| Hotline: 0983.970.780

Một đời mắc nợ ruộng đồng

Thứ Tư 25/01/2012 , 10:29 (GMT+7)

“Lão” nông dân Lâm Văn Thắng, tác giả của chiếc lò sấy thuốc lá và chiếc máy diệt rầy thế hệ thứ 3, khiến chúng tôi thấy gần gũi, như thân tình từ lâu lắm.

Dáng cao và gầy khô, nhưng “lão” lại rất có “duyên” với nụ cười luôn nở trên môi, điệu bộ, giọng nói hóm hỉnh, gần gũi, lúc xưng chú - cháu, lúc lại mày – tao. “Lão” nông dân Lâm Văn Thắng (thường gọi là Chú Út), tác giả của chiếc lò sấy thuốc lá và chiếc máy diệt rầy thế hệ thứ 3, khiến chúng tôi thấy gần gũi, như thân tình từ lâu lắm.

Về huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh, chỉ hỏi thăm đúng một lần, chúng tôi đã tìm đến ngay nhà “lão” nông dân Út Thắng ở ấp Tân Lập, xã Tiên Thuận. Gặp “lão”, chúng tôi mới biết, đã ngoài 60 tuổi nhưng “lão” vẫn chưa tích lũy được tài sản gì cho gia đình, cứ mày mò nghiên cứu những thiết bị để giúp người nông dân bớt cực trên đồng ruộng.

TỪ LÒ SẤY ĐA NĂNG…

“Lão” kể: “Hơn chục năm trồng và sấy thuốc lá, nỗi băn khoăn lớn nhất của chú là nguồn chất đốt. Toàn huyện Bến Cầu có từ 5 - 7 ngàn hécta thuốc lá tùy năm, năng suất 2,5 tấn lá tươi/ha. Tính sơ sơ, một năm số lá thuốc này ngốn hơn chục héc ta cây rừng. Nhiều đêm chú trằn trọc không ngủ được vì suy nghĩ làm thế nào để khắc phục tình trạng này. Năm 1995, chú bắt đầu nghiên cứu, cải tạo chiếc lò sấy từ dùng củi sang dùng than đá. Quả thật, không giấy bút nào tả hết sự vất vả trong suốt mấy năm nghiên cứu chiếc lò sấy này. Khi đó, hết ngày lại đêm, chú phải bám lò, dưới nhiệt độ hơn 60oC để theo dõi tình trạng lá thuốc".

“Lão” Út Thắng bên cặp lò sấy đa năng

Dường như sự cơ cực những ngày đầu mày mò làm lò sấy lại hiện về, "lão" kể tiếp: "Khi vào lò, chú phải mặc chiếc áo thun dày như áo ấm để tránh cái nóng xuyên vào da thịt và để thấm mồ hôi. Mỗi lần ra ngoài, chưa cởi áo ra vắt thì mồ hôi đã chảy từ đầu xuống chân và đọng thành vũng dưới đất. Nhiều đêm đang ngủ, chú vùng dậy, một mình ôm chiếc mô tơ quạt gió leo lên cửa thoát của lò cao 6 mét để hút hơi nước đọng trong buồng lò ra. Ngày nào cũng ăn uống qua loa bằng ổ bánh mì, bánh chuối, khát nước thì vục gáo dừa vào lu nước mưa làm một hơi… Thất bại cả chục lần, lúc hết tiền, chú phải cầm sổ đỏ cho ngân hàng để vay tiền, rồi vay nợ bên ngoài hàng trăm triệu nữa. Mãi đến năm 2001 chú mới thành công”.

Mặc dù sử dụng chiếc lò sấy này có thể tiết kiệm được 50% nhân công, 40% chi phí nhưng “lão” vẫn chưa vừa ý, vì thiết bị dùng than đốt nóng bệ nhiệt và dùng quạt điện thổi nhiệt vào buồng sấy. Thời điểm năm 2001, nhiều vùng sâu của huyện Bến Cầu chưa có điện mà trong khi qui trình sấy thuốc không cho phép mất điện, nên phải đầu tư thêm máy phát điện, rất tốn kém. Bởi thế, “lão” lại tiếp tục mày mò. Đến năm 2003, chiếc lò sấy mới đã ra đời với những ưu điểm vượt trội. Lò cải tiến dùng đường ống dẫn nhiệt thay vì dùng quạt nên nhiệt vào buồng sấy rất đều và ổn định, cho chất lượng thuốc cao nhất.

Trước khi chiếc lò sấy của “lão” Út Thắng ra đời, đa số người dân trồng thuốc lá ở Tây Ninh phải bán lá tươi cho thương lái với giá rẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Một số hộ có lò sấy dùng củi đốt cũng không khá được vì giá nguyên liệu đốt không hề rẻ. Đến khi chiếc lò sấy của “lão” Út Thắng ra đời, hàng trăm hộ trồng thuốc lá đã giàu lên nhanh chóng.

“Hiện nay chỉ riêng tỉnh Tây Ninh đã có vài trăm lò sấy, đa số là “copy” lại mẫu của chú. Chỉ có vài chục người đến gặp chú đặt thiết kế. Không ít lò “copy” không đúng, thiết kế không chuẩn nên đã thất bại nặng. Nhiều cơ sở thiệt hại cả tỷ đồng. Chú rất mong thiết bị này được áp dụng rộng rãi, vừa giúp bà con nâng cao thu nhập lại giảm đáng kể tình trạng phá rừng. Nếu ai có nhu cầu chú sẵn sàng tư vấn lắp đặt miễn phí. Nhiều người trả công cho chú chỉ bằng một chầu nhậu, chú vẫn vui”, lão vừa nói vừa cười vang nhà.

ĐẾN MÁY DIỆT RẦY THẾ HỆ THỨ 3

“Mấy chục năm gắn bó với đồng ruộng, chú luôn đau đáu một khát vọng là làm thế nào để tiêu diệt tối đa sâu rầy phá hoại hoa màu, giảm bớt thiệt hại cho bà con”, “lão” Út Thắng mở đầu câu chuyện về chiếc máy diệt rầy của mình. Từ những trăn trở trên, năm 2005, “lão” cùng người cháu là Trần Quốc Trung mày mò cho ra đời chiếc máy bắt muỗi - diệt côn trùng. Chiếc máy này sau đó đã được Bộ KH- CN cấp chứng nhận, được Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh tặng bằng khen và một số giải thưởng khác. 

Còn đây là chiếc máy diệt rầy thế hệ thứ 3 của “lão”. Gọn nhẹ và hiệu quả hơn nhiều so với chiếc máy ‘đời đầu”

Điều khiến “lão” vui nhất là chiếc máy đã được bà con nông dân trong, ngoài tỉnh biết đến và nồng nhiệt chào đón. Tuy nhiên, “lão” vẫn không chịu bằng lòng với thành quả mình đạt được khi nhìn thấy những khiếm khuyết của chiếc máy này như hệ thống điện còn nhiều chi tiết, rắc rối, phải thường canh tấm lưới điện để gạt côn trùng xuống khi chúng bay vào, chết dính một lớp dày trên tấm lưới điện…

“Đó là thời điểm năm 2006, khi chiếc máy diệt rầy đầu tiên ra đời, có mấy tờ báo đã đến đưa tin, báo NNVN cũng có một bài viết về nó. Nhưng bây giờ nó đã được cải tiến đến thế hệ thứ 3 rồi, ngon lành hơn máy cũ nhiều”, “lão” Út Thắng cười sảng khoái rồi hào hứng đứng lên dẫn chúng tôi ra nhà sau, nơi đặt chiếc máy diệt rầy cải tiến. “Lão” cho biết ưu điểm nổi bật của chiếc máy này là giảm đến 2/3 chi tiết và 30% giá thành so với máy cũ. Máy cải tiến vẫn dùng 2 bóng đèn dẫn dụ côn trùng, nhưng khi bay đến, côn trùng sẽ bị sức gió của cánh quạt cuốn vào chiếc phễu, lọt xuống phía dưới, nơi có chiếc túi to chờ sẵn và không bị cháy sém như chiếc máy cũ. Máy có khả năng thu côn trùng các loại như muỗi, bướm, rầy nâu, rầy xanh đuôi đen, bọ xít…

Nói về “lão” nông dân Út Thắng, chị Nguyễn Thị Đạt, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Cầu kể bằng thái độ trìu mến: “Tính chú “nghệ sỹ” lắm. Có bao nhiêu thời gian là dành hết cho nghiên cứu, sáng tạo. Mỗi lúc căng thẳng, cần thư giãn là chú lại ôm cây đàn cò, hoặc làm thơ. Chú làm vì đam mê, vì tình yêu đồng ruộng, vì bà con nông dân là chính chứ không phải kinh doanh. Lúc thử nghiệm lò sấy, chú kêu bà con mang lá thuốc đến cho chú sấy. Thấy bà con lo lắng, chú bảo nếu sấy hư sẽ đền tiền. Chú Út là niềm tự hào của bà con nông dân Bến Cầu”.

Những cải tiến quan trọng này giúp máy không hạn chế số lượng côn trùng, không phải canh gạt côn trùng trên tấm lưới như máy cũ. “Trung bình một vụ lúa, bà con phải xịt thuốc ít nhất 5 lần, mỗi lần tốn khoảng 300 ngàn tiền thuốc, công, chưa kể ảnh hưởng sức khỏe, môi trường. Còn nếu sử dụng máy, mỗi vụ chỉ tốn khoảng 100 ngàn đồng tiền điện, độ an toàn cao. Các loại côn trùng thu được có thể dùng nuôi chim, cá, gia cầm. Nếu dùng thiết bị này và phun thêm thuốc Applaud 10WP, thì có thể diệt hơn 90% côn trùng các loại”, “lão” nói.

Hiện nay, hàng trăm chiếc máy diệt côn trùng cải tiến này đã được bà con ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh… sử dụng hiệu quả. “Nếu được chính quyền hỗ trợ kinh phí, chú có thể lắp đặt những trạm diệt côn trùng cho diện tích từ 10 hécta trở lên bằng cách làm những máy lớn, đặt cao 7 mét, bắt côn trùng trước khi chúng đáp xuống mặt ruộng”, “lão” Út Thắng bày tỏ.

Quả thật, nếu không có tấm lòng, không có tình yêu lớn với đồng ruộng, với người nông dân, thì không thể nào làm nổi những việc bao năm nay “lão” đã làm.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm