| Hotline: 0983.970.780

Một chuyến đào vàng

Thứ Sáu 28/12/2012 , 10:19 (GMT+7)

Những ngày giữa tháng 12, chúng tôi làm cuộc hành trình ngược theo con sông Tranh, men theo bờ sông, bằng xe máy, đi bộ và có đoạn phải lội nước sâu đến cổ. Trong hơn 2 ngày trời, trong những câu chuyện với các phu vàng, tôi hiểu thêm được những gì đang diễn ra ở "xứ vàng" này.

Những ngày giữa tháng 12, chúng tôi làm cuộc hành trình ngược theo con sông Tranh, men theo bờ sông, bằng xe máy, đi bộ và có đoạn phải lội nước sâu đến cổ. Đoạn thượng nguồn sông Tranh này chảy qua 3 huyện Bắc Trà My, Tiên Phước và Hiệp Đức của tỉnh Quảng Nam. Trong hơn 2 ngày trời, trong những câu chuyện với các phu vàng, tôi hiểu thêm được những gì đang diễn ra ở "xứ vàng" này.

Tìm vàng giữa mùa mưa...

Con sông Tranh mùa mưa lũ, cuồn cuộn nước dâng đục ngầu như cuốn phăng tất cả, dù trên thượng lưu đã có đập thủy điện Sông Tranh 2 chắn dòng. Trên một đoạn sông thuộc xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức (Quảng Nam), trong cơn mưa chiều tầm tã, những phu vàng vẫn tất bật với công việc của mình. Họ chia ca ra mà làm. Một số người đang vật lộn với xe múc và máy lọc vàng. Còn một số đang nghỉ ngơi trong lán trại tạm để chuẩn bị cho bữa cơm tối.

Trong vai người đi tìm và bẫy chim rừng, chúng tôi tìm vào lán của những phu vàng ở Phước Gia để xin nghỉ tạm. Những người trong lán nghi hoặc nhìn khách lạ một hồi lâu như để xem có thể tin tưởng được hay không. Bởi nghề này với họ luôn rình rập những nguy hiểm, từ người cùng làm nghề cho đến lực lượng truy quét. Nhưng khi câu chuyện bắt đầu thân mật thì không còn gì ngăn cản được những tâm sự, suy tư với cái nghiệp của mình khi mong muốn đổi đời.


Xe múc đang khai thác vàng bên bờ sông Tranh thuộc xã Phước Gia

Thì ra những phu vàng ở điểm này là sự cộng sinh của người tìm vàng từ Bắc vào và người dân bản địa. Trong đoàn người từ Hà Nam vào Quảng Nam tìm vàng, sau khi mỏi mệt vì không thấy vàng đâu, phần lớn đều bỏ về, chỉ còn lại 3 người bám trụ. Lúc ấy, có một nhóm làm vàng tự phát của xã Tiên Lãnh (huyện Tiên Phước) đến, định "làm luật". Nhưng nhìn đi nhìn lại, thấy những người "chung chí hướng" đã đói meo nên quyết định bắt tay cùng khai thác rồi ăn chia. Họ chọn đoạn sông Tranh qua xã Phước Gia để mong kiếm chút gì đó thay đổi cuộc sống.

Quệt những giọt nước mưa trên trán, anh Phan Như Thành, một phu vàng từ Hà Nam vào cho biết: "Chúng tôi phải chọn lúc mưa to thế này để làm bởi sẽ bớt đi sự chú ý của công an và chính quyền. Thời gian gần đây, địa phương này đã mở rất nhiều đợt truy quét. Nhiều nhóm đào đãi vàng không chịu được, phải chui vào rừng sâu hơn hoặc bỏ chỗ này đi. Trời mưa, làm khổ hơn bình thường rất nhiều, nhưng biết làm sao được. Vì miếng cơm, vì cuộc sống của vợ con ngoài quê, chúng tôi phải liều thôi anh ạ...". Rồi anh châm 1 điếu thuốc, nhìn ra ngoài chiếc xe xúc đang gầm gừ cùng tiếng mưa rơi. Căn lán dựng tạm đã dột rất nhiều chỗ. Nước chảy lênh láng trên nền cát.


Lán trại tạm của các phu làm vàng ở xã Phước Gia

Phì phà hơi thuốc lá mong cho ấm lòng hơn, anh Thành chua chát bảo giờ ở ven sông Tranh này, làm vàng cũng chỉ may rủi mà thôi. Nhưng biết làm sao được. Ở những chỗ "lộ thiên" thế này, phần lớn các đoàn tìm vàng cả Bắc - Trung - Nam đã đi qua. Nếu có, thì những kẻ đi trước đã được rồi. Những người đến sau chỉ trông chờ vào những điều kỳ diệu mà thôi. Lắm lúc cả năm không được gì, đành ra về với hai bàn tay trắng và 1 khoản nợ kha khá. Chưa kể gặp công an và các lực lượng truy quét. Khi chúng tôi hỏi các anh sợ bị truy quét sao vẫn làm. Anh mỉm cười, bảo gặp truy quét thì không sao, họ đến, mình chạy, họ về mình lại ra. Chỉ sợ mang danh truy quét mà đến không phải để truy quét...

Theo chân phu vàng trẻ Tiên Lãnh

Chia tay nhóm làm vàng ở xã Phước Gia, chúng tôi đến và nghỉ đêm tại một xóm nhỏ ở xã Tiên Lãnh. Đây cũng là một điểm khai thác vàng trái phép nổi tiếng nằm dọc theo bờ sông Tranh. Giữa những ly rượu của trai làng, chuyện vàng được kể một cách rất tự nhiên như cuộc sống hàng ngày của họ. Ở địa phương này, nhờ làm vàng mà nhiều gia đình đổi thay rất lớn. Nhưng hầu như thanh thiếu niên 11, 12 tuổi trở lên đã biết uống rượu, thậm chí là biết sử dụng các chất gây nghiện...


Đường vào bãi vàng, men theo sông Tranh, thuộc xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước

Một phu vàng trẻ tuổi tên Thiện say sưa kể với chúng tôi về những chuyện xung quanh việc làm vàng ở xứ này. Thiện bảo ngày trước, thanh niên ở đây cũng hồn nhiên, chân chất, bởi là miền quê mà. Nhưng từ khi vùng này nổi tiếng vì vàng, những nhóm làm vàng từ khắp nơi kéo đến thì các tệ nạn như mại dâm, hút sách, cờ bạc, rượu chè cũng tăng lên đáng kể. Thanh niên ở đây giờ ít ai là không biết tới những "thú" ấy. Cứ ăn cơm tối xong, là lại rủ nhau đi "vui vẻ". Ở các quán cà phê trong xã này, ban đêm, các cô gái xuất thân từ miền Tây Nam bộ sẵn sàng phục vụ tới bến những anh em nào có hứng thú. Thiện rủ tôi đêm nay đi cho biết. Tôi nói thật tình đi cả ngày đường, giờ uống rượu vào nên cần một giấc ngủ mai lấy sức còn đi.

Sáng hôm sau, chúng tôi theo chân Thiện, lội bộ, băng rừng, men theo bờ sông Tranh suốt hơn 2 tiếng đồng hồ để vào những nơi có vàng mà dân địa phương hay đào đãi. Mang theo một phao cứu sinh lớn và 1 đồ dùng đãi vàng thô sơ, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình. Dọc theo bờ sông Tranh qua xã Tiên Lãnh này, vô vàn những hố đào đãi vàng của người dân bản địa. Thiện quay lại bảo tôi đi cho khéo nếu không thụt xuống hố sâu là không ai cứu được. Câu nhắc làm tôi thấy giật mình...


Dòng sông Tranh đục ngầu, giận dữ...

Đến một đoạn sông sâu ngay sát bờ. Bờ bụi không có đường để đi, nên chúng tôi quyết định lội sông. Vừa đi một đoạn không xa, bàn chân tôi cảm nhận được sự hụt ngay bên dưới. Mực nước đang ở khoảng đầu gối chợt cao bất thường. Ngay lập tức, cả người tôi tụt xuống hố sâu đến ngang cằm. Nhanh như cắt, Thiện ở phía sau quăng phao cứu sinh tới và lao người bơi ra nắm lấy tay tôi. Tôi vốn không biết bơi. Dìu được tôi vào bờ, Thiện và anh bạn cùng đi với tôi vẫn còn hốt hoảng. Đoạn sông từ chỗ chúng tôi ngược lên thượng nguồn đã bắt đầu nguy hiểm. Thiện bảo do nước thủy điện Sông Tranh 2 vẫn xả liên tục, mà mưa thì vẫn rơi, nên nước sông lên rất nhanh. Chúng tôi quyết định dừng lại, cùng Thiện khám phá xem nơi này có vàng không rồi quay về. Điểm dừng chân này đã thuộc địa phận của huyện miền núi Bắc Trà My.

Đôi tay Thiện thoăn thoắt trên dụng cụ đãi vàng thô sơ mà những người dân bản địa hay dùng. Lần lượt đất, đá, cát đều được loại bỏ. Nếu có vàng, sẽ còn lại dưới đáy. Thiện cười và bảo nếu có được khoảng 10 hạt vàng nhỏ như hạt cám còn sót lại, bọn tôi sẽ cùng nhau làm, đến chiều mỗi thằng cũng có được vài triệu. Bởi chỗ nào trên đãi được vàng cám với số lượng lớn thì ắt sẽ có nhiều quặng vàng ở dưới. Kinh nghiệm của 1 phu làm vàng có thâm niên 8 năm khi tuổi đời mới tròn 19 đã cho Thiện những cái nhìn rất khá về vàng.

Nhưng lọc mãi, mồ hôi đã nhễ nhại mà vàng không thấy đâu. Gần 12 giờ trưa, chúng tôi quay về với tâm trạng đầy tiếc nuối. Thiện bảo nếu nước sông không sâu, đi bộ khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi sẽ đến được chỗ khai thác vàng rất sôi động của người dân các huyện Tiên Phước, Nam Trà My, Bắc Trà My. Nơi ấy vẫn còn vàng nhiều mà các lực lượng chức năng ít khi đi tới.

Trên đường về, cơn mưa rừng mùa lũ đột ngột lại ào ào trút xuống. Trước mặt chúng tôi, dòng sông Tranh cuộn sôi ngầu đục như muốn cuốn tung tất cả xuống tầng sâu thăm thẳm. Sự hung tợn của thiên nhiên dần dần tăng lên gấp bội. Bởi con người, bằng nhiều chiêu thức khác nhau, dù mang danh "thủy điện" hay vì nghiệp mưu sinh, đều đã hủy diệt sinh thái nơi đây để thỏa lòng tham của mình. Và hậu quả chắc chắn sẽ nhiều hơn nữa...

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm