| Hotline: 0983.970.780

Một chuyến đi nhiều lợi ích

Thứ Tư 15/02/2017 , 07:10 (GMT+7)

Cuối năm 2016, Cty CP Phân bón Bình Điền đã tổ chức đưa cán bộ khuyến nông, nhà khoa học lĩnh vực nông nghiệp và hơn 30 nông dân sản xuất giỏi tại các mô hình ở 13 tỉnh, thành ĐBSCL đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất lúa tại Thái Lan.

Chuyến đi đã gặt hái rất nhiều lợi ích.
 

Học sản xuất nông nghiệp

Đến “đất nước Chùa Vàng”, đoàn tham quan được đến Trung tâm Kiểm soát sinh học thuộc tỉnh Chonburi là Trung tâm Singtothong và Nông trường lúa tại tỉnh Chachoengsao. Tại đây, đoàn đã có cơ hội tham quan và học hỏi được rất nhiều điều. 

10-07-59_nh-1
Lần đầu tiên hơn 30 nông dân ở ĐBSCL đến tham quan và học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại đất nước Chùa Vàng
 

Nếu tính theo đơn vị của Việt Nam, thì Thái Lan có gần 10 triệu ha đất trồng lúa, gấp 2 lần đất canh tác lúa của nước ta, tuy nhiên sản lượng lúa của nước bạn chỉ đạt khoảng 38 triệu tấn mỗi năm, thấp hơn Việt Nam gần 7 triệu tấn. Đó là do họ tập trung một số diện tích đất để sản xuất gạo thơm, gạo chất lượng cao, bán ra thế giới với hơn 250 thương hiệu, chấp nhận năng suất lúa bình quân rất thấp (trên dưới 2,5 tấn/ha) và chỉ trồng 1 vụ năm.

Trung tâm Kiểm soát Sinh học thuộc tỉnh Chonburi, có trách nhiệm nghiên cứu và nhân giống các loại thiên địch, cũng như sản xuất ra các loại thuốc BVTV chiết xuất từ thực vật, để quản lý dịch hại cây trồng trên toàn bộ diện tích canh tác của Thái Lan.

Ngoài trụ sở chính này, ở mỗi tỉnh, thành của Thái Lan đều có 20 cơ sở nhân nuôi thiên địch để phục vụ mùa vụ của nông dân. Mỗi tháng họ sẽ thả thiên địch ra ngoài ruộng 2 lần, vì các loại này chỉ tồn tại ngoài môi trường tự nhiên khoảng 3 tháng, và không thể sinh sản hữu tính. Từ đó, toàn bộ các diện tích canh tác nông dân Thái sẽ không sử dụng hóa chất, tạo ra nguồn nông sản sạch.

Đây là trọng tâm mà các nhà khoa học và Cty CP Phân bón Bình Điền muốn nhà nông ĐBSCL chú ý tới trong chuyến đi này, cũng chính là giải pháp kiểm soát dịch hại cây trồng bằng công nghệ sinh học (CNSH), góp phần làm nên vị thế xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới cho Thái Lan hiện nay. 

10-07-59_nh-3
Tham quan cánh đồng sản xuất lúa theo công nghệ sinh học

 

Ông Trần Văn Tâm, GĐ Marketing Cty CP Phân bón Bình Điền chia sẻ: “Sau khi thăm một số mô hình của Thái Lan, điều chúng tôi đặc biệt quan tâm là làm sao để bà con hạn chế sử dụng thuốc BVTV tràn lan trong điều kiện BĐKH, cũng như sử dụng phân bón không đúng kỹ thuật. Sau khi tham quan, tôi mong muốn bà con về nước sẽ phối hợp với các cơ quan khuyến nông ứng dụng các CNSH vào đồng ruộng của mình”.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ - Phó Trưởng khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ nhận định: “Tôi cho rằng xu hướng của thế giới sắp tới là đòi hỏi yêu cầu vệ sinh ATTP ngày càng cao. Chính vì vậy CNSH và công nghệ sinh thái áp dụng trong nông nghiệp là hết sức cần thiết. Lúa gạo Việt muốn có chỗ đứng trên thương trường thế giới một cách vững chắc và mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, chắc chắn phải áp dụng các công nghệ này vào sản xuất”.
 

Thay đổi tư duy nông dân

Sau khi gặt hái thành công bằng mô hình canh tác lúa thông minh ứng phó với BĐKH do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chuyển giao tại ĐBSCL, được mắt thấy tai nghe ở Trung tâm Kiểm soát Sinh học và trên đồng ruộng Thái Lan, bà con nông dân ĐBSCL càng có thêm niềm tin vào các CNSH, công nghệ sinh thái trên đồng ruộng, vì hoàn toàn có thể khống chế và ngăn chặn hiệu quả các loại sâu bệnh hại quan trọng trên lúa.

Nông dân Quách Trường An, canh tác 3,5ha lúa ở thị trấn Hưng Lợi, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) phấn khởi cho biết, đây là lần đầu tiên ông được sang học hỏi, tham quan sản xuất nông nghiệp ở đất nước Thái Lan. Qua chuyến đi này, ông đã rút ra kinh nghiệm cho bản thân, không như trước đây sản xuất lúa truyền thống thường quan niệm phải sử dụng nhiều phân thuốc, sạ dày mới cho năng suất cao…

Theo quan niệm này nên bỏ dần, chuyển sang áp dụng công nghệ sinh thái, bảo vệ thiên địch có lợi, giảm phân, thuốc BVTV, lượng giống gieo sạ để hạ giá thành, tăng lợi nhuận.

10-07-59_nh-5
10-07-59_nh-6
Nông dân ĐBSCL tham quan vườn sản xuất hoa lan lớn nhất Thái Lan. 

 

“Họ chỉ ở cấp tỉnh thôi mà đã có thể nghiên cứu thiên địch, rồi tồn dư hóa chất trong lúa gạo. Ngành nông nghiệp nước ta cũng đã khuyến cáo là không cần năng suất cao mà cần chất lượng, nhưng rất nhiều nông dân chưa nhìn ra vấn đề này”, ông An nói.

Tuy nhiên, các nhà chuyên môn Thái Lan cũng chia sẻ, ngoài nghiên cứu công nghệ, công tác chính của họ là chuyển giao kỹ thuật, một công việc cần sự kiên trì của các nhà chuyên môn và cần thời gian dài để nông dân có thể chấp nhận áp dụng CNSH vào sản xuất đồng bộ.

Thực tế, kinh nghiệm và điều kiện sản xuất lúa gạo của nông dân Việt Nam không thua gì nước bạn, nhưng do chạy theo năng suất nên thâm canh tăng vụ, gia tăng tỷ lệ phát sinh dịch hại, cộng thêm tâm lý phụ thuộc vào thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học, nên chất lượng lúa gạo vẫn chưa được cải thiện. Mặt khác, nếu có áp dụng thì CNSH và công nghệ sinh thái ở một số khu vực vẫn chưa mang tính cộng đồng, mức độ thành công không cao. 

Nông dân Phạm Văn Phụ ở tỉnh Trà Vinh đánh giá, năng suất lúa chỉ trên dưới 3 tấn/ha thì quá thấp, nhà nông mình không chấp nhận được. Theo phương pháp trồng lúa nước bạn nếu đem về vùng nước mặn làm 1 vụ lúa/năm thì có thể được, chứ mấy vùng khác hơi khó. 

Vả lại nếu trồng giống lúa mới thì phải có thị trường, cũng phải thử nghiệm một hai năm rồi thương lái biết đến mua mới bán được. Theo anh Phụ muốn áp dụng CNSH ở Việt Nam thì các cấp chính quyền phải tuyên truyền, vận động nhân dân. Mô hình sản xuất này tiết kiệm chi phí cho nhà nông, nhưng bước đầu để bà con chấp nhận thì rất khó. Mà cả cộng đồng cùng làm, chứ một hai người làm thì cũng không ổn. 

Ông Nguyễn Hồng Phương, nông dân tỉnh Kiên Giang bày tỏ: “Phải nói chuyến đi này đặc biệt có ý nghĩa với tôi. Nông dân Thái Lan họ dùng thiên địch và thuốc có chiết xuất từ thực vật để bảo vệ cây trồng, chúng tôi sẽ học hỏi để góp phần giúp ngành nông nghiệp Việt Nam sau này cũng mạnh như Thái Lan".

Sau những ngày làm việc và lao động vất vả, cán bộ khuyến nông và bà con nông dân 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã có dịp hội ngộ và cùng đi tham quan với nhau, đó sẽ là những kỷ niệm quý báu của mỗi người. Và điều lắng đọng nhất sau chuyến đi chính là những kiến thức, kinh nghiệm sản xuất từ nước bạn, bà con tiếp thu học hỏi được để về áp dụng trên đồng ruộng của mình, góp phần hình thành nền nông nghiệp xanh của nước nhà.

 

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm