| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 30/03/2015 , 08:37 (GMT+7)

08:37 - 30/03/2015

Một điều được mong chờ

Tới đây, người có điện có thể tự do lựa chọn một trong 5 Tổng công ty để bán sản lượng điện do mình làm ra, không phải chấp nhận cảnh phải bán cho EVN với bất cứ giá nào. 

Tại hội thảo “Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh” tổ chức gần đây, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Sau hơn 2 năm vận hành phát điện cạnh tranh, bên mua điện duy nhất vẫn là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), thông qua một công ty mua bán điện, khiến mức giá chào trên thị trường chưa hấp dẫn. Để đảm bảo tính cạnh tranh, tại thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ mở rộng hơn các đối tượng này.

Theo lộ trình, thị trường điện Việt Nam sẽ được hình thành và phát triển theo 3 cấp độ: Phát điện cạnh tranh (2005-2014); bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và bán lẻ cạnh tranh (sau năm 2022). Hiện thị trường đang ở bước cuối cùng của phát điện cạnh tranh và sắp sang giai đoạn bán buôn cạnh tranh.

Theo đó, trước mắt sẽ có 5 Tổng công ty điện lực trực tiếp mua điện và bán cho khách hàng. Ngoài ra, các khách hàng lớn đấu trực tiếp vào lưới điện truyền tải cũng sẽ có cơ hội tham gia thị trường điện bán buôn, được tự do lựa chọn đối tác ký hợp đồng hoặc mua bán điện trên thị trường điện giao ngay.

Theo Bộ Công thương, khi nâng cấp độ cho thị trường điện, nguồn tài chính của ngành điện sẽ được cải thiện, chất lượng cũng tăng lên, và đặc biệt là giá bán lẻ điện sẽ hợp lý, dựa trên quy luật cung cầu hợp lý…

Điều đó có nghĩa là tới đây, EVN sẽ mất thế độc quyền về mua bán điện, điều mà cả xã hội đã phải lãnh đủ trong nhiều năm nay.

Ai cũng biết, độc quyền gây hại cho nền kinh tế lớn tới mức nào. Lâu nay, EVN cứ nghiễm nhiên một mình một chợ. Mua điện giá bao nhiêu, bán điện giá bao nhiêu, đều do EVN tự mình định đoạt, khiến nhiều nhà máy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện nhỏ, kêu trời.

Nhưng kêu mà cuối cùng vẫn phải bán, vì ngoài EVN, còn ai được quyền mua bán điện nữa. Còn xã hội thì cứ phải cõng tất cả mọi thứ, nhiều khi cực kỳ vô lý, như việc xây biệt thự, đầu tư ra ngoài ngành của EVN lại tính vào... giá điện.

Và để gánh lỗ cho EVN, cứ sau một thời gian, thiên hạ lại thót tim trước việc điện tăng giá, kéo theo hàng loạt mặt hàng khác tăng giá. Từ nhiều năm nay, giá điện chỉ có tăng chứ chưa một lần giảm.

Tất cả những điều đó, đều có nguyên nhân từ độc quyền. EVN mất thế độc quyền, không còn tự tung tự tác được nữa, là điều mà cả xã hội mong ngóng lâu nay.

Tới đây, người có điện có thể tự do lựa chọn một trong 5 Tổng công ty để bán sản lượng điện do mình làm ra, không phải chấp nhận cảnh phải bán cho EVN với bất cứ giá nào. Cũng như vậy, khách hàng dùng điện có thể tự do lựa chọn một trong 5 Tổng công ty điện lực để ký hợp đồng mua điện, không phải mua của EVN với bất cứ giá nào.

Một thị trường buôn bán điện sẽ hình thành theo đúng nghĩa của nó, và một sự cạnh tranh lành mạnh sẽ xuất hiện. Tổng công ty nào làm ăn tốt, giảm được tiêu hao điện năng, tinh giản được biên chế khiến bộ máy gọn nhẹ, điều hành có hiệu quả, sẽ có điều kiện hạ giá bán điện hơn, có nhiều khách hàng hơn và ngược lại.

Mong sao điều đó chóng trở thành hiện thực.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm