nơi ở cũ chứ? Tám lắc đầu: Chả biết có sướng không. Nếu không có đất sản xuất thì đói chứ sướng gì. Còn tương lai của con em chúng cháu chứ, lung mung như chuyện ở tận đâu, chả biết được… Xem ra những điều Tám nói rất đúng với tâm trạng của người dân ở đây, họ không chỉ đòi hỏi có đất để dựng nhà mà cả ruộng nương cùng với hệ thống điện, đường, trường học…giúp cho họ có cuộc sống ổn định lâu dài hơn…(Hết)

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất